Doanh nghiệp - doanh nhân

Cần nghiên cứu phát triển mô hình kho cảng LNG trung tâm

Mai Anh 16/10/2023 - 15:14

Để đáp ứng công suất quy hoạch nhiệt điện khí và LNG theo Quy hoạch Điện VIII đã được phê duyệt, đồng thời tối ưu nguồn lực, các doanh nghiệp cho rằng nên triển khai các kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub) cung cấp nguồn khí cho các trung tâm nhiệt điện vệ tinh thay vì xây dựng các kho cảng riêng biệt gắn với từng dự án điện sử dụng LNG.

Theo phụ lục của Quy hoạch điện VIII, có 15 dự án nhà máy nhiệt điện LNG nằm phân bố rải rác trên cả nước. Thông tin sơ bộ cho thấy, để cung cấp khí LNG tái hóa cho các nhà máy điện này, các chủ đầu tư chủ yếu dự kiến sẽ hợp tác đầu tư, xây dựng các kho cảng LNG riêng biệt, gắn liền với các dự án điện. Việc này dẫn đến công tác đầu tư các kho cảng LNG bị rời rạc, phân tán nguồn lực xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích tổng thể quốc gia và khả năng chậm tiến độ khi triển khai các dự án kho cảng LNG với số lượng lớn.

z4787628939710_76f9e3e2c110879183763bfbef318891.jpg
Kho cảng LNG Thị Vải

Trong khi đó nếu xây dựng theo mô hình kho cảng LNG trung tâm cung cấp cho các trung tâm nhiệt điện vệ tinh sẽ giúp tối ưu chi phí cho tất cả các khâu bao gồm: mua nguồn LNG, đầu tư hạ tầng, phân phối và truyền tải, góp phần giảm giá thành sản xuất điện từ nguồn LNG nhập khẩu.

Do đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan ủng hộ quan điểm phát triển, xây dựng hạ tầng kỹ thuật quốc gia về điện khí LNG theo mô hình các kho cảng LNG trung tâm để cấp nhiên liệu chung cho toàn bộ các nhà máy điện sử dụng LNG vệ tinh. Bên cạnh sẽ tối ưu về chi phí, mô hình kho cảng LNG trung tâm còn giúp tận dụng tối ưu tài nguyên diện tích cảng biển và mặt nước cho các mục đích khai thác và phát triển kinh tế khác.

Ngày 12/10 vừa qua, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, trong đó về LNG, Đoàn giám sát cũng kiến nghị xem xét ban hành chính sách ưu tiên triển khai xây dựng hạ tầng kho cảng nhập khẩu LNG theo hướng phát triển các kho cảng LNG trung tâm có công suất lớn, gần các trung tâm điện lực sử dụng LNG để tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng vận chuyển, phân phối khí, tối ưu hóa chi phí và giảm giá thành sản xuất điện...

z4787628737412_0bc7beef5c4c65561399b976954588b0.jpg
Petrovietnam, PV GAS là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp khí

Với vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã và đang tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cho việc kinh doanh LNG. Sau khi nghiên cứu, PV GAS cũng cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển bền vững thì hệ thống hạ tầng điện khí LNG của Việt Nam cần được phát triển theo mô hình kho LNG trung tâm. Trong đó, Nhà nước cần giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp Nhà nước hoặc Nhà nước nắm cổ phần chi phối giúp tận dụng năng lực tài chính, kinh nghiệm và cơ sở hạ tầng hiện có trong lĩnh vực công nghiệp khí, từ đó phát triển hệ thống hạ tầng nhập khẩu và phân phối LNG của quốc gia.

Thực tế, việc phát triển hệ thống hạ tầng điện khí LNG cho Việt Nam theo mô hình kho cảng LNG trung tâm đã và đang được các nước trong khu vực và trên thế giới triển khai thành công và đảm bảo hiệu quả tổng thể như: Tập đoàn PTT - Thái Lan, Công ty Singapore LNG (SLNG) - Singapore, Công ty KOGAS - Hàn Quốc, các tập đoàn lớn của Nhật như: Tokyo Gas, Osaka Gas...

Định hướng trong tương lai, PV GAS sẽ tiếp tục xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng và hệ thống vận chuyển LNG theo mô hình Kho cảng LNG trung tâm với 3 khu vực trọng yếu trong hệ thống năng lượng quốc gia (công nghiệp khí và công nghiệp điện) bao gồm: Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, và miền Bắc. 3 LNG Hub này sẽ kết nối đồng bộ với hệ thống đường ống vận chuyển khí tái hóa/hệ thống vận chuyển LNG đường biển và hệ thống phân phối LNG (đường biển/sông, đường bộ) đến các hộ tiêu thụ/trung tâm điện lực.

Trong Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 có 13 dự án LNG. Theo đó, tới năm 2030 sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất dự kiến là 83 tỷ kWh. Để đáp ứng khí cho 13 dự án này cần tổng công suất kho chứa có thể cung cấp được 15 - 18 triệu tấn LNG/năm. Hiện nay, chỉ có duy nhất dự án kho chứa LNG Thị Vải với công suất (giai đoạn 1) 1 triệu tấn LNG/năm được đưa vào vận hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nghiên cứu phát triển mô hình kho cảng LNG trung tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO