Cẩm Thủy (Thanh Hóa): Hàng loạt mỏ đá “bức tử” môi trường

Thu Thủy - Đức Duy| 03/12/2019 15:13

(TN&MT) - Nhiều năm qua, quá trình khai thác và chế biến đá của Công ty CP Sản xuất và Thương mại Tự Lập, Công ty TNHH Anh Tuấn và Công ty TNHH Hoàng Nhân khiến các con suối tại xã Cẩm Quý (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hàng chục ha đất trồng mía của người dân.

Mỏ đá của Công ty Tự Lập, 1 trong 3 mỏ đá tại xã Cẩm Quý đã và đang gây nhiều hệ lụy về môi trường

Trước đây, nguồn nước từ suối Hồng Rải và suối Cỏ Ngô được người dân xã Cẩm Quý sử dụng sinh hoạt và tưới tiêu. Thế nhưng, từ năm 2015 “cơn bão” khai thác khoáng sản trên địa bàn đã và đang gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, các con suối kể trên cũng vì vậy bị ô nhiễm nghiêm trọng, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Hiện tại, trên địa bàn xã Cẩm Quý có 3/4 mỏ đá đang hoạt động thuộc Công ty CP Sản Xuất và Thương mại Tự Lập (Công ty Tự Lập), Công ty TNHH Anh Tuấn (Công ty Anh Tuấn) và Công ty TNHH Hoàng Nhân (Công ty Hoàng Nhân). Trong quá trình khai thác và sản xuất đá, các công ty trên “tiếc rẻ” trong việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, thường xuyên nổ mìn, hoạt động của trạm say nghiền phát tán bụi…

Mỗi khi hoạt động, trạm nghiền sàng của Công ty Hoàng Nhân phát tán bụi

Tiếp cận khu vực mỏ của các Công ty trên, quan sát cho thấy: Dưới chân mỏ là hai dòng suối Hồng Rải và Cỏ Ngô, nước suối trở nên đục ngầu vì cạnh đó là hàng loạt xưởng sản xuất, chế biến đá đang “đua nhau” xả thải trực tiếp. Hai bên dòng suối bị các doanh nghiệp “chèn ép” bằng đất đá, có đoạn bị đá chặn dòng. Bên trong khu vực khai thác, bột đá được chất cao thành đống nằm vương vãi, nhếch nhác khắp nơi, mỗi khi có gió thổi cả khu vực trở nên bụi mù mịt. Xung quanh, nhiều diện tích trồng mía của người dân phát triển kém do ảnh hưởng từ bụi đá và nước thải.

 Xưởng sản xuất đá của Công ty tự lập xả thải trực tiếp ra ngoài môi trường

Người dân thôn Quý Long, xã Cẩm Quý khi được hỏi về ảnh hưởng của các mỏ đá đều khẳng định: Từ khi các mỏ đá hoạt động, tiếng ồn và bụi của máy nghiền, nhà xưởng xẻ đá khiến chúng tôi không chịu nổi. Có những hôm họ nổ mìn bất chợt, một tiếng nổ lớn vang lên nghe “đinh tai nhức óc”, trẻ con thì bị giật mình kêu khóc, đá thì cứ thế bay thẳng vào khu vực trồng mía.

Bột đá, nước thải của Công ty Anh Tuấn khiến nhiều diện tích trồng mía của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng

“Anh chị thấy đấy, suối Hồng Rải và suối Cỏ Ngô giờ bị ô nhiễm do các công ty đá xả thải, giờ không ai dám dùng để tưới tiêu. Còn xe tải ra vào các mỏ, mỗi ngày có hàng trăm lượt, đi đến đâu thì bụi bay tứ tung đến đó, nhà cửa cũng phải đóng kín bưng. Ai ai cũng đều bất bình vì hoạt động của các mỏ đá gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt, người dân có phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng nay vẫn chưa được giải quyết”. Anh H, thôn Quý Tân bức xúc cho biết.

Suối Hồng Rải và suối Cỏ Ngô, xã Cẩm Qúy đang phải gánh chịu sự ô nhiễm từ nước thải, đất đá của các mỏ đá

Trước đó, ngày 08/8/2019, UBND xã Cẩm Quý đã tiến hành kiểm tra tại mỏ đá của Công ty Tự Lập và Công ty Anh Tuấn, cho thấy: Các xưởng sản xuất đá đều xả trực tiếp xuống khe. Qua đó, yêu cầu Công ty Tự Lập phải làm bể lắng bột đá theo đúng quy định tại xưởng số 2,3,4. Đối với Công ty Anh Tuấn phải sửa lại bể lắng để đảm bảo nước thải không chảy xuống đất nông nghiệp và dòng khe.

Biên bản kiểm tra của UBND xã Cẩm Quý nêu rõ, quá trình sản xuất đá của Công ty Tự Lập và Công ty Anh Tuấn xả trực tiếp xuống khe

Ông Phan Văn Dương, Trưởng Công an xã Cẩm Quý cho biết: Hoạt động khai thác, say nghiền đá của 3 doanh nghiệp trên địa bàn xã gây ô nhiễm nguồn nước tại các suối là có thật. Không những thế, nhiều diện tích trồng mía, hoa màu của các hộ dân thôn Quý Tân, thôn Quý Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thiệt hại lớn, nhưng người dân vẫn chưa được hỗ trợ hay đền bù từ các doanh nghiệp.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Phạm Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Quý cho biết: Đúng là trong quá trình khai thác đá của các Công ty trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, hệ thống xử lý nước thải của các xưởng sản xuất chưa được đầu tư đúng quy định. Riêng đối với Công ty Tự Lập và Công ty Anh Tuấn, UBND xã đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu họ khắc phục, còn Công ty Hoàng Nhân thì Sở TN&MT vừa kiểm tra và đang xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩm Thủy (Thanh Hóa): Hàng loạt mỏ đá “bức tử” môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO