Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam là cơ quan xuất bản, in, cấp phép và phát hành, đơn vị sản xuất - kinh doanh trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, danh mục xuất bản phẩm của Nhà xuất bản khá lớn, thuộc 9 lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường, bao gồm các tài liệu, bản đồ phục vụ quản lý đất đai, quản lý môi trường, địa chất - khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đo đạc - bản đồ, các văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên và môi trường,...
Đồng thời, với đặc thù chuyên ngành Tài nguyên Môi trường và Bản đồ luôn gắn với việc phát triển và ứng dụng GIS (Geographic Information System - Hệ thống thông tin địa lý) nên các sản phẩm xuất bản của Nhà xuất bản luôn đòi hỏi phải áp dụng các công nghệ mới. Nếu trước đây, với hình thức xuất bản truyền thống, các xuất bản phẩm này phải mất nhiều thời gian mới đến được tay độc giả và chưa đa dạng về phương thức truyền tải,... thì ngày nay, xuất bản điện tử đã tạo sự hấp dẫn hơn đối với độc giả, đặc biệt là dễ dàng tiếp cận được ở mọi lúc, mọi nơi với khả năng tương tác mạnh.
Nhà Xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Xuất bản phẩm điện tử ngành Tài nguyên Môi trường” và hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 2021 |
Những cuốn sách điện tử đầu tiên của Nhà xuất bản như: “Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954”, “Mùa xuân toàn thắng 1975”,... là những xuất bản phẩm điện tử có tính giáo dục cao, sinh động về mặt đồ họa, được tích hợp nhiều phương thức truyền tải thông tin, gồm: bài viết, hình ảnh, mô hình chuyển động, tương tác, video... Từ năm 2007, đã bắt đầu có Atlas điện tử Đắk Nông đóng gói dưới dạng đĩa CD, mở đầu cho một chuỗi các sản phẩm Atlas điện tử Bình Dương, Hưng Yên, Đồng Nai, Quảng Ninh... phát hành trên Cổng Thông tin địa phương. Gần đây, Nhà xuất bản đã nâng cấp công nghệ là webgis hệ thống bản đồ hành chính phát hành trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Có thể khẳng định rằng, trình độ của xuất bản điện tử Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ nhân lực làm ra nó. Ở Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay, chưa có chương trình đào tạo Đại học Xuất bản điện tử. Xét trên góc độ đào tạo xuất bản thì hiện nay, chương trình đào tạo chuyên ngành Xuất bản ở nước ta mới làm tốt việc đào tạo nghề xuất bản truyền thống, còn việc đào tạo nhân lực theo hướng tiếp cận các phương pháp, hình thức xuất bản hiện đại như xuất bản điện tử đa phương tiện còn rất mới mẻ.
Vì vậy, vấn đề đặt ra cho các cấp, ngành quản lý và các cơ sở đào tạo nhân lực ngành xuất bản là cần bám sát nội dung Kết luận số 19/TB-TW ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đó là: “Có kế hoạch cụ thể về đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực cũng như hoạch định về nhu cầu đầu tư cho đào tạo nhân lực của toàn ngành; Đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu mới; Tăng cường hạ tầng, thiết bị và chất lượng đội ngũ giảng viên ở các cơ sở đào tạo; Tăng cường hợp tác giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và các đơn vị trong ngành xuất bản”. Từ đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc cần phải mở chuyên ngành đào tạo Xuất bản điện tử ở các trường đại học đào tạo chuyên nghiệp.
Trước mắt, để xây dựng chương trình đào tạo Xuất bản điện tử, cần tham khảo chương trình đào tạo của các nước phát triển trên thế giới, từ đó xác định nội dung chương trình cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong chương trình đào tạo Xuất bản điện tử cần đạt được những mục tiêu cơ bản về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất chính trị và đạo đức nhất định, mang tính chất đặc thù.