Dự án Nhơn Trạch 3 và 4 – Dự án điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên tại Việt Nam dự kiến sẽ phát điện vào cuối năm 2024. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều vướng mắc khiến cho dự án có khả năng không vận hành kịp tiến độ.
Khó khăn trong ký kết hợp đồng mua bán điện
Dự án Nhơn Trạch 3&4 là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII được Chính phủ giao cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư. Quy mô công suất dự án là 1.500 MW, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD và được triển khai trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
PV Power khẳng định đã sẵn sàng hết mọi nguồn lực để triển khai Dự án Nhơn Trạch 3&4. Tính đến tháng 8/2022, PV Power đã cơ bản thực hiện công tác san lấp mặt bằng để bàn giao cho Nhà thầu EPC. PV Power cũng đã thành lập Chi nhánh Ban Quản lý dự án Điện, huy động hầu hết các nguồn nhân lực chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm nhất của Tổng Công ty để thực hiện triển khai Dự án Nhơn Trạch 3&4.
Mặc dù vậy, dự án Nhơn Trạch 3&4 cũng đang phải đối với với nhiều vướng mắc và bất cập. Theo ông Nguyễn Duy Giang - Phó Tổng giám đốc PV Power, đây là dự án điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên tại Việt Nam, trong khi hiện nay, khung pháp lý cho LNG nhập khẩu chưa hoàn thiện, sự không nhất quán và rõ ràng giữa luật và các văn bản dưới luật. Bên canh đó, việc đàm phán hợp đồng mua bán điện kéo dài cùng sự bất cập trong việc chuyển bao tiêu LNG nhập khẩu sang sản lượng điện hàng năm cũng gây nhiều khó khăn.
“Việc ký kết hợp đồng mua bán điện (PPA) không chỉ là một trong các điều kiện tiên quyết để khởi công dự án (Thông tư 57 – Bộ Công Thương) mà còn là căn cứ pháp lý đầy đủ nhất để đảm bảo hiệu quả của Dự án. Đây cũng chính là vướng mắc lớn nhất ở thời điểm hiện tại của Dự án Nhơn Trạch 3&4” - ông Nguyễn Duy Giang nhấn mạnh.
PV Power và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng đơn vị thành viên của EVN là Công ty Mua bán điện (EVN EPTC) đã bắt đầu đàm phán hợp đồng PPA từ cách đây hơn 2 năm. Đến nay, PV Power và EVN EPTC đã cơ bản thống nhất các điều khoản tại lần làm việc gần đây nhất nhưng có vấn đề xảy ra cần EVN quyết định là sản lượng điện hợp đồng Qc dài hạn.
PV Power đã chính thức đề xuất mức sản lượng bao tiêu hằng năm là 90% và thời gian áp dụng là 15 năm kể từ khi nhà máy vận hành thương mại, điều này phù hợp với thời gian trả nợ vay của dự án. Tuy nhiên bên mua điện cho rằng điều này chưa từng có tiền lệ phải xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Duy Giang cho biết: Hiện tại, chúng tôi đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên còn nhiều bất cập cần có sự trợ giúp của Chính phủ, các Bộ. Thực tế thời gian vừa qua có nhiều vấn đề khi tháo gỡ đã làm chủ đầu tư lúng túng vì không rõ cấp thẩm quyền để kiến nghị. Mặc dù vậy, chủ đầu tư quyết tâm rất cao để vượt qua khó khăm nhằm đưa dự án vào sản xuất đúng tiến độ và hiệu quả với giá bán điện có sức cạnh tranh cao.
Cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước
Trên thế giới, việc các dự án LNG được phép bao tiêu sản lượng điện đã trở thành thông lệ, phù hợp với tập tục quốc tế. Cũng theo thông lệ quốc tế, việc mua LNG là phải mua dài hạn (term) mới có nguồn cấp ổn định và giá cạnh tranh. Nếu chọn mua bán theo hình thức giao ngay theo chuyến (spot), người mua có thể linh hoạt trong xác nhận thời điểm và khối lượng nhận, nhưng không ổn định, phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới tại thời điểm nhập khẩu với biên độ biến động giá rất lớn. Nhưng để có được hợp đồng mua LNG dài hạn thì cần phải có phải hợp đồng bao tiêu điện dài hạn.
Tại Việt Nam, theo Thông tư 24/2019/TT-BCT quy định: “Đối với nhà máy điện có ràng buộc về bao tiêu nhiên liệu và có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cho phép chuyển ngang các quy định bao tiêu nhiên liệu của nhà máy điện trong hợp đồng cung cấp nhiên liệu sang hợp đồng mua bán điện”. Tuy nhiên, do đây là dự án LNG đầu tiên tại Việt Nam nên chưa có tiền lệ nào đối với hợp đồng bao tiêu về sản lượng cho loại dự án này.
Phó Tổng giám đốc PV Power cho biết, hiện nay, Chính phủ Việt Nam không bảo lãnh cho các doanh nghiệp đi vay vốn nước ngoài. Trong quá trình PV Power làm việc với các ngân hàng nước ngoài, hầu hết đều đồng ý cho vay với điều kiện cầu phải có PPA với hợp đồng bao tiêu thích hợp để đảm bảo dòng tiền trả nợ. Do đó, việc bao tiêu sản lượng điện sẽ giúp cho chủ đầu tư thu xếp được vốn vay với lãi suất cạnh tranh.
“Các đề xuất của chúng tôi liên quan đến tỷ lệ bao tiêu điện đều thuộc phạm vi Thông tư 57/2020/TT-BCT, phù hợp với thông lệ và sẽ giúp cho EVN có giá mua điện thấp hơn. Chúng tôi tin rằng các chủ đầu tư tiếp theo cũng sẽ có những kiến nghị như vậy” – ông Giang khẳng định.
PV Power đề xuất và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất tháo gỡ vấn đề hợp đồng bao tiêu sản lượng điện. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không có bảo lãnh Chính phủ vừa không có bao tiêu điện, doanh nghiệp sản xuất điện khó có thể triển khai các dự án đúng tiến độ và hiệu quả được, đặc biệt với các doanh nghiệp trong lĩnh vực mới như LNG. Các dự án LNG khác tại Việt Nam như An Giang, Bạc Liêu, Quảng Ninh… đều đang chờ việc gỡ khó cho “tiền lệ” Nhơn Trạch 3&4.
Trong dự thảo sơ đồ điện VIII trình Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất điện khí LNG dự kiến sẽ chiếm từ 18-20% tổng công suất phát điện. Quan trọng hơn, những dự án điện từ LNG cũng góp phần giúp Việt Nam thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050. Tháo gỡ các vướng mắc hiện nay chính là hành động cụ thể của Chính phủ cũng như cơ quan chức năng, thể hiện vai trò “đỡ đầu”, dẫn dắt khối doanh nghiệp tham gia vào thực hiện các mục tiêu chung của quốc gia.