"Cẩm Giàng (Hải Dương): Người dân thôn Bễ “ngộp thở” vì ô nhiễm" - Bài 2: Các cơ sở sản xuất có được “bảo kê”?

09/05/2018 16:43

​​​​​​​(TN&MT) – Ngày 6/5, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường có bài: “Cẩm Giàng (Hải Dương): Người dân thôn Bễ “ngộp thở” vì ô nhiễm”. Phản ánh thực trạng...

(TN&MT) - Ngày 6/5, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường có bài: “Cẩm Giàng (Hải Dương): Người dân thôn Bễ “ngộp thở” vì ô nhiễm”. Phản ánh thực trạng nhiều năm qua, người dân thôn Bễ, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) luôn phải sống trong cảnh “ngộp thở” vì ô nhiễm môi trường, từ các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, tái chế nhựa… với đủ các loại mùi đặc trưng: Khăm khẳm, khét lẹt và nước thải “vô tư” xả trực tiếp ra môi trường. Không hiểu sao, những cơ sở sản xuất, sát khu dân cư này nhiều năm vẫn ngang nhiên tồn tại “hành” dân…?
 
Cẩm Giàng (Hải Dương): Người dân thôn Bễ “ngộp thở” vì ô nhiễm'
Công ty TNHH Dệt may Quang Lan nơi cho đơn vị thuê nhà xưởng sản xuất
Để kiểm chứng những phản ánh của người dân thôn Bễ, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) về các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhựa đang thuê nhà xưởng của Công ty TNHH Dệt may Quang Lan, gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi đã vào tận nơi “mục sở thị”. Có lẽ ở đây, nhiều cơ sở thuê nhà xưởng để sản xuất, việc ra vào cổng chẳng mấy khó khăn.
2-Cẩm Giàng (Hải Dương): Người dân thôn Bễ “ngộp thở” vì ô nhiễm'
Trên đường đi vào các xưởng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi vương vãi đầy đường
Từ cổng vào, chúng tôi đã thấy dọc đường ngổn ngang các loại bao bì, nhựa thải, nguyên liệu để làm thức ăn chăn nuôi vương vãi… nước thải từ trong các xưởng đổ ra rãnh nước bao quanh và không thấy bất kỳ hệ thống xử lý nước thải ở đâu. Hình ảnh “đập vào mắt” từ dãy văn phòng, cho đến nhà xưởng, kho chứa… đều nhem nhuốc, bẩn thỉu và bốc mùi ô uế… từng vũng nước đọng trên đường đi. Xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên, chúng tôi vào là của Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Đồng Tâm. Trong xưởng, dàn máy chạy ầm ầm, bụi mù mịt và các bao thức ăn chăn nuôi vất ngổn ngang… chỉ bằng cảm quan và mắt thường, cũng đã đủ thấy cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi này không đảm bảo về môi trường. Trong khi đó, nhà xưởng “tuềnh toàng” bẩn thỉu, xung quanh xưởng chẳng kém, với hệ thống cống rãnh tạm bợ và các hố nước thải đọng đen sì.
 
Sang tiếp xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty có tên hết sức “mỹ miều” Công ty Cổ phần dinh dưỡng GOLD FARMS, nhưng trái ngược bên trong cũng “ngập ngụa” và vương vãi khắp nơi các loại nguyên liệu chế biến, bao bì vất ngổn ngang. Chẳng khác gì, xưởng sản xuất tạm bợ của Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Đồng Tâm. Ngoài hai cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi này, chúng tôi thấy còn có xưởng chất đầy nhựa phế thải, cơ sở nấu suất ăn công nghiệp và Công ty dinh dưỡng Việt Hưng trong ngôi nhà cấp 4 “sập xệ”, rách nát, bẩn thỉu… ngập tràn các loại rác thải vất lung tung, với đủ loại: can nhựa, bao bì, giấy vụn, túi ni lông...
3-Cẩm Giàng (Hải Dương): Người dân thôn Bễ “ngộp thở” vì ô nhiễm'
Xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi không cần bảo vệ môi trường của Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Đồng Tâm
Sau khi đi một vòng quanh nhà xưởng, phải hít thở đủ các mùi “đặc trưng” từ xưởng sản xuất cám thốc ra, nước thải đọng ở các cống rãnh, chúng tôi gặp, làm việc được với đại diện của một số Công ty thuê xưởng sản xuất.
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường về việc sản xuất, công tác bảo vệ môi trường… Ông Lê Vân Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Đồng Tâm, thản nhiên nói: “Công ty chúng tôi được thành lập (năm 2010) và thuê xưởng ở đây sản xuất thức ăn chăn nuôi. Việc sản xuất các loại sản phẩm thức chăn nuôi, chúng tôi chỉ quan tâm đến sản phẩm, chất lượng; đầu vào, đầu ra và con người… còn vấn đề về bảo vệ môi trường không phải việc, chúng tôi quan tâm. Bởi Công ty chỉ biết thuê xưởng đế sản xuất, còn Công ty TNHH Dệt may Quang Lan là đơn vị cho thuê nhà xưởng, phải chịu trách nhiệm về môi trường. Nếu không, xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi của chúng tôi, có thể tồn tại được gần chục năm qua hay sao? Vậy phải như thế nào, chúng tôi mới làm được chứ, các anh muốn biết về lĩnh vực môi trường thì đi hỏi Công ty cho thuê, chứ hỏi Công ty chúng tôi làm gì?” Khi chúng tôi đề nghị, ông Anh cung cấp Hợp đồng cho thuê nhà xưởng, Giấy phép kinh doanh và thủ tục pháp lý liên quan đến sản phẩm của Công ty, thì ông Anh cho biết, hiện nhân viên văn phòng đi vắng, nên chưa thể cung cấp được.
4-Cẩm Giàng (Hải Dương): Người dân thôn Bễ “ngộp thở” vì ô nhiễm'
Các rãnh xung quanh nhà xưởng đều ngập nước thải, bẩn thỉu
Đại diện, Công ty Cổ phần dinh dưỡng GOLD FARMS, ông Vũ Đình Đệ, Giám đốc lại có thông tin trao đổi trái chiều với Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Đồng Tâm. Theo ông Đệ, xưởng sản xuất của Công ty ông, mới được mua lại và đi vào hoạt động cách đây 2 tháng. Công ty đang làm các thủ tục về lĩnh vực bảo vệ môi trường, với Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương, nhưng chưa được cấp phép hoạt động. Hiện nay, Công ty vẫn đang vừa sản xuất thức ăn chăn nuôi và vừa chờ được phòng, ban chức năng của Sở Tài nguyên & Môi trường phê duyệt.
 
Qua hai xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Đồng Tâm và Công ty Cổ phần dinh dưỡng GOLD FARMS, việc sản xuất của hai Công ty này, hiện đều bỏ qua công tác bảo vệ môi trường của ngành chức năng tỉnh Hải Dương. Hơn thế, theo trả lời của Giám đốc Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Đồng Tâm, thì đã gần chục năm qua, Công ty này sản xuất thức ăn chăn nuôi, việc bảo vệ môi trường đã có người khác lo, trách nhiệm không thuộc về mình.
 
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu tất cả các đơn vị thuê nhà xưởng của Công ty TNHH Dệt may Quang Lan, có được thế lực nào đứng ra “bảo kê”? Mà nhiều năm, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, không được cấp phép của ngành tài nguyên & môi trường, vẫn tồn tại “hành” dân, khi người dân thường xuyên phản ánh, kiến nghị, đều bị rơi vào quên lãng và không hề bị xử lý? Công ty TNHH Dệt may Quang Lan, không hoạt động theo ngành nghề đăng ký, đang “xẻ thịt” đất thuê của Nhà nước “tiếp tay” cho hoạt động sản xuất trái phép “đầu độc” môi trường, giờ lại tiếp tục mở rộng thêm nhà xưởng, với mục đích cho thuê. Việc làm coi thường pháp luật như vậy, sao “nghiễm nhiên” bất chấp kiến nghị của người dân, mà không bị các cơ quan chức năng, chính quyền vào cuộc…?
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cẩm Giàng (Hải Dương): Người dân thôn Bễ “ngộp thở” vì ô nhiễm" - Bài 2: Các cơ sở sản xuất có được “bảo kê”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO