Nhiều thách thức với vai trò đầu tầu
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Mặc dù TP.HCM chỉ chiếm 0,6% diện tích, 10% dân số, nhưng trong hơn 10 năm qua luôn đóng góp 22% giá trị vào nền kinh tế cả nước, giữ vững trọng trách là trung tâm kinh tế - xã hội, đầu tầu của cả nước.
Trong 2,5 năm đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020, TP.HCM tiếp tục duy trì được tỷ trọng đóng góp được 22% giá trị vào nền kinh tế cả nước; thu ngân sách chiếm 27% cả nước; chiếm 35 % tỷ trọng dịch vụ của cả nước; thu hút 48% khách du lịch quốc tế; tổng số nguồn vốn huy động của hệ thống tài chính ngân hàng chiếm 29% cả nước… Đặc biệt, kinh tế của TP ngày càng phát triển theo chiều sâu, hạn chế dựa vào đầu tư mà tập trung tăng năng suất lao động.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, bên cạnh những chỉ tiêu rất đáng ghi nhận trên, một số lĩnh vực kinh tế của thành phố ngày càng giảm trong cơ cấu đóng góp chung vào cả nước. Cụ thể, tăng trưởng công nghiệp, xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài có mức đóng góp vẫn thấp hơn mức đóng góp chung của kinh tế TP.HCM với kinh tế cả nước. Trong đó, tỷ trọng công nghiệp từ mức chiếm 22,9% (năm 2011) xuống còn 15,69% (năm 2017) so với cả nước; xuất khẩu từ mức chiếm 56% (năm 2000) còn 16% (năm 2017) so với cả nước; thu hút vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm dưới 20% trong tổng vốn đầu tư của cả nước.
Đánh giá về việc thực hiện 7 chương trình đột phá, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, nhưng nhiều chỉ tiêu đạt rất thấp, hoặc không có khả năng hoàn thành. Trong đó, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, TP.HCM đứng thứ 58/63 (chỉ đứng trên Bình Thuận, Cao Bằng, Nam Định, Kon Tum); quỹ đất dành cho giao thông còn rất thấp; chỉ tiêu xử lý nước thải sinh hoạt mới đạt 21%....
Cần cơ chế đặc thù trong thu hồi đất, tái định cư
Để hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 và 2,5 năm cuối nhiệm kỳ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị toàn Đảng bộ, chính quyền các cấp, các đoàn thể nghiêm túc thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Trước tiên, TP.HCM phải vận dụng, phát huy sức mạnh của con người, TP có 5 triệu lao động thì phải làm sao có 5 triệu sáng tạo. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bản chất là cuộc cách mạng sáng tạo nên việc phát huy sáng tạo 5 triệu người lao động chính là yếu tố thời đại, không thể chậm trễ. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc TP và Ban thi đua khen thưởng TP cần bàn bạc, nghiên cứu để hình thành phong trào thi đua sáng tạo đột phá phát triển thành phố tới khắp tầng lớp nhân dân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho TP.HCM chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ, đô thị. Quỹ đất này nếu đem đấu giá có thể thu về 1.5 triệu tỷ đồng, đây là nguồn lực rất lớn, tạo nguồn vốn cho TP đầu tư phát triển. Đồng thời, việc chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất này đã giải quyết được những tồn tại trong cơ cấu sử dụng đất của TP trong thời gian qua. Bởi, quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ, đô thị chưa tương xứng, trong khi đó nguồn lực đất đai dành cho nông nghiệp còn nhiều nhưng chưa biết cách khai thác hiệu quả.
Đặc biệt, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mỗi năm Thành phố phải thu hồi hàng trăm ha đất để phục vụ các dự án đầu tư. Tuy nhiên, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư ở một nơi đang gặp nhiều khó khăn, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân khiến dự án bị chậm tiến độ, gây lãng phí quỹ đất, ckhó khăn cho doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân.
“Cho nên, chúng ta phải nghiên cứu có một quy trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư nhanh hơn, hiệu quả hơn. Vì vậy, sắp tới bên cạnh việc thực hiện những cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, Thành phố sẽ kiến nghị Trung ương một cơ chế riêng trong công tác thu hồi đất, đền bù, tái định cư. Tất nhiên, chính sách này phải đảm bảo lợi ích 3 bên: người dân, doanh nghiệp và nhà nước” - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Về đẩy mạnh triển khai 7 chương trình đột phá, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ cử các đồng chí Phó Bí thư tham gia phụ trách chỉ đạo, giám sát. Đối với việc thực hiện chương trình giảm ngập nước, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi toàn thể người dân thành phố nâng cao ý thức, giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi xuống kênh rạch, miệng cống thoát nước. Bởi, tình trạng ngập nước thời quan qua có một phần nguyên nhân lớn là do hệ thống đường ống thoát nước bị tê liệt bởi rác thải.
“Sắp tới, Mặt trận Tổ quốc Thành phố cần chủ trì, phối hợp với hệ thống chính quyền các cấp triển khai một cuộc vận động kêu gọi người dân thành phố làm cho Thành phố bớt ngập bằng việc làm của mình” - ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.