Cần có chính sách và mô hình phù hợp tích tụ đất nông nghiệp

10/05/2018 18:16

(TN&MT) - Ở nhiều địa phương, những người nông dân và doanh nghiệp thí điểm hoặc tự phát tích tụ đất nông nghiệp và đã có những thành công nhất định, song cũng...

(TN&MT) - Ở nhiều địa phương, những người nông dân và doanh nghiệp thí điểm hoặc tự phát tích tụ đất nông nghiệp và đã có những thành công nhất định, song cũng gặp không ít khó khăn về chính sách. Theo nhiều chuyên gia, cần phải có chính sách cũng như mô hình phù hợp để thực hiện.
Cần có chính sách và mô hình phù hợp
Cần phải có chính sách cũng như mô hình phù hợp để thực hiện tích tụ đất nông nghiệp. Ảnh: MH
TS. Trần Thị Minh Châu (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay, ở nước ta có nhiều sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, ví dụ như chính quyền đứng ra làm trung gian vận động các hộ dân và ký hợp hợp đồng thuê đất của họ, sau đó, giao cho doanh nghiệp; phổ biến nhất là chính quyền vận động và ít nhiều bảo lãnh để nông hộ cho doanh nghiệp thuê đất; liên kết giữa nông hộ và doanh nghiệp dưới nhiều hình thức như: Góp vốn cổ phần bằng đất, cho thuê đất dài hạn nhưng vẫn canh tác trên đất của mình để hưởng lương, doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp vật tư, bao tiêu sản phẩm… 

Mặc dù, có nhiều sáng kiến gặt hái được thành công, nhưng để triển khai đại trà các sáng kiến đó còn gặp nhiều trở ngại như: Chế tài tuân thủ hợp đồng về cả hai phía, doanh nghiệp và hộ nông dân, chưa mạnh; hiệu quả liên kết bấp bênh, chịu ảnh hưởng tiêu cực của giá cả và tính thiếu tổ chức của thị trường nông sản; chuỗi liên kết không bền vững vì cơ chế phân chia lợi ích chưa công bằng…

Một số người nôn nóng muốn thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhằm chặn đà suy giảm trong tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp bằng “sáng kiến” đề nghị Nhà nước thu hồi đất của dân (có đền bù) để giao cho doanh nghiệp như cách làm đối với khu công nghiệp, khu đô thị. Song nếu làm vậy, sẽ xuất hiện vấn đề: Tại sao người nông dân không có được quyền kinh doanh nông nghiệp ngang bằng doanh nghiệp? Bên cạnh đó, khi đó, lượng lao động họ sử dụng được sẽ ít hơn lượng lao động thất nghiệp của các gia đình bị thu hồi đất. Tình trạng này sẽ khiến nông thôn rối ren hơn nếu như Nhà nước không có cách tạo đủ việc làm cho những người này. Do đó, cần cân nhắc thận trọng “sáng kiến” này.

Đồng quan điểm này, PGS. TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, trở ngại chủ yếu về tích tụ - tập trung ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn ở nước ta là do: Ruộng đất manh mún, điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho sản xuất hàng hóa lớn (như ở một số địa phương miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, miền Trung…); tâm lý giữ ruộng (dù bỏ hoang) như một tài sản thừa kế của các thế hệ trong gia đình (như ở không ít nơi miền Bắc); các chính sách cho chuyển dịch ruộng đất và cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa còn nhiều bất cập (thời hạn giao đất, quy mô ruộng đất, thuế, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thị trường tiêu thụ nông sản, thủ tục hành chính…).

Do đó, vấn đề quan trọng cần phải xử lý là tích tụ - tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa phải gắn và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, nhất là lợi ích của hàng triệu hộ nông dân, chứ không chỉ vì lợi ích của những chủ thể và doanh nghiệp được tích tụ - tập trung ruộng đất với quy mô lớn. Không thể bằng các biện pháp hành chính áp đặt để thực hiện quá trình tích tụ - tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn. 

Có chính sách hợp lý và mô hình phù hợp TS. Trần Thị Minh Châu cho rằng, để tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, nên sử dụng đa dạng các mô hình. Trước tiên, mô hình tập trung mà không thay đổi chủ đất của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã thực hành thành công ở nhiều nước châu Á như: Hàn Quốc và Nhật Bản nên được ưu tiên khuyến khích phát triển. Bởi vì, hình thức tập trung này hiện rất phù hợp với tâm lý và điều kiện đất đai hạn chế và khả năng rút lao động ra khỏi nông nghiệp chậm như ở nước ta hiện nay. 

Tiếp đó, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình thuê đất của dân để kinh doanh ở quy mô hiệu quả. Tránh thu hút doanh nghiệp bằng cái giá là hy sinh lợi ích của nông dân. Bởi trong nông nghiệp, kinh doanh lớn của doanh nghiệp, nếu không tham gia vào chuỗi giá trị có hiệu quả và ở các khâu có giá trị gia tăng cao, doanh nghiệp nông nghiệp dễ phá sản hơn nông dân. Doanh nghiệp nông nghiệp kinh doanh quy mô lớn bị phá sản gây hậu họa cho ngành nông nghiệp và đất nước lớn hơn rất nhiều các hộ nông dân làm ăn kém hiệu quả. Để khắc phục tình trạng thuê đất khó khăn, nên khuyến khích các nhóm hộ nông dân (hợp tác, tổ hợp tác, nhóm hộ cùng nhau ký hợp đồng với doanh nghiệp và chịu trách nhiệm chung…). Một khi doanh nghiệp đem lại lợi ích lớn hơn cho nông dân, không cần vận động, họ cũng sẽ cho thuê hoặc bán quyền sử dụng đất của họ.

Đặc biệt, khuyến khích nông hộ làm ăn hiệu quả được thuê đất và mua đất. Thậm chí, trong một số trường hợp đặc biệt, có thể thử nghiệm những ngoại lệ về hạn điền để tìm giới hạn hiệu quả mới của hạn điền. Tuy vậy, tập trung đất chỉ là điều kiện của sản xuất hiệu quả. Nếu không thay đổi phương thức sản xuất, nếu không làm chủ và có năng lực cạnh tranh ở thị trường nông sản, trang trại lớn sẽ dẫn đến chi phí cao, khả năng kiểm soát kém, tranh chấp đất đai…

Tích tụ tập trung đất đai phải đi đôi với cải cách mạnh mẽ các điều kiện của sản xuất nông nghiệp như: Tổ chức tốt thị trường đầu vào, đầu ra, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, xuất sứ sản phẩm, tăng cường quản lý chất lượng nông sản… Phải thực hiện toàn diện các giải pháp, nông nghiệp Việt Nam mới có thể bước sang một giai đoạn phát triển mới. Dù ở trình độ phát triển nào, lập trường xã hội chủ nghĩa trong phát triển nông nghiệp vẫn là bảo vệ lợi ích chính đáng của người nông dân, giữ ổn định xã hội nông thôn, nâng cao uy tín của Đảng và Nhà nước trong lòng người dân ở nông thôn.

PGS. TS Trần Quốc Toản cho rằng, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để cho các hộ nông dân thực sự là đơn vị kinh tế tự chủ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Trước hết, phải thực hiện nghiêm túc việc giao ruộng đất ổn định lâu dài cho các hộ nông dân (và các chủ thể khác) với đầy đủ các quyền theo luật định (quyền sử dụng, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê…). Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn, tư liệu sản xuất và quyền tự do kinh doanh để các hộ nông dân và các doanh nghiệp thực sự yên tâm đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa, đồng thời thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn. 

Đồng thời, quy hoạch trung và dài hạn phát triển các vùng và sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản chất lượng cao theo quan điểm thị trường. Tiếp tục hoàn thiện luật pháp và chính sách ruộng đất để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao. Phát triển các mô hình HTX kiểu mới; đẩy mạnh đổi mới và phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ ca; đẩy mạnh xây dựng, phát triển và hoàn thiện và các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh bền vững trong nông nghiệp.

PGS. TS Trần Quốc Toản khuyến nghị, Đảng và Chính phủ cần đưa ra các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, định hướng và khung chính sách chung về vấn đề tích tụ - tập trung ruộng đất để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, hiệu quả. Trên cơ sở đó cần xây dựng các đề án cụ thể, phù hợp đối với điều kiện đất đai, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ sản xuất, lĩnh vực sản xuất… của từng khu vực, địa phương.   
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có chính sách và mô hình phù hợp tích tụ đất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO