Mục tiêu trữ lượng là 190 triệu tấn đá vôi
Ông Lê Thái Bình - Công ty Cổ phần Tư vấn khảo sát thiết kế và Xây dựng Mỏ - Địa chất, đơn vị thực hiện Đề án trên cho biết, mục đích của công tác thăm dò là đánh giá chất lượng và tính trữ lượng đá vôi đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất xi măng; nghiên cứu địa chất làm sáng tỏ cấu trúc địa chất mỏ cũng như điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn trên diện tích thăm dò; mục tiêu trữ lượng cấp 121 + 122 là 190 triệu tấn đá vôi.
Để đạt mục tiêu trên, Công ty sẽ tập trung đo vẽ bản đồ địa hình, mặt cắt địa hình khu vực thăm dò tỷ lệ 1:2.000, đưa các công trình từ thiết kế ra thực địa và ngược lại. Ngoài ra, đo vẽ bản đồ địa chất khu mỏ, kết hợp nghiên cứu địa chất thủy văn, địa chất công trình và điều kiện khai thác mỏ trên diện tích thăm dò. Đồng thời, thi công công trình khoan thăm dò nhằm khống chế thân đá vôi dưới sâu, kết hợp lấy các loại mẫu để đánh giá chất lượng và trữ lượng đá vôi nguyên liệu sản xuất xi măng.
Theo ông Lê Thái Bình, trong quá trình lập Đề án, tập thể tác giả đã tiến hành công tác khảo sát thực địa, thu thập tài liệu địa chất và các tài liệu kinh tế - xã hội của khu vực thăm dò và các khu mỏ lân cận hiện nay. Đề án đã tổng hợp và sử dụng các thông tin địa chất khoáng sản có liên quan đến khu mỏ để lựa chọn tổ hợp phương pháp và mạng lưới bố trí công trình thăm dò, khối lượng các hạng mục công tác thăm dò hợp lý và phù hợp với đối tượng thăm dò.
Thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng. Ảnh minh họa |
Tuân thủ trình tự thi công theo thiết kế
Theo ông Nguyễn Trường Giang - Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, Đề án thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng khu vực mỏ Tân Trường I, Tân Trường II đã cơ bản tổng hợp được các kết quả nghiên cứu, kết quả khảo sát trước đây để lập Đề án; hệ phương pháp, khối lượng thiết kế của Đề án đã tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến của các phản biện, cơ bản đã làm sáng tỏ cấu trúc địa chất, đủ để đánh giá chất lượng, trữ lượng đá vôi làm xi măng.
Ông Trần Mỹ Dũng - Vụ trưởng Vụ Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) đánh giá, khu vực thăm dò có mức độ điều tra còn thấp nên cần thi công theo nguyên tắc tuần tự. Ngoài ra, khu Tân Trường I nằm sát phía Bắc mỏ đá vôi Thanh Kỳ (cốt cao tính trữ lượng +90m, Nhà máy xi măng Công Thanh), vì vậy cốt cao tính trữ lượng khu Tân Trường I là +90m. Khu Tân Trường II thuộc phía Tây mỏ Răng Cưa (cốt tính trữ lượng +180m, Nhà máy xi măng Tân Thắng). Theo ý kiến đề xuất của Chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Xi măng Đại Dương), để đảm bảo nguồn nguyên liệu cũng như trữ lượng khai thác cho hai dây chuyền 4,6 triệu tấn xi măng/năm (Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư) và tuổi thọ của mỏ 30 năm, cốt cao đề xuất dự tính trữ lượng đến cốt +140m. Bên cạnh đó, do địa hình núi cao, dốc đứng, nên bố trí thêm lỗ khoan để mở rộng diện tích 121 là khó khăn, mà sẽ mở rộng cấp 121 theo chiều sâu xuống cốt +140m.
Trước đó, trong bản nhận xét lần 2 về Đề án trên vào ngày 26/1/2021, ông Lê Văn Lượng - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết: Đề án được thành lập phù hợp với các quy định pháp luật về khoáng sản. Hệ phương pháp thăm dò, khối lượng công tác thăm dò của Đề án cơ bản phù hợp, đủ để đánh giá được trữ lượng, chất lượng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng trong các diện tích thăm dò. Tuy nhiên, cần tuân thủ trình tự thi công thăm dò đã thiết kế trong Đề án, kịp thời có các điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế địa chất của khu thăm dò.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các ủy viên Hội đồng để hoàn thiện Đề án. Thứ trưởng yêu cầu những vị trí không thể khoan xiên, vị trí nguy hiểm thì tùy theo tình hình thực tế, tiến hành khoan đứng để đảm bảo an toàn.
Mặc dù đơn vị tư vấn cho biết đã bổ sung tuyến trục để định hướng các tuyến ngang và xác định công trình được chính xác, nhưng ông Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần bổ sung tuyến trục ở các khu thăm dò và tuân thủ trình tự thi công theo thiết kế của Đề án.