Cần làm rõ vai trò quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường biển và hải đảo

13/11/2014 00:00

(TN&MT) - Chiều 13/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

   
(TN&MT) - Chiều 13/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Đa số ý kiến đại biểu đều cho rằng cần thiết phải sớm ban hành Luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, cần quy định cụ thể hơn các vấn đề bảo vệ môi trưởng biển.
   
Các đại biểu Quốc hội đoàn Hải Phòng, Thanh Hóa thảo luận ở tổ chiều 13/11
   
   
Đề xuất làm rõ nhiều quy định liên quan đến bảo vệ môi trường biển và hải đảo
   
  Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) phát biểu, đây là luật mới, bây giờ mới làm là chậm, vì nước ta có đường bờ biển dài trên 3.000km.
   
  Hiện tại trong luật không thấy có quy định chế tài mà mới chỉ có 8 điều cấm chung chung, không có tính chất “răn đe”. Đại biểu nêu ví dụ như  việc khai thác nguồn lợi thủy sản bằng lưới cào hủy hoại tài nguyên, thì áp dụng chế tài thế nào? Với cách khai thác của ta hiện nay là cạn kiệt, hủy diệt như việc khai thác cát ven bở biển xói lở khủng khiếp, mà không thấy chế tài. Đại biểu đề xuất Dự thảo Luật cần có chế định khắt khe để bảo vệ nguồn tài nguyên này.
   
  Tán thành quan điểm trên, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cũng cho rằng, biển của nước ta với hàng triệu km, diện tích biển gấp 3 lần đất liền, nên biển rất quan trọng đối với nước ta. “Nếu khai thác tốt, thì chúng ta sẽ nhanh chóng phát triển kinh tế từ biển và gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia”.
   
  Theo đại biểu, hiện có nhiều luật liên quan đến bảo vệ môi trường, vì vậy, có nên đặt tên luật này gắn với chữ “môi trường” hay không? “Một luật có tên như vậy có đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, và phù hợp với bối cảnh đất nước giờ đây không?”. Đại biểu đề xuất nên đặt tên luật này là: “Luật Kinh tế biển đảo”.
   
  Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết: Trên biển không chỉ có đảo mà còn có đá và bãi đá cũng thuộc chủ quyền của chúng ta. Dự thảo luật liệt kê “Luật này quy định… trong phạm vi vùng bờ, vùng biển các đảo và quẩn đảo…”  trong khi đó, đảo và quần đảo không có đá và bãi đá. “Hiện nay tranh chấp với các nước láng giềng như Trung Quốc và Philipin chủ yếu là đá và bãi đá”.
   
  Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho hay, khai thác tài nguyên biển xa bờ trong luật chưa thể hiện rõ. Bên cạnh đó, để tránh hiện tượng trùng lắp với một số quy định trong luật tài nguyên nước, luật biển, luật thủy sản, luật dầu khí, luật bảo vệ môi trường, luật khoáng sản.. cần phải rà soát lại và phân định rõ trách nhiệm.
   
  Theo đại biểu Vinh, hiện có một số quy chế và quy định về quản lý một số đảo như đảo chìm, đảo nổi, đảo có người và không có người nhưng trong dự án luật chưa quán xuyến và bao trùm tất cả các loại đảo này.
   
  Về chiến lược khai thác đặt vấn đề trong vòng 10 năm, đại biểu cho rằng như vậy là ngắn hạn trong khi chiến lược biển đảo là dài hạn. Bởi lẽ muốn khảo sát phương tiện kỹ thuật cần có chiến lược dài hơi.
   
Thống nhất quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường biển
   
  Đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng, Luật này ra đời sẽ giải quyết các vấn đề về tài nguyên môi trường biển và hải đảo.
   
  Đại biểu nhất trí với tờ trình của Chính phủ về những lý do cần phải xây dựng luật nhằm mục đích khắc phục những manh mún trong vấn đề quản lý tài nguyên môi trường biển và hải đảo. “Đây là đạo luật tập hợp được nhiều quy định để thực hiện việc quản lý tổng hợp biển. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là luật này gắn với vấn đề quản lý Nhà nước như thế nào” – đại biểu Lê Minh Thông nói. 
   
  Theo đại biểu Lê Minh Thông, quan trọng nhất chính là việc phân công quản lý Nhà nước về quản lý Nhà nước trên biển. Theo đại biểu, những quy định trong dự thảo luật hiện chưa cụ thể và nên giao cho các Bộ chuyên ngành. Chẳng hạn như nội dung nghiên cứu khoa học, cấp phép, giám sát hoạt động nghiên cứu khoa học về biển nên giao cho Bộ Khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường biển khỏi sự xâm phạm trái phép nên giao cho Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Bộ Kiểm ngư và Bộ Quốc phòng…
   
  Đại biểu đề nghị quản lý bảo vệ nguồn tài nguyên, thủy sản, bảo vệ tiềm năng về biển, năng lượng mới, năng lượng gió… cần phải thiết kế đầy đủ trách nhiệm của các Bộ chứ không chỉ riêng Bộ TN&MT. Bộ TN&MT chủ trì, thống nhất quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường biển và hải đảo nhưng phải giao trách nhiệm, quyền hạn cụ thể cho từng Bộ chuyên ngành. Dự thảo Luật nên dành nhiều dung lượng hơn cho vấn đề quản lý Nhà nước. “Cần huy động sức mạnh của tất cả các Bộ, ngành tham gia quản lý bảo vệ môi trường biển, xác định rõ quyền hạn trách nhiệm và cơ chế phối hợp để biển đảo luôn trong sự kiểm soát bởi lẽ thế kỷ 21 là thế kỷ khai thác trên biển” – đại biểu Thông khẳng định.
   
  Tán thành với ý kiến của đại biểu Lê Minh Thông, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng, cần quy định cụ thể trách nhiệm, ranh giới của các chủ thể tham gia quản lý trên biển. Bởi hiện nay, các lực lượng tham gia trên biển có rất nhiều như kiểm ngư, hải quân, cảnh sát biển… thuộc một số Bộ, ngành khác nhau.
   
Thúy Hằng
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần làm rõ vai trò quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường biển và hải đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO