Chấp nhận…ô nhiễm
“Đã chịu cảnh này nhiều năm rồi, chúng tôi không thể quen được tiếng ồn, tuổi già cần sự tĩnh mịch, nghỉ ngơi nhưng biết làm sao được khi cả làng làm nghề, sống chủ yếu dựa vào nghề thủ công mỹ nghệ. Chính con trai tôi cũng mở xưởng ngay ngay sát vách” – ông Tân thở dài. Nghề thủ công mỹ nghệ là nguồn thu chính của các hộ gia đình trong làng vì hiện đa số người dân đã bỏ hẳn làm nông nghiệp. Thu nhập thấp nhất của người làm thuê ở những công đoạn đơn giản cũng từ 6 – 7 triệu đồng/tháng, thợ bậc cao thì từ 30 – 50 triệu đồng/tháng. Công việc ổn định, hàng hóa tiêu thụ nhiều nên làng có đến 99% hộ gia đình làm nghề, nhà nào cũng có công xưởng tại gia (chỉ trừ gia đình là cán bộ công chức Nhà nước). Làng nghề trước đây làm thủ công, chỉ có một số hộ gia đình nhưng ngày một phát triển, cơ giới hóa được đưa vào sản xuất nên suốt ngày làng như một đại công trường, với đủ các loại âm thanh. Các hộ làm nghề đa số phát triển tự phát nên bụi bặm, mùi cưa và các chất tẩy rửa gỗ bay tứa tung, chảy tràn lan ra đường. Mọi người trong làng đều biết rõ là tác hại, ảnh hưởng đến môi trường nhưng vì thu nhập cao, giải quyết công ăn việc làm. Cả làng đều có người làm nghề, nhà không làm thì có người thân trong gia đình, như: anh em ruột, con cháu… nên mọi người sinh sống trên địa bàn đành chấp nhận sống chung cùng tiếng ồn và bụi bặm, khó thở bởi các mùi thải ra từ các xưởng mộc.
Người dân thôn Đông Giao hàng ngày chịu hậu quả từ nước thải ứ đọng của các hộ làm nghề do không có rãnh thoát |
Ai đến cũng nói người dân làng nghề Bến Đông Giao sướng bởi thu nhập cao, xây nhiều nhà cửa khang trang, có việc làm thường xuyên ngay tại nhà. Nhưng ở đây chúng tôi là người rõ hơn ai hết, nỗi lo sợ nhiều hơn là vui mừng – Trưởng thôn, Phạm Văn Khỏe nói và chứng minh cho chúng tôi thấy bằng việc dẫn ra con sông Đồng Vương gần nhà ông nay trở thành bãi rác “khổng lồ” của các gia đình làm nghề đổ xuống ngày một nhiều. Bởi thôn không có bãi đổ rác nên dòng sông nơi đây trở thành sông chết, oằn mình gánh hậu quả.
Bế tắc
Tiếp tục hành trình tìm hiểu làng nghề thủ công mỹ nghệ của xã Lương Điền, chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Xuân Cửu, Trưởng thôn Đông Giao. Thay vì nói đến ô nhiễm của làng nghề có 720 hộ và 2.900 nhân khẩu (gấp gần 7 lần thôn Bến Đông Giao), ông Cửu dẫn chúng tôi đi vòng quanh làng xem các rãnh thoát nước, chất thải từ các nhà làm nghề chảy ra đặc quánh, bốc mùi hôi thối, nồng nặc… Trong thôn chỗ nào nước cũng bị ô nhiễm trầm trọng, các ao hồ bị lấp làm nhà, còn lại thì trở thành ao chứa nước và rác thải – ông Cửu bức xúc nói. Làng đất chật, các hộ ở sát nhà nhau nếu chỉ một vài nhà làm nghề thì dễ nhưng gần như cả làng đều làm nên chúng tôi mong mỏi được các cấp quan tâm, quy hoạch làng nghề xa khu dân cư, để mọi người không phải hàng ngày sống trong ô nhiễm. Ảnh hưởng nặng nhất tác động đến môi trường là sản phẩm thủ công mỹ nghệ khi phun dầu PU, các xưởng phun đều làm không đúng theo quy trình, khi đi đường mọi người hít vào mùi dầu thì chóng mặt, nhức đầu. Làng Đông Giao trong những năm qua có gần 20 người chết vì bệnh u thư và mùa nắng nóng trẻ em thường xuyên nhập viện vì bệnh hô hấp, nguyên nhân có phải do tác động của làng nghề hay không chưa được xác định rõ, nhưng là nỗi lo của người dân nơi đây. Hàng ngày, các gia đình đang phải dùng nguồn nước ngầm từ giếng khoan, trong khi đó môi trường nước thải, rác thải và dầu quyện vào ngấm xuống lòng đất. Nếu cứ sống mãi cảnh làng nghề thế này, chúng tôi chắc “chết hết”, ông Cửu nói khi chúng tôi dời làng Đông Giao lên làm việc UBND xã Lương Điền.
Ông Nguyễn Đình Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Điềncho biết, xã đã nhiều lần báo cáo các cấp có thẩm quyền và các đoàn kiểm tra ban, ngành của huyện, tỉnh về nhiều lần nhưng đến nay thì việc quy hoạch làng nghề vẫn “bế tắc”.
Thời gian qua, xã mới được quy hoạch 9 lô đất cho dân thuê để mở xưởng làm nghề ở xa khu dân cư, nhưng không phải hộ gia đình nào làm nghề cũng thuê được đất vì chủ yếu vẫn các hộ làm nhỏ lẻ, không có điều kiện kinh tế... nên 9 lô đất quy hoạch cho thôn Đông Giao thì mới có 6 lô được hộ gia đình thuê làm xưởng. Xã rất mong muốn làng nghề được quy hoạch quy củ xa khu dân cư, có tổ chức chỉ đạo tổ chức chặt chẽ nhưng với việc này “lực bất tòng tâm” chỉ khi có sự chung tay, góp sức của cấp có thẩm quyền, người dân. Còn giờ đây, các làng nghề của xã bao giờ hết ô nhiễm vẫn là bài toán chưa có lời giải và trên 3.000 con người của 2 thôn hàng ngày vẫn phải sống môi trường độc hại, họ đều biết rõ nhưng đang chấp nhận vì miếng cơm, manh áo…
Bài và ảnh: Hoàng Linh