Cần một giải pháp tổng thể khi học sinh trở lại trường

Thanh Tùng| 11/11/2021 17:46

(TN&MT) - Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, cần một giải pháp tổng thể với sự hỗ trợ về phương diện chuyên môn, phương diện tăng cường trang thiết bị, phương diện tư vấn tâm lý khi các em học sinh quay lại trường học trực tiếp. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến sự hỗ trợ của giáo viên cho các em có sự chênh lệch về kiến thức và kỹ năng sau một thời gian dài học trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt là việc dạy và học trực tuyến đối với các lớp tiểu học khối đầu cấp hiện nay. Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) nêu vấn đề, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nhiều học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức trực tuyến. Số lượng máy tính huy động mới chỉ đáp ứng 46,1% tổng nhu cầu hỗ trợ của học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Vậy, việc học trực tuyến của 53,9% học sinh hoàn cảnh khó khăn còn lại như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay việc chuyển sang dạy học trực không phải chỉ riêng ở Việt Nam, đây là việc cả thế giới phải làm. Đối với Việt Nam, chúng ta đã có kinh nghiệm đã chuẩn bị trong đợt dịch trước và việc dạy trực tuyến cũng đã có từ các năm 2019-2020 và với tư cách là một hình thức bổ trợ thì đã có từ lâu. Nhưng bước vào năm 2021 thì quy mô, tính chất, thời gian là chưa từng có kinh nghiệm, tiền lệ và phải nói nhiều nước phát triển khi chuyển sang dạy học trực tuyến toàn thời gian cũng không tránh khỏi những thách thức. Đối với chúng ta, ngành giáo dục, thầy và trò ứng phó với dịch bệnh chuyển sang dạy trực tuyến trong những điều kiện mà cả nước còn hết sức khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, theo thống kê, có tới không 1,867 triệu học sinh hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Có gia đình 2-3 anh chị em mới có một điện thoại để học. Bộ trưởng mong muốn, lãnh đạo các địa phương quan tâm, chia sẻ vì một phần các cháu không có thiết bị gì trong tay đang dần dần bỏ học. Một số nơi  việc học còn ở mức độ để duy trì cảm giác về học tập, và được phần nào thì tốt phần đấy. Nhưng cũng có một điều đáng mừng là ở những vùng khó khăn hàng đầu ở khu vực Tây Bắc, các tỉnh miền núi phía Bắc thời gian vừa qua lại được học trực tiếp nhiều.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong số hơn 20 tỉnh, thành đang học trực tuyến thì khu vực miền núi và trung du phía Bắc, các vùng địa hình chia cắt, rừng núi, khó khăn bậc nhất lại đang học trực tiếp. Để đánh giá về chất lượng dạy, học trực tuyến, Bộ trưởng cho rằng có 2 thứ cần đánh giá. Đó là đánh giá việc triển khai dạy trực tuyến như thế nào, thực thi công việc ra sao và đánh giá chất lượng và hiệu quả việc dạy trực tuyến như thế nào.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có theo dõi thường xuyên xem diễn biến của các đơn vị, xem việc dạy đến đâu, tình hình giáo viên dạy như thế nào, tương tác ra sao, khó khăn như thế nào. Chúng tôi cũng đang tổ chức hỗ trợ về máy tính và các thiết bị học tập. Trong tháng 11, khoảng trên 50.000 máy tính sẽ được phân phối đến các nơi và các công việc sẽ còn tiếp tục.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú phát biểu chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Đối với chất vấn về giải pháp củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh sau thời gian học trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 4808/BGDĐT-GDTrH về việc thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập. Theo đó, Bộ yêu cầu nhà trường khi học sinh quay trở lại, không ngay lập tức đưa các em ra đánh giá kiến thức, mà phải cho các em làm quen lại với trường học. Học cách tự phòng, chống dịch cho bản thân, làm quen lại với môi trường. Tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lí, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.

Các trường phải chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tại địa phương. Dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhất là đối với các học sinh không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh; sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GDĐT phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.

"Căn cứ vào các nội dung chương trình cốt lõi, nhà trường sẽ củng cố kiến thức dựa theo cốt lõi đó. Đồng thời, khi học sinh đã quay trở lại trường học trực tiếp cũng không bỏ việc học các bài giảng trên truyền hình và công cụ dạy học trực tuyến đã có, dùng những cái đó làm công cụ hỗ trợ" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Tổng kết lại, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần một giải pháp tổng thể với sự hỗ trợ về phương diện chuyên môn, phương diện tăng cường trang thiết bị, phương diện tư vấn tâm lý khi các em học sinh quay lại trường học trực tiếp. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý đến sự hỗ trợ của giáo viên cho các em có sự chênh lệch về kiến thức và kỹ năng sau một thời gian dài học trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần một giải pháp tổng thể khi học sinh trở lại trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO