Cần các giải pháp đột phá, khả thi để kiểm soát ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu

Tống Minh – Trần Tuấn – Trần Văn| 04/12/2020 11:41

(TN&MT) - Trong gần 14 năm, tại 6 tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn lên môi trường nói chung và nguồn nước sông Cầu nói riêng. Việc giữ được chất lượng nước trên lưu vực sông Cầu ít biến động, có nơi chất lượng nước đạt tốt đã cho thấy sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của 6 tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Sáng ngày 4/12, tại TP.Hải Dương, Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông (LVS) Cầu tổ chức Hội nghị Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông cầu giai đoạn 2006 – 2020 và định hướng quản lý môi trường lưu vực sông Cầu giai đoạn tiếp theo.

Ông Nguyễn Dương Thái – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Cầu; ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự có các thành viên thuộc Ủy ban BVMT lưu vực sông Cầu, đại diện các Bộ, ngành, địa phương…

Có nơi chất lượng nước tốt, song ô nhiễm vẫn tồn tại

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, trong gần 14 năm qua, với sự nỗ lực quản lý và kiểm soát ô nhiễm, trong bối cảnh hoạt động công nghiệp, sản xuất và quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các tỉnh lưu vực sông Cầu, diễn biến chất lượng nước trên lưu vực sông Cầu ít biến động, chưa có sự cải thiện đáng kể qua các năm.

Tại khu vực thượng nguồn đoạn chảy qua tỉnh Bắc Kạn, môi trường nước sông đạt mức tốt, nước có thể sử dụng được cho sinh hoạt, tuy nhiên, cục bộ vẫn còn tồn tại một số khu vực chất lượng nước ở mức kém, song đã có sự cải thiện khá đáng kể so với nhiều năm trước (đoạn sông Cầu trước khi chảy qua thành phố Thái Nguyên (Hòa Bình, Sơn Cầm).

Ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường LVS Cầu phát biểu khai mạc

Trên dòng chính sông Cầu, khu vực thượng nguồn thuộc tỉnh Bắc Kạn và các đoạn sông trước khi chảy qua thành phố Thái Nguyên, cơ bản chất lượng nước sông thường xuyên duy trì ở mức tốt, khi chảy qua thành phố Thái Nguyên (Hoàng Văn Thụ đến điểm Tân Phú), nước sông bắt đầu bị ô nhiễm bởi hợp chất hữu cơ (khu vực Cầu Loàng, Tp. Thái Nguyên; các khu vực như Sơn Cẩm, đập Thác Huống). Gần đây, điểm cầu Bóng Tối (điểm tiếp nhận trực tiếp nước thải sinh hoạt của Tp. Thái Nguyên), nước sông thường xuyên bị ô nhiễm nặng bởi hợp chất hữu cơ và hợp chất nitơ.

Tại các khu vực sông Cầu địa phận tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, chất lượng nước sông không tốt. Điển hình là các khu vực Cầu Vát, Hương Lâm (Bắc Giang), Vạn Phúc, Hòa Long, Hiền Lương (Bắc Ninh), Phúc Lộc Phương (thành phố Hà Nội), nước sông có hiện tượng ô nhiễm chất hữu cơ, hàm lượng các hợp chất chứa nitơ khá cao; thường xuyên xảy ra ô nhiễm, đặc biệt vào mùa khô hàng năm.

Sông Công tại tỉnh Thái Nguyên, chất lượng nước sông Công khá tốt, ổn định qua các năm; nhưng các năm 2018, 2019 bị ô nhiễm nhẹ bởi hợp chất hữu cơ và hợp chất chứa nitơ. Đoạn cuối sông Công, phần gần tiếp giáp với dòng chính sông Cầu, chất lượng nước ở mức trung bình.

Sông Ngũ Huyện Khê tại tỉnh Bắc Ninh vẫn là một trong những trọng điểm ô nhiễm từ nhiều năm. Từ năm 2006 - 2020, nước sông Ngũ Huyện Khê thường xuyên ở mức kém/rất kém. Một số khu vực khác trên sông như cầu Lộc Hà (Hà Nội), cầu Song Thát, Văn Môn (Bắc Ninh) mức độ ô nhiễm không nặng như khu vực cầu Đào Xá, nhưng các thông số đặc trưng cho ô nhiễm hữu cơ vẫn vượt giới hạn cho phép nhiều lần; đoạn sông Cầu tại tỉnh Bắc Ninh sau khi tiếp nhận nước sông Ngũ Huyện Khê tại điểm cầu Đào Xá thường xuyên bị ô nhiễm vào mùa khô.

Các Bộ, ngành, địa phương cùng chung tay bảo vệ

Nhìn nhận lại quá trình thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu, các đại biểu đều đánh giá, Ủy ban BVMT lưu vực sông Cầu đã thực hiện nhiều kết quả đánh ghi nhận.

Ông Võ Tuấn Nhân –Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường LVS Cầu phát biểu

 

 

Cụ thể, các địa phương đã giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường lưu vực sông liên vùng, liên tỉnh; kiến nghị, đề xuất các hành lang pháp lý trong giải quyết các vấn đề môi trường LVS liên vùng, liên tỉnh; duy trì và cải thiện chất lượng nước LVS Cầu trong bối cảnh đầu tư và phát triển kinh tế trên LVS Cầu ngày càng sôi động.

Công tác thanh tra, kiểm tra đã đẩy mạnh, tập trung vào các cơ sở có lưu lượng xả thải 100m3/ngày.đêm trở lên. Năm 2015 - 2019, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Sở TN&MT tiến hành triển khai công tác thanh, kiểm tra tổng số 345 cơ sở, trong đó 68 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là hơn 12 tỷ đồng. Bộ Công an từ năm 2006 - 2020, đã tiến hành trực tiếp xử lý trên 400 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 70 tỷ đồng; từ năm 2006-2020, các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra 8.181 sở và xử lý nghiêm 1.437 cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với số tiền hơn 82 tỷ đồng.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, trên lưu vực sông Cầu, hầu như đã hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới trên LVS Cầu.

Cùng với đó, 6 tỉnh đã xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện 18 dự án, điển hình như dự án trồng rừng đầu nguồn sông Cầu tại tỉnh Bắc Kạn, dự án Nạo vét sông Cầu đoạn chảy qua nội thành thành phố Bắc Kạn, lò đốt rác thải tập trung công suất 150 tấn/ngày.đêm và đưa vào vận hành vào cuối năm 2017; hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung khu vực phía Bắc thành phố Thái Nguyên; Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, cơ chế hỗ trợ xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt của các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; cơ chế thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn của các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc; công nghệ xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt của các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; kiểm soát xả thải của các KCN tại tỉnh Vĩnh Phúc; mô hình xử lý chất thải của Nhà máy nhiệt điện Phả Lại…

Hệ thống quan trắc, phân tích được thiết lập từ Trung ương đến địa phương. Công tác điều tra, thống kê nguồn thải đang được triển khai đồng bộ trên hầu hết các tỉnh…

Các đại biểu tham gia thảo luận

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được nói trên, trong quá trình triển khai Đề án, vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chỉ rõ, hoạt động của Ủy ban BVMT lưu vực Cầu còn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra do đây chỉ là tổ chức điều phối; công tác chủ yếu giữa Bộ TN&MT và các địa phương, thiếu sự tham gia của các Bộ, ngành khác. Công tác phối hợp giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh đã được cải thiện nhưng còn chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Đáng lo ngại, tình trạng ô nhiễm nước sông cục bộ tại khu vực nội thành, nội thị và làng nghề vẫn diễn biến phức tạp, tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt còn thấp. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động vi phạm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm đối phó với các cơ quan chức năng.

Cần giải pháp mang tính đột phá, khả thi

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, trong giai đoạn 2021- 2025, các địa phương cần đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, có tính khả thi để kiểm soát ô nhiễm môi trường LVS.

Thứ trưởng cho biết, năm 2021, Bộ TN&MT sẽ quyết liệt đánh giá sức chịu tải của các lưu vực sông. Trên cơ sở chịu tải, việc xả thải và cấp phép xả thải phải được tính toán kỹ lưỡng; hết hạn ngạch sẽ không cấp phép.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, các địa phương xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường mới, cũng đồng thời phải gắn kết với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch quan trắc môi trường.

Toàn cảnh Hội nghị

Định hướng triển khai kết hoạch quản lý môi trường lưu vực sông Cầu giai đoạn tiếp theo, ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường LVS Cầu cho rằng, Ủy ban cần xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường" được quy định tại Điều 8 và 9 của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó ưu tiên lưu vực sông Cầu để thay thế Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về "Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu" đã kết thúc năm 2020.

Về tổ chức Uỷ ban bảo vệ môi trường lưu vực sông: Ủy ban BVMT sông Cầu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu đề xuất đổi mới tổ chức bộ máy hoạt động của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu.

Về nguồn lực tài chính: nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù cho lưu vực sông nói chung và lưu vực sông Cầu nói riêng, đặc biệt là chính sách thu hút, phân bổ nguồn vốn để thực hiện một số nhiệm vụ, dự án về cải thiện chất lượng nước lưu vực sông Cầu, chính sách hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đầu nguồn; đặc biệt là cơ chế ưu tiên các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và rác thải sinh hoạt, ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm trên sông Cầu;

Chỉ đạo ưu tiên tập trung vào việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị cho các địa phương trên lưu vực sông Cầu theo hướng hợp tác công - tư, xã hội hoá và địa phương nào gây ô nhiễm chính chịu trách nhiệm chính trong xử lý ô nhiễm lưu vực sông.

Về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các địa phương trên lưu vực sông Cầu: Xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ nội tỉnh và các nguồn nước mặt khác trên địa bàn có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn quy định tại Điều 8 và 9 của Luật Bảo vệ môi trường mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần các giải pháp đột phá, khả thi để kiểm soát ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO