Cần hạn chế tối đa tình trạng “cộng dồn thành tích”, “nuôi khen thưởng”

Thanh Tùng| 28/10/2021 14:20

(TN&MT) - Đây là một trong số các ý kiến của đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp sáng 28/10

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

Mở rộng các đối tượng được khen thưởng

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm 98 điều (giảm 5 điều so với Luật hiện hành), giữ nguyên bố cục gồm 8 chương như Luật hiện hành, sửa đổi, điều chỉnh 94 điều với 4 nhóm nội dung lớn phù hợp với 4 nhóm chính sách nêu trong đề nghị xây dựng Luật.

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm “đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế”.

Các đại biểu cũng nhất trí với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, đồng thời đánh giá cao Cơ quan soạn thảo đã bổ sung một số hình thức khen thưởng đối với đối với tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp; doanh nhân, trí thức, nhà khoa học; cá nhân, tập thể người nước ngoài; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài…

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ cho rằng, việc bổ sung và mở rộng các đối tượng được khen thưởng sẽ huy động rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào phong trào thi đua yêu nước. Điều này phù hợp với thực tiễn ngày càng đa dạng trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh việc đánh giá cao nội dung cải cách thủ tục hành chính trong công tác khen thưởng được quy định trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Đoàn Bắc Kạn cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát cải tiến hồ sơ thủ tục; mở rộng thêm các trường hợp được xét khen thưởng theo thủ tục đơn giản.

Hạn chế tình trạng “nuôi khen thưởng”

Tại phiên thảo luận các đại biểu cũng chỉ rõ, dự thảo Luật chưa có sự phân cấp, phân ngành, lĩnh vực rõ ràng trong tổ chức đăng ký tham gia và bình xét thi đua, khen thưởng nên việc tổ chức đánh giá, bình xét còn nể nang, còn phân định cấp trên với cấp dưới nên hiệu quả tích cực trong phát động phong trào thi đua đôi lúc vẫn còn mang tính hình thức.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên họp

ĐBQH tỉnh Điện Biên nhất trí cao sự cần thiết sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng với những lý do đã nêu tại tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Tuy nhiên; đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát các quy định về tiêu chuẩn khen thưởng để hạn chế tối đa tình trạng “cộng dồn thành tích”; “nuôi khen thưởng”.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nêu ví dụ: Một trong các tiêu chuẩn được tăng Huân Chương lao động hạng nhất là “Đã được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì và 5 năm tiếp theo trở lên liên tục được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong thời gian đó có 3 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 2 lần được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh. Theo đó để 2 lần được được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, ban, ngành, tỉnh ít nhất mất 6 năm. Như vậy nếu không phấn đấu 2 lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, Ban, ngành, tỉnh” thì không đáp ứng được tiêu chuẩn khen thưởng danh hiệu này.

Cũng về nội dung “Nguyên tắc khen thưởng” theo đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Dự thảo Luật đã bổ sung nguyên tắc “Quan tâm khen thưởng tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và nguyên tắc “Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua khen thưởng”. Nhưng, trong lại không có điều khoản nào quy định chi tiết về các nội dung này. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, cụ thể hóa các nguyên tắc này trong Dự thảo Luật.

Tham gia ý kiến về nguyên tắc thi đua, khen thưởng được quy định tại điều 6, ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị xem xét bổ sung thêm địa bàn được quan tâm khen thưởng ngoài miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì trên thực tế còn các địa bàn khác có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (các xã bãi ngang trước đây) nhưng không nằm trong nhóm danh sách các xã thuộc khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nếu không quy định việc quan tâm khen thưởng thì không bình đẳng và gây khó khăn khi xét thứ tự ưu tiên khen thưởng khi cùng thỏa các tiêu chí, tiêu chuẩn như các địa bàn khác.

Quang cảnh phiên họp

Bà Nguyễn Thị Yến Nhi, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cũng góp ý vào điều 58 quy định về danh hiệu “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng” cần phải tạo tính công bằng cho các địa phương. Bà Nhi cho rằng, việc quy định tiêu chuẩn là trung tâm, là động lực thúc đẩy khu vực và cả nước” sẽ giới hạn đối tượng được xem xét bởi không phải tỉnh thành nào cũng là trung tâm, như vậy sẽ không công bằng cho các tỉnh.

Bên cạnh đó, từ khi thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng đến nay, xuất phát từ vị trí, chức năng và tổ chức của Quốc hội, chưa có hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khen thưởng cho đại biểu Quốc hội và các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp thiết thực cho hoạt động của Quốc hội; công tác thi đua, khen thưởng đối với ĐBQH và Đại biểu HĐND các cấp còn rất hạn chế, chưa tương xứng với những đóng góp công sức, trí tuệ của đại biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với vai trò, vị trí, trách nhiệm của người đại biểu dân cử.

Từ thực tế đó, ĐBQH tỉnh Bến Tre đã có những đóng góp vào điều 96 quy định về trách nhiệm của UBTVQH trong công tác thi đua, khen thưởng. Cụ thể, ĐBQH tỉnh Bến tre đề nghị bổ sung trách nhiệm của UBTVQH quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc các cơ quan thuộc UBTVQH có đóng góp trong hoạt động của Quốc hội và có hướng dẫn về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu HĐND các cấp và các Ban, các Tổ đại biểu của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Chính phủ tiếp tục đánh giá từng vấn đề, những vướng mắc, nội dung nào chưa phù hợp để có định hướng sửa đổi cho toàn diện; đồng thời dề nghị cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong việc chuẩn bị hồ sơ theo quy định để trình tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần hạn chế tối đa tình trạng “cộng dồn thành tích”, “nuôi khen thưởng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO