Cần định hướng tổng thể đẩy mạnh đầu tư xã hội hóa hạ tầng dự trữ xăng dầu

Nguyễn Hiền - T. Phương| 12/04/2023 21:40

(TN&MT) - Ngày 12/4, tại Văn Phòng Quốc Hội, Báo Đại biểu nhân dân đã tổ chức Tọa đàm “Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần đảm bảo nguồn cung - những vấn đề đặt ra” nhằm chia sẻ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đánh giá về thực trạng, nhu cầu và những khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra giải pháp triển khai có hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng bền vững.

05.jpg
Toàn cảnh Tọa đàm "Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần đảm bảo nguồn cung - những vấn đề đặt ra”

Dự trữ xăng dầu - Giải bài toán đảm bảo nguồn cung

Xăng dầu có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là mặt hàng tham gia vào hầu hết các lĩnh vực, từ hoạt động sản xuất đến giao thông vận tải; từ hoạt động dịch vụ - thương mại đến đời sống dân sinh… Việc dự trữ xăng dầu và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng cho công tác này là vô cùng quan trọng, mang tính cấp thiết khi thời gian vừa qua, tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu, nhiều doanh nghiệp thua lỗ “kêu cứu đã bộc lộ rõ những bất cập trong công tác điều hành nguồn cung thị trường xăng dầu.

01.jpg
Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TS. Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ tại tọa đàm

TS. Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 5 triệu xe ôtô, 42,8 triệu xe máy, khoảng 857.000 doanh nghiệp; chưa tính loại xe công trình, các loại phương tiện khác sử dụng xăng dầu… hệ thống tàu biển, các phương tiện thủy sử dụng xăng dầu rất lớn. Năm 2022, Nhà nước phải bỏ 9 tỷ USD để nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung trong nước khoảng 70%, để đạt mục tiêu kinh tế ở tầm cao hơn nữa đã đòi hỏi lượng xăng dầu cần được sản xuất, sử dụng, dự trữ lớn hơn rất nhiều.

Dẫn chứng về tầm quan trọng của việc dự trữ xăng dầu, TS. Lưu Bình Nhưỡng cho hay, Mỹ dự trữ hàng năm 434 triệu thùng dầu, tương đương 60 tỷ lít, kho dự trữ lớn nhất thế giới này năm ngoái bị giảm 7 triệu thùng. Trung Quốc năm 2022 mua của Nga 86,25 triệu tấn; nhập vào 11,5 tỷ m3 khí đốt. Kho của Ấn Độ thông thường dự trữ 5 triệu thùng, tương đương 400 triệu tấn; năm 2021 Ấn Độ đã mở kho 5 triệu tấn dầu xuất ra để bình ổn giá cho cả thế giới.

“Đất nước ta đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng dự kiến cao, thì lượng nguyên liệu ngoài điện, các loại năng lượng khác thì xăng dầu vẫn là chủ yếu, dựa vào đó để đưa vào quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng, sinh hoạt... Vì vậy, chúng ta cần có tầm nhìn chiến lược, tính toán chiến lược về khâu sản xuất lẫn dự trữ” - TS. Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

02.jpg
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ tại tọa đàm

Đồng quan điểm với TS. Lưu Bình Nhưỡng, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương) nêu 6 vai trò của hạ tầng dự trữ xăng dầu. Thứ nhất là góp phần cho giảm thiểu tối đa chi phí vận tải. Thứ hai bảo đảm chất lượng xăng dầu. Thứ ba là công tác cung ứng xăng dầu kịp thời và nhanh chóng. Thứ tư duy trì nguồn cung xăng dầu cho các đầu mối tiêu thụ. Thứ năm là chủ động và bình ổn giá khi thị trường dầu mỏ thế giới có sự biến động. Và cuối cùng là mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp và lợi ích gián tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn có kho xăng dầu.

03.jpg
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP dầu khí Sơn Hải Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ tại tọa đàm

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP dầu khí Sơn Hải bày tỏ, vì không được dự trữ đầy đủ nên các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp tư nhân đã rơi vào tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng trong thời gian vừa qua. Ông Hạnh đề xuất Nhà nước ban hành Luật Dự trữ nguyên liệu xăng dầu, đồng thời mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư dự trữ xăng dầu như tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện các doanh nghiệp tiếp cận đất đai làm kho.

Nhìn từ kinh nghiệm của Nhật Bản, họ đã ban hành 2 luật là Luật dự trữ và Luật giám sát chất lượng. Từ đó, đảm bảo nguồn cung năng lượng cho thị trường trong nước” - ông Hạnh nói.

Đẩy mạnh nguồn lực đầu tư xã hội hóa

Đánh giá tình hình dự trữ nguồn cung trong nước, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện nay, dự trữ xăng dầu nước ta chỉ bảo đảm trong vòng một tuần. Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu nâng lên khoảng 15 ngày, năm 2030 khoảng 30 ngày, như vậy dự kiến mỗi một năm phải chi khoảng hơn 4.000 tỷ để chuẩn bị cho hệ thống dự trữ. Bên cạnh đó, qua cuộc họp của Hội đồng Quốc gia vừa qua, để có hệ thống dự trữ xăng dầu, khí đốt hoàn chỉnh thì cần tới 270.000 tỷ, đây là con số rất lớn.

04.jpg
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại tọa đàm

“Nếu để Nhà nước đứng ra lo toàn bộ khoản này sẽ rất khó khăn, chưa tính đến các cái chi phí khác liên quan. Theo đó, cần tập trung vào xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu, trong đó phải có cả vai trò của Nhà nước và vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức ngoài Nhà nước” - Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước ngày càng hạn hẹp, ông Nguyễn Hoàng Giang cho biết, trong Quy hoạch hạ tầng cung ứng dự trữ xăng dầu 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Bộ Công thương tiếp tục đưa ra những giải pháp về huy động vốn đầu tư nguồn lực xã hội. Còn nguồn lực của ngân sách Nhà nước ngành sẽ ưu tiên tập trung cho khâu dự trữ quốc gia.

06.jpg
Ông Vũ Thành Nam, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng chia sẻ tại tọa đàm

Theo ông Vũ Thành Nam, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), để đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu, cần tiếp tục rà soát để có những chính sách phù hợp và tăng cường thông tin tuyên truyền trong xã hội về tầm quan trọng của hạ tầng dự trữ xăng dầu để lựa chọn được nhiều nhà đầu tư, bảo đảm được năng lực, kinh nghiệm.

“Năng lực, kinh nghiệm ở đây là bao gồm sự am hiểu về dây chuyền công nghệ của dự án. Thứ hai là có kinh nghiệm đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của dự án, đồng thời phải bảo đảm các điều kiện năng lực tài chính để thực hiện dự án, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng đã được phê duyệt” - ông Vũ Thành Nam cho hay.

07.jpg
Phó trưởng phòng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam Hoàng Thị Thu Hà chia sẻ tại tọa đàm

Xác định tầm quan trọng của mặt hàng xăng dầu, bà Hoàng Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, thuận lợi hơn trong quá trình tiếp cận vốn.

Việc đầu tư, phát triển, quản lý hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt quốc gia hệ thống kho, cảng, tuyến ống là rất cần thiết. Chính vì vậy, cần có những định hướng chung và đảm bảo tính tổng thể từ phía Nhà nước để việc tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần đảm bảo nguồn cung phát huy hiệu quả, phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần định hướng tổng thể đẩy mạnh đầu tư xã hội hóa hạ tầng dự trữ xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO