Cần nâng cao hiệu quả chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân

Thúy Nhi| 15/10/2022 19:12

Ông Triệu Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội cho rằng, thời gian qua, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong việc giao đất, giao rừng nói chung và giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân ngày càng được bổ sung, hoàn thiện.

Nhờ vậy đã tạo được hành lang pháp lý quan trọng để Chính phủ tổ chức thực thi việc giao đất, giao rừng nhằm bảo vệ và phát triển rừng ngày càng tốt hơn, góp phần khai thác tiềm năng đất đai, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Quy định giao đất, giao rừng, cấp GCN có chồng chéo, vướng mắc

Theo ông Triệu Văn Bình, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước về giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư trong Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp, trong các Nghị định của Chính phủ quy định về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đã sớm tạo nên khung pháp lý quan trọng cho việc chúng ta chuyển từ một nền lâm nghiệp Nhà nước sang một nền lâm nghiệp xã hội với sự tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả của cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, những người gắn bó với rừng, tạo sinh kế, tạo thu nhập từ rừng càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

1(2).jpg
Ảnh minh họa

Việc công nhận quyền hợp pháp và lâu dài đối với việc quản lý, sử dụng rừng thông qua chính sách giao đất, giao rừng đã tạo tâm lý ổn định cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình, tạo động lực cho các cộng đồng dân cư và hộ gia đình huy động nguồn lực vào bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích được giao.

Chính sách giao rừng cho cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc thiểu số có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì rừng cộng đồng không chỉ là nơi nuôi dưỡng, cung cấp kinh tế, đời sống vật chất cho đồng bào, mà rừng còn là nơi lưu giữ và bảo tồn văn hóa, lưu giữa tri thức bản địa, là không gian để thực hành văn hóa, truyền đạt tri thức bản địa cho con cháu trong buôn, làng; là không gian để duy trì và ổn định đời sống xã hội của đồng bào dân tộc thông qua quy ước, hương ước bảo vệ rừng cộng đồng…

2.jpg
Ảnh minh họa

Kết quả của việc hiện chủ trương, chính sách giao đất giao rừng, khoán bảo vệ rừng, xã hội hoá nghề rừng đã góp phần quan trọng phục hồi rừng và nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Độ che phủ của thảm thực vật rừng tăng trung bình 0,64%/năm giai đoạn 1990 – 2000 và 0,45%/năm giai đoạn 2000 – 2010. Nhiều tổ chức, hộ gia đình cá nhân được giao đất trồng rừng sản xuất gắn với thị trường nguyên liệu đã đầu tư trồng rừng hiệu quả và có thu nhập ổn định từ nghề rừng.

Giao rừng, giao đất gắn với cấp GCN quyền sử dụng đất lâm nghiệp đến hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng đã tạo được tâm lý an tâm đầu tư vào rừng, tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cải thiện sinh kế. Quyền sử dụng đất lâm nghiệp ổn định và lâu dài đã tác động đến tư duy kinh tế, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của nhiều hộ gia đình nông dân miền núi, tạo điều kiện nâng cao quyền tự chủ về kinh tế. Xuất hiện nhiều mô hình hộ gia đình, mô hình liên kết cộng đồng quản lý sử dụng rừng và đất rừng hiệu quả bằng việc kết hợp các biện pháp khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên với trồng bổ sung cây bản địa gắn với quy hoạch các vùng nông lâm kết hợp, trồng xen dưới tán rừng lấy ngắn nuôi dài.

Tuy nhiên bên cạnh các kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như các văn bản quy phạm pháp luật (Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Dân Sự) chưa có sự thống nhất về địa vị pháp lý của “cộng đồng” trong các văn bản luật. Do đó, công tác giao rừng cho cộng đồng cư dân thôn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm, như trường hợp mất rừng, cháy rừng... Trong quy định giao đất, giao rừng, cấp GCN quyền sở hữu đất, quyền sử dụng, sở hữu rừng còn có những quy định chồng chéo, vướng mắc hoặc chưa rõ ràng trong việc giao đất, giao rừng; nhiều thời kỳ quy định về giao rừng chưa gắn liền với giao đất, cấp GCN...

Chính quyền các cấp ở nhiều nơi chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm và chưa quan tâm đúng mức đến công tác giao rừng và đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; còn xem nhẹ trách nhiệm của mình trước quyền lợi của người dân (nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số) trong việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rừng. Vấn đề này đã làm cho người dân ở nhiều địa phương không thực hiện được quyền lợi của mình trong việc thế chấp vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất, thừa kế, chuyển nhượng, tặng, cho…quyền sử dụng đất, quyền sử dụng, sở hữu rừng theo quy định của pháp luật.

3.jpg
Ảnh minh họa

Quá trình tổ chức triển khai thực hiện giao đất, giao rừng chưa tốt đã làm phát sinh một số hình thức mâu thuẫn về tranh chấp đất đai tại một số địa phương. Giao đất ưu tiên cho các đối tượng là các Công ty Lâm nghiệp, Ban quản lý làm mất cơ hội cho các hộ tiếp cận với nguồn đất sản xuất. Người dân thiếu đất sản xuất là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn đất đai giữa người dân và Công ty Lâm nghiệp, Ban quản lý tại nhiều địa phương.

Đặc biệt, diện tích rừng được giao cho đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là rừng nghèo kiệt, manh mún, nhiều nơi chủ yếu là núi đá, khó tổ chức sản xuất, chưa khuyến khích được đồng bào nhận rừng. Các chế độ, chính sách hưởng lợi chưa thực sự khuyến khích đồng bào trong quản lý, bảo vệ rừng. Nhiều nơi, việc giao rừng cho cộng đồng dân cư còn mang tính hình thức, chưa làm rõ quyền và trách nhiệm cụ thể cũng như xây dựng các phương án quản lý hiệu quả cho cộng đồng.

Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng còn bất cập, quỹ chi trả dịch vụ còn thấp, định mức ở các địa phương khác nhau gây thắc mắc trong nhân dân; mặc khác mới chỉ tập trung chi trả cho diện tích đất lâm nghiệp có rừng và diện tích rừng do cộng đồng quản lý theo truyền thống, số diện tích do xã quản lý chưa được chi trả…

Sửa đổi các bất cập, chồng chéo liên quan tới giao đất, giao rừng

Để giải quyết vấn đề này ông Triệu Văn Bình kiến nghị, sửa đổi một số vấn đề còn bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất liên quan đến vấn đề giao đất, giao rừng được quy định trong Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Dân sự…. theo hướng: Công nhận cộng đồng dân cư là chủ rừng có quyền lợi và nghĩa vụ như các chủ rừng khác; công nhận diện tích rừng thiêng, rừng tâm linh, rừng đầu nguồn nước…gắn với phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa lâu đời của các dân tộc là đất tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc giống như đất đền chùa, nhà thờ, miếu mạo…

Triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, cấp GCN, quyền sở hữu và sử dụng rừng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân về đất đai theo quy định của pháp luật. Giám sát việc thực thi chưa nghiêm của Chính phủ trong việc để tình trạng kéo dài khối lượng diện tích rừng giao cho UBND xã quản lý không phải là chủ rừng thực thụ theo quy định của pháp luật. Trong khi đó người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu đất ở và đất sản xuất.

Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình cá nhân khác sử dụng. Bố trí đủ ngân sách để hoàn thành công tác giao đất, giao rừng, cấp GCN, quyền sở hữu, sử dụng rừng cho tất cả các chủ rừng theo quy định của pháp luật. Riêng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số cần có quy định miễn, giảm lệ phí cấp GCN, quyền sở hữu, sử dụng rừng.

Chính phủ chỉ đạo đánh giá lại kết quả giao đất giao rừng trong thời gian qua, tìm ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp để thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng; Tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện của các địa phương, trên cơ sở đó có chế tài xử lý đối với những địa phương chậm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất và cấp GCN.

Xây dựng chính sách đặc thù trong giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Nghiên cứu sửa đổi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch quá lớn phí dịch vụ môi trường được hưởng trên một ha giữa các vùng, các khu vực.

Các bộ, ngành tham mưu xây dựng, ban hành quy định thống nhất việc quản lý đất và quản lý rừng tự nhiên sau khi giao; thống nhất các tiêu chí phân loại rừng và đất đai và thống nhất, quy định về trình tự thủ tục để lập hồ sơ gắn giao rừng, cho thuê rừng với giao đất, cho thuê đất...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nâng cao hiệu quả chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO