Theo Bộ TT&TT, sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, qua việc triển khai, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đã được tiếp cận các thông tin, kiến thức pháp luật về đất đai, giúp nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật cho mọi người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm bớt tranh chấp, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương.
Bổ sung quy hoạch quỹ đất cho hạ tầng logistics
Tổng kết quá trình thực hiện Luật Đất đai làm tiền đề để sửa đổi, Bộ TT&TT đề xuất một số vấn đề đặc thù: Hiện, pháp luật đất đai chưa có quy định về Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung, loại hình Khu CNTT tập trung đang áp dụng là theo các quy định đối với Khu công nghệ cao. Song, với những đặc điểm Khu CNTT tập trung có quy trình thành lập, quản lý vận hành, sở hữu, quy mô nhỏ hơn, hình thức đầu tư Nhà nước - tư nhân (ppp),... nên việc áp dụng quy định về đất đai như với Khu công nghệ cao là không phù hợp. Do đó, Bộ đề xuất, kiến nghị bổ sung các quy định về Khu CNTT tập trung vào Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Về quỹ đất dành cho dịch vụ logistics, với vai trò là một ngành thuộc kết cấu hạ tầng, bên cạnh doanh nghiệp bưu chính được Nhà nước giao quản lý mạng bưu chính công cộng, các doanh nghiệp bưu chính khác đang tích cực tham gia trực tiếp vào một hoặc nhiều công đoạn của dịch vụ logistics. Tại Khoản 1, Điều 29 Luật Bưu chính 2010 đã quy định: các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính được quyền thiết lập mạng bưu chính để cung ứng dịch vụ.
Cần quy định về quản lý đất đai Khu công nghệ thông tin tập trung. Ảnh: Hoàng Minh. |
Do đó, việc xây dựng các trung tâm khai thác cho bưu chính, các trung tâm logistics được đặt ra. Tuy nhiên, hiện nay, trong Luật Đất đai 2013 không quy định quy hoạch quỹ đất cho hạ tầng logistics nên các doanh nghiệp bưu chính gặp khó khăn trong việc tiếp cận các quỹ đất đã được quy hoạch tại địa phương. Bộ TT&TT đề nghị khi sửa Luật Đất đai 2013, cần bổ sung quy định về quỹ đất dành cho logistics để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác, sử dụng cũng như các địa phương có căn cứ thực hiện.
Về trạm thu phát sóng, hiện nay, việc xây dựng trạm thu phát sóng thông tin di động gặp khó khăn do không được giao đất dẫn đến khó xin cấp phép xây dựng. Công trình trạm thu phát sóng thông tin di động thực tế không ảnh hưởng nhiều đến hiện trạng sử dụng đất như đất rừng, đất nông nghiệp.
Bộ đề xuất điều chỉnh: “Chương 5: Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất” quy định bổ sung trường hợp cho phép giao đất, cho thuê đất xây dựng công trình hạ tầng nhưng không phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. “Chương 6: Thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”, các Điều 61, 62, 63 bổ sung Nhà nước thu hồi đất các công trình hạ tầng (không phải công trình quốc gia không thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
Một số đề xuất khác
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đề xuất về một số quy định liên quan đến mục đích sử dụng đất trong Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn. Đơn cử, theo quy định tại Điều 12 Luật Đất đai quy định các hành vi “sử dụng đất không đúng mục đích” và “không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất” được xác định là hành vi bị nghiêm cấm.
Điều 147 quy định “Nghiêm cấm việc sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp vào mục đích khác”. Khoản 2, Điều 173 quy định tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không được sử dụng để cho thuê. Khoản 2, Điều 50 Nghị định số 43/2014/NĐ CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh phải được sử dụng đúng mục đích đã được xác định.
Tuy nhiên, trong quá trình thiết lập, phát triển mạng viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông có nhu cầu thực hiện ký kết các hợp đồng thỏa thuận thuê vị trí, mặt bằng để triển khai xây dựng công trình viễn thông. Song, với các quy định trên của Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn, việc này sẽ vi phạm quy định về mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp: Đất được quy định sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất trụ sở làm việc của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đất tại các cảng hàng không, sân bay dân dụng, đất được Nhà nước giao, đất không thu tiền sử dụng, đất không được sử dụng để cho thuê...
Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, các quy định về đất đai áp dụng cho công trình bưu chính, viễn thông sử dụng vào mục đích công cộng được xác định rõ ràng, cụ thể trong Luật Đất đai đã tạo hành lang pháp lý căn bản cho các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trong quá trình đầu tư xây dựng cũng như hoạt động (Điểm e, Khoản 2, Điều 10 và Khoản 2, Điều 54 Luật Đất đai 2013). Đến nay, phần lớn hệ thống điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bộ TT&TT cho rằng, theo Điều 57 Luật Viễn thông, các công trình viễn thông công cộng được ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển. Trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, việc phát triển hạ tầng viễn thông có vai trò hết sức quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. Do đó, đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn để cho phép và tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông được đặt, xây dựng các công trình viễn thông tại các khu đất của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, đất tại các cảng hàng không, sân bay dân dụng, đất được Nhà nước giao, đất không thu tiền sử dụng đất... theo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.