Các sông ngòi, kênh mươmg, ven đường quốc lộ đã trở thành nơi tập kết rác “bất đắc dĩ”. Do vậy, mới đây tỉnh Hải Dương đã kêu gọi Nhà đầu tư Nhà máy xử lý rác sinh hoạt, phát điện với công nghệ hiện đại Châu Âu. Đây chủ trương đúng đằn, người dân cần đồng thuận, ủng hộ, có đánh giá khách quan.
Nhiều năm “khốn khổ” vì rác
Mỗi lần qua Quốc lộ 5 (địa bàn huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) hình ảnh “phản cảm” ai cũng dễ dàng thấy là rác thải sinh hoạt được đổ tràn ra đường, chất thành đống bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bu bám kín… ở khu vực xã Tân Trường, thị trấn Lai Cách. Nguyên nhân, người dân đổ rác thải ra ven đường, cầu cống, sông ngòi… là do bãi rác chôn lấp được quy hoạch xa, quá tải không thể chôn lấp thêm được nữa, những người thu gom rác chỉ thu gom từ 2 – 3 lần/tuần. Nhiều hộ gia đình vì lượng rác nhiều, nên tiện đâu vất đấy, lâu ngày đã trở thành những đồng rác “lù lù” nơi công cộng, ven đường, ngay cả đường vào của trụ sở UBND xã.
Trước đây, để giải quyết tình trạng cấp bách về rác thải sinh hoạt huyện Cẩm Giàng đã được đầu tư lò đốt rác lưu động, cố định ở một số xã. Nhưng rồi lò đốt rác đều “chết yểu” lò đốt rác di động chỉ đốt được đôi ba lần, rồi vất “xó” trở thành đống sắt vụn. Nguyên nhân, do lò đốt rác này không thể đốt được rác thải sinh hoạt với đủ các “thể loại” luôn trong tình trạng rác ướt sũng nước. Còn lại, lò đốt rác cố định được đầu tư tại xã Cao An, với số tiền hàng tỷ đồng, nhưng chỉ vận hành được thời gian ngắn đã bộc lộ hàng loạt bất cập. Lò đốt công nghệ lạc hậu, không có hệ thống xử lý khói, bụi nên những hộ gia đình ở gần lò đốt rác lãnh đủ hậu quả. Không những vậy, rác ở đây chất như núi không xử lý kịp thường xuyên bốc mùi hôi thối, nước rác chảy tràn lan khắp nơi, ruồi nhặng phát sinh gây ra nhiều mầm bệnh nguy hiểm… Nguyên nhân chính, rác thải sinh hoạt không được phân loại là “mớ hỗn độn” nên khó xử lý bằng việc đốt thông thường. Do đó, lò đốt bạc tỷ này cũng chỉ hoạt động chưa được trên 1 năm đã phải đóng cửa “bỏ hoang, bỏ phí”.
Theo thống kê của huyện Cẩm Giàng, hiện nay huyện có 147,877 người, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh gần 80 tấn/ngày và thu gom xử lý đạt 70%. Huyện Cẩm Giàng có 19 xã, thị trấn và hiện việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp ở tại 15 bãi rác đã được quy hoạch. Trong đó có 10 bãi được xây dựng (giai đoạn 2010 – 2015) diện tích từ 1.100m2 – 3.500m2. Các bãi rác này chỉ chứa rác khoảng từ 1 – 2 năm nữa là quá tải, còn lại 5 bãi rác được xây dựng theo chương trình hỗ trợ của UBND tỉnh Hải Dương, với số tiền 500 triệu đồng/bãi. Ngoài ra trên địa bàn huyện có nhiều bãi rác chôn lấp tự phát tại xã, thị trấn, như: Cao An, Cẩm Văn, Cẩm Phúc, Lai Cách. Các bãi rác này, kết hợp với bãi rác đã được quy hoạch hỗ trợ kinh phí và không hỗ trợ, huyện Cẩm Giàng lên đến 92 bãi chôn lấp. Các bãi rác gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, do người dân thường xuyên đốt rác, rác âm ỉ cháy cả ngày lẫn đêm. Nước rác chảy ra ruộng canh tác, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, khiến các hộ sống gần đó thường xuyên kiến nghị, phản đối.
Người dân cần phải đồng thuận
Vì vậy mới đây, tỉnh Hải Dương đã kêu gọi đầu tư, xây dựng tại thôn Bình Long, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng Dự án xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện với công suất 500 tấn/ngày đêm (rác không cần phải phân loại) theo công nghệ tiên tiến nhất của châu Âu hiện nay, là chủ trương lớn hoàn toàn đúng đắn. Chính vì vậy, cấp ủy đảng, chính quyền từ xã, huyện, tỉnh và đa số người dân đồng thuận, nhất trí cao, bởi không chỉ, Chủ đầu tư đã có những cam kết rõ ràng, rành mạch…
Quan trọng hơn nữa, Nhà máy bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường “khắt khe” nhất, không gây ô nhiễm thứ cấp. Mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực, như: Sản xuất ra sản phẩm điện năng, gạch không nung và vật liệu xây dựng từ tro đáy lò, phần tro bay sau xử lý còn lại chôn lấp bằng, hoặc nhỏ hơn 3% lượng rác đầu vào. Công suất của Nhà máy đến năm 2020 khi hoàn thành giai đoạn 1 đạt 250 tấn/ngày đêm, giai đoạn 2 sau năm 2020 đạt công suất 500 tấn/ngày đêm và phát điện 9 - 10 MW. Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng được sử dụng công nghệ lò đốt rác phân buồng; lò hơi, máy phát điện tuabin khí sử dụng công nghệ đồng bộ bản quyền công nghệ gốc Công ty Waterleau của Vương quốc Bỉ; hệ thống xử lý khói thải SNCR, làm khô bán phần, làm khô, hấp thu bằng than hoạt tính, thiết bị lọc túi vải; hệ thống xử lý tro bay bằng bùn, cô đặc bằng hóa chất tạo phức; hệ thống xử lý nước rỉ rác UASB+A/O+UF+NF+RO. Theo quy trình công nghệ xử lý, rác thải rắn được xử lý bằng phương pháp đốt thu hồi năng lượng, không cần phân loại rác sinh hoạt hỗn hợp từ đầu nguồn.
Chính hiểu được ý nghĩa nhân văn, mục đích của việc triển khai Dự án xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện nên khi chính quyền triển khai, đã có trên 2/3 người dân thôn Bình Long (trong diện được đền bù, hỗ trợ) nhận tiền. Thế nhưng, có một số đối tượng “quá khích” đang cố tình lôi kéo, dùng chiêu trò “bẩn” nhằm mục đích ép người dân đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ mang trả lại. Những đối tượng này còn đưa ra nhiều thông tin bịa đặt, sai sự thật… kích động nhiều người đến trụ sở UBND xã Lương Điền gây sức ép với chính quyền cơ sở.
Mới đây nhất, theo Báo cáo của UBND xã Lương Điền vào 9 giờ 45 phút ngày 13/3 tại trụ sở UBND xã đã có hàng trăm người dân kéo lên tụ tập, với băng zôn, khẩu hiệu… gây hoang mang dư luận, nhất là người dân đang sinh sống ở thôn An Lại và Bình Long. Một số đối tượng đã rêu rao: “Nếu ai không nhất trí phản đối việc triển khai xây dựng Nhà máy xử lý rác thải, phát điện thì sống không chơi, chết không chôn”. Do vậy thời gian qua, nhiều người dân đã kéo lên UBND xã, thậm chí còn đứng quây tại cửa phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã, làm mất trật tự công sở, gây sức ép và yêu cầu Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cùng các ban, ngành của xã lên hội trường tiếp dân. Nhiều người dân chửu bới, đe dọa, có lời nói lăng mạ, sỉ nhục… đồng chí Chủ tịch UBND xã. Đỉnh điểm, ngày 13/3, ông Nguyễn Văn Thao, không chỉ dùng lời chửu bới, đe dọa mà còn húc đầu vào người Chủ tịch UBND xã Lương Điền. Không những vậy, người dân còn tổ chức ăn uống, nghỉ ngay trong trụ sở UBND xã Lương Điền gây mất vệ sinh, cảnh quan môi trường và đặc biệt làm ảnh hưởng tới việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức. Người dân bị kẻ xấu lôi kéo, phản ánh về các nội dung: Trình tự thủ tục thu hồi đất không đúng Luật đất đai năm 2013, khoảng các nhà máy đến khu dân cư không đảm bảo… Trong khi đó, các nội dung này đã được sở, ban, ngành giải thích và trả lời bằng văn bản rõ ràng. Nhiều hộ gia đình trước đây đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ chính vì vậy đã sợ hãi mang tiền trả lại, càng làm cho dư luận thêm hoang mang.
Việc xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại thôn Bình Long, xã Lương Điền được cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Hải Dương đồng thuận, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Người dân được hưởng quyền lợi hợp pháp, chính đáng… nếu còn ý kiến thắc mắc thì chính quyền sẵn sàng trực tiếp đối thoại. Các đối tượng quá khích, có hành vi, hành động vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm minh, không để xảy ra tình trạng như vừa qua tại trụ sở UBND xã Lương Điền hành vi “dân chủ quá trớn”. Dự án là vì lợi ích chung, mang lại chính cuộc sống, môi trường tốt đẹp cho cộng đồng, không vì bộ phận “cực đoan” lôi kéo người dân đi ngược lại đường lối, chủ trương và đồng thuận của nhiều người.