Cần quản lý chặt chẽ các khoản viện trợ không hoàn lại

Thanh Tùng| 15/03/2022 16:50

Sáng 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2020 và năm 2021. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc.

2.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình tại Phiên họp

Trình Quốc hội cho phép bổ sung dự toán thu, chi ngân sách trung ương

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đối với việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020, khoản viện trợ phát sinh trong năm đã được các bộ, cơ quan trung ương thực nhận và sử dụng, chi tiêu trong năm. Tính chất của khoản viện trợ đã thực nhận nhưng chưa có dự toán được giao là do: tính chất đặc thù của các khoản viện trợ nước ngoài thường là nhỏ, lẻ, không có kế hoạch trước; phương thức thực hiện các khoản viện trợ là đa dạng (nhà tài trợ tự thực hiện và bàn giao kết quả cho phía Việt Nam khi kết thúc dự án; nhà tài trợ thực hiện giải ngân theo tiến độ dự án, không theo dự toán/hoặc không cần có dự toán được cấp có thẩm quyền giao)...

Qua số liệu báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và trên cơ sở rà soát, đối chiếu số liệu với các bộ ngành, khoản kinh phí viện trợ phát sinh đã được các bộ, cơ quan trung ương thực nhận nhưng chưa có dự toán để hạch toán, quyết toán chi theo quy định, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội phê duyệt bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2020 và phương án phân bổ, sử dụng cho các Bộ, cơ quan trung ương.

Đối với năm 2021, theo Nghị quyết số 129/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội dự toán vốn viện trợ thuộc nguồn thu của ngân sách Trung ương (NSTW) phân bổ cho chi thường xuyên của NSTW và chi bổ sung có mục tiêu cho các địa phương (nguồn chi thường xuyên) được Quốc hội giao, gồm: chi thường xuyên của NSTW, bổ sung có mục tiêu cho các địa phương nguồn chi thường xuyên; số còn lại dành để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2021.

Tính đến thời điểm 31/12/2021, theo thông tin của các Bộ, ngành, địa phương cung cấp: Số vốn viện trợ đã tăng đáng kể so với dự toán do Việt Nam huy động được các khoản viện trợ đột xuất hỗ trợ phòng chống dịch COVID -19 (vắc xin, thiết bị y tế, v..v). Các khoản viện trợ này dự kiến vẫn tiếp tục được ghi nhận trong các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Vì vậy, việc bổ sung dự toán thu/chi NSTW nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) là cần thiết để đủ căn cứ thực hiện, hạch toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước và điểm b khoản 5 Điều 20 Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho phép bổ sung dự toán thu, chi NSTW nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) năm 2021 và phê duyệt phương án phân bổ dự toán chi NSTW cho các bộ, cơ quan trung ương và bổ sung có mục tiêu cho các địa phương. Căn cứ ý kiến chấp thuận của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ thông báo bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cho các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương.

3.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra

Việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng viện trợ không hoàn lại là cần thiết và hợp lý

Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, về Tờ trình số 50/TTr-CP, Thường trực Ủy ban nhận thấy, việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng viện trợ không hoàn lại là cần thiết và hợp lý; không thể chờ có dự toán mới tiếp nhận và thực hiện. Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị bổ sung vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện, hạch toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo quy định tại Điều 8 của Luật Ngân sách nhà nước.

Về thẩm quyền quyết định bổ sung dự toán, Chính phủ xác định đây là số tăng thu và thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên đa số ý kiến Thường trực Ủy ban cho rằng, để bảo đảm đúng thẩm quyền quyết định, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu đối với khoản viện trợ nêu trên vì: Tại khoản 4 Điều 19 của Luật Ngân sách nhà nước quy định thẩm quyền của Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, do vậy, chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán. Việc Chính phủ xác định đây là số tăng thu và thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa phù hợp với khoản 4 Điều 19 của Luật Ngân sách nhà nước.

Về Tờ trình số 49/TTr-CP ngày 15/2/2022 việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, Thường trực Ủy ban cho rằng, nội dung này tương tự với nội dung tại Tờ trình số 50/TTr-CP ngày 15/2/2022 về đề nghị bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2020, do vậy, đề nghị bổ sung vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021 theo quy định tại Điều 8 của Luật Ngân sách nhà nước. Về thẩm quyền quyết định, đa số ý kiến đề nghị trình Quốc hội xem xét, bổ sung dự toán thu chi nguồn vốn này trong năm 2021 bảo đảm tuân thủ đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Từ những phân tích trên, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị: Đối với Tờ trình số 50/TTr-CP ngày 15/02/2022 về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2020, Chính phủ hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, bổ sung dự toán thu, phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương khi trình Quốc hội xem xét, quyết định quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Đối với Tờ trình số 49/TTr-CP ngày 15/02/2022 về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, Chính phủ hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, bổ sung dự toán thu và phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương trong năm 2021.

1.jpg
Quang cảnh Phiên họp

Không để xảy ra thất thoát, lãng phí

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính và đơn vị liên quan rà soát chính xác số liệu, cập nhật kịp thời, bổ sung, làm rõ khoản nào là khoản phát sinh thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, khoản nào là khoản đột xuất phát sinh? Đồng thời, cần cụ thể các nội dung chi cho các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch và xem xét trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong việc chậm phân bổ dự toán; thống nhất số liệu kiểm toán nhà nước, kể cả các khoản phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến viện trợ nước ngoài có liên quan tới công tác phòng chống dịch Covid-19…

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, căn cứ các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ cần hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, quyết định khi trình các vấn đề về quyết toán ngân sách nhà nước.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại nước ngoài vào chi thường xuyên năm 2020 và năm 2021 để bảo đảm các khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài đủ điều kiện hạch toán, quyết toán ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đây là khoản bổ sung dự toán nên cần trình Quốc hội để bảo đảm đúng thẩm quyền.

5.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ cần quản lý chặt chẽ các khoản viện trợ không hoàn lại, không để xảy ra thất thoát, lãng phí và xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại, tránh chậm phân bổ dự toán được Quốc hội giao, chậm báo cáo Quốc hội xem xét quyết định bổ sung dự toán thu-chi ngân sách nhà nước; cần thống nhất số liệu kiểm toán nhà nước, kể cả các khoản phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến viện trợ nước ngoài có liên quan tới công tác phòng chống dịch Covid-19; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản pháp luật, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với nguồn viện trợ không hoàn lại, bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch, cả phần giá trị và hiện vật theo quy định.

Đối với Tờ trình số 50/TTr-CP về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại nước ngoài nguồn chi thường xuyên năm 2020, Chính phủ rà soát số liệu, thống nhất với Kiểm toán Nhà nước, hoàn chỉnh hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, bổ sung dự toán thu-chi phân bổ chi tiết cho bộ, ngành, địa phương khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020.

Đối với Tờ trình số 49/TTr-CP về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, Chính phủ cũng phải rà soát, tổng hợp đầy đủ số liệu, thống nhất với Kiểm toán Nhà nước, hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự toán phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương. Thời gian trình chậm nhất là trước Kỳ họp thứ Tư, tháng 10/2022.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện các ý kiến tham gia tại phiên họp, hoàn chỉnh hồ sơ, Tờ trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra, chính thức thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quản lý chặt chẽ các khoản viện trợ không hoàn lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO