Cẩm Thủy (Thanh Hóa): Người dân hoang mang về tình trạng sạt lở đất nông nghiệp.

07/10/2018 19:43

(TN&MT) – Sạt lở bờ sông Mã gây thiệt hại đến đất đai, hoa màu, nhà cửa đó là thực trạng đang diễn ra tại xã Cẩm Vân, Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Tình trạng này là do mưa lũ và khai thác cát trước đây của các mỏ cát gây ra sạt lở bờ bãi, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân ven sông.  

Thời gian gần đây người dân dọc 2 bờ sông Mã thuộc xã Cẩm Vân và Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy đang phải đối mặt với nguy cơ mất đất canh tác mỗi ngày. Với trận lũ vừa qua tình trạng sạt lở càng trở nên thê thảm hơn, hàng nghìn khối đất sản xuất nông nghiệp được người dân trồng rau mầu xanh tốt  bị dòng sông Mã cuốn trôi. Nguyên nhân gây nên sạt lở, phần lớn là do khai thác cát của các mỏ cát thác quá mức cho phép, nở rộ diễn ra nhiều năm qua.
 

Người dân đang phải đối mặt với nguy cơ mất đất canh tác mỗi ngày
Người dân đang phải đối mặt với nguy cơ mất đất canh tác mỗi ngày

Ông Lê Văn D, thôn Vân Trai chỉ tay về phía dòng sông Mã đang chảy xiết than thở: Nhà báo thấy đó, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở ở các thôn Đồi Vàng, Đồi Chông, Vân Trai, Quan Bằng, Eo Lê, Quan Phác…Tình trạng sạt lở dọc bờ sông Mã càng trở nên nghiêm trọng, nhiều diện tích đất tiếp tục bị cuốn trôi xuống sông, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh nhai của người dân.

Cũng theo nhiều người dân cho biết: Trước kia vùng đất này rộng lắm, đất lại mầu mỡ, trồng ngô, khoai, mía rất xanh tốt, nhưng nay bị sạt lở đất gần hết. Nguyên nhân xảy ra sạt lở đất canh tác là do khai thác cát trước kia và trận mưa lũ vừa qua. Họ khai thác cát làm thay đổi dòng chảy gây nên xói lở, ăn sâu vào diện tích đất nông nghiệp. Có khu vực bị sạt lở vào gần đến nhà, nhiều cây cối trồng giữ bờ cũng bị dòng sông cuốn trôi. Chúng tôi chỉ mong nhà nước không cấp phép cho mấy mỏ cát này nữa và kè đoạn sông bị sạt lở để giữ đất cho nhân dân canh tác và yên tâm sinh sống.
 

Hàng nghìn khối đất sản xuất nông nghiệp bị dòng sông Mã cuốn trôi
Hàng nghìn khối đất sản xuất nông nghiệp bị dòng sông Mã cuốn trôi

Trước tình hình sạt lở đất nông nghiệp dọc theo 2 bờ sông Mã xã Cẩm Vân và Cẩm Tân đang diễn ra phức tạp, ngày 18/3/2017, Chi bộ thôn Vân Trai đã tổ chức Hội nghị Chi bộ kiến nghị UBND tỉnh về việc cấp bãi tập kết cát. Đến ngày 21/3/2017, có 73 hộ dân ký tên trong Hội nghị Công tác mặt trận thôn. Hội nghị nêu rõ: “Trong một đoạn sông chưa đầy 1km mà có 3 mỏ cát là không hợp lý, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân. Việc khai thác, tập kết cát làm sạt lở đất nông nghiệp như diện tích bãi Gò thôn 12 Eo Lê, bãi Dài, bãi Vông thôn Vân Trai sạt lở ngày một lớn. Tại Trạm bơm 4 phục vụ nước tưới cho bà con có nguy cơ sạt lở rất cao. Bến đò ngang Vân Trai không hoạt động được gây khó khăn cho nhân dân…Hộ nghị đề nghị Chính quyền các cấp thu hồi lại Quyết định cấp mỏ và dừng việc quy hoạch bãi tập kết cát tại đây để nhân dân trong vùng ổn định sản xuất
 

Nhiều cây cối trồng giữ bờ cũng bị dòng sông cuốn trôi
Nhiều cây cối trồng giữ bờ cũng bị dòng sông cuốn trôi

Đến ngày 07/6/2017, UBND xã Cẩm Vân có Công văn số 74/UBND-TNMTngửi Sở TN&MT về việc tham gia ý kiến gia hạn mỏ cát trên địa bàn xã, Công văn nêu: Trữ lượng mỏ cát sau khi khai thác còn lại rất ít, trong khi đó bến đò phục vụ sản xuất của nhân dân đi lại nằm ở giữa mỏ cát sẽ bị ảnh hưởng sạt lở đường đi mất an toàn giao thông khi vận hành bến đò (nơi đi lại và sản xuất của gần 500 hộ dân tại 3 thôn Quan Phác, Vân Trai và Eo Lê). Nếu doanh nghiệp tiếp tục được cấp phép và hoạt động khai thác hút cát tại mỏ sẽ làm thay đổi dòng chảy có nguy cơ sạt lở bờ sông, sạt lở đất nông nghiệp của nhân dân xã Cẩm Vân, sạt lở trạm bơm nằm giữa mỏ cát số 45 và 46 ảnh hưởng đến việc tưới tiêu nước cho hơn 100 ha đất lúa của nhân dân trong xã.
 

Tình hình dư luận của chi bộ, đảng viên và nhân dân rất bất bình về việc khai thác cát của các mỏ. Người dân đã ký tên tập thể phản đối ra hạn mỏ cát, Đảng uỷ- HĐND-UBND-MTTQ và các đoàn thể từ xã đến thôn đã tập trung giải quyết mới ổn định được tình hình. Nếu tiếp tục gia hạn khai thác mỏ cát thì tình hình phức tạp sẽ xảy ra, vì vậy UBND xã Cẩm Vân tha thiết đề nghị Sở TN&MT xem xét tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định đúng pháp luật và hợp lòng dân, để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương xã Cẩm Vân.
 

Biên bản Hội nghị Mặt trận thôn và chữ ký của 73 hộ không đồng ý cấp mỏ cát tại xã Cẩm Vân
Biên bản Hội nghị Mặt trận thôn và chữ ký của 73 hộ không đồng ý cấp mỏ cát tại xã Cẩm Vân


Ngày 20/6/2017, UBND huyện Cẩm Thủy có công văn số 666/UBND-TNMT gửi Sở TN&MT về việc tham gia ý kiến thăm dò đánh giá lại trữ lượng mỏ cát thuộc xã Cẩm Vân. Ý kiến của UBND huyện Cẩm Thủy là cử tri thôn Vân Trai và UBND xã Cẩm Vân đã có văn bản kiến nghị và tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét không tiếp tục cho thăm dò đánh giá lại trữ lượng và gia hạn giấy phép khai thác cát tại mỏ cát trên địa bàn. Để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, đảm bảo đời sống và sản xuất của nhân dân trên địa bàn xã Cẩm Vân. UBND huyện Cẩm Thủy không đồng ý tiếp tục gia hạn mỏ cát thuộc địa bàn xã Cẩm Vân.
 

Công văn của UBND xã Cẩm Vân không đồng ý gia hạn mỏ cát trên địa bàn vì sạt lở
Công văn của UBND xã Cẩm Vân không đồng ý gia hạn mỏ cát trên địa bàn vì sạt lở

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân cho biết: Tình trạng sạt lở bờ sông thuộc địa bàn xã Cẩm Vân như người dân phản ánh là đúng. Hiện nay có một hộ dân thuộc thôn Quan Bằng bị sạt lở vào đất vườn chỉ còn cách 15m nữa là vào đến nhà ở. Năm nào cũng có sạt lở nhưng trận mưa lũ vừa qua bị sạt lở nhiều hơn, nguyên nhân là do lũ lụt và hút cát trước đây.
 

Rõ ràng việc sạt lở đất nông nghiệp của người dân xã Cẩm Vân, Cẩm Tân dọc 2 bờ sông Mã là hệ lụy của việc khai thác cát từ các mỏ cát gây ra. Đã đến lúc UBND tỉnh cần nên xem xét nguyện vọng chính đáng của người dân nơi đây, đừng vì lợi ích trước mắt mà “phó mặc” tính mạng và tài sản của người dân

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩm Thủy (Thanh Hóa): Người dân hoang mang về tình trạng sạt lở đất nông nghiệp.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO