Cải thiện chất lượng không khí Hà Nội: Giải quyết bài bản, tận gốc từng “căn nguyên”

Tuyết Chinh| 09/03/2020 17:38

(TN&MT) - TP Hà Nội đang giải quyết đồng bộ từng vấn đề từ xử lý chất thải, đốt rác thải đến kiểm soát chất thải ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề… để cải thiện chất lượng không khí.

“Nhũng nhiễu” thông tin tình hình ô nhiễm không khí

Theo Chi Cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), hiện đơn vị đang quản lý 11 trạm quan trắc môi trường tự động. Hai trạm cố định đặt tại phố Trung Yên 3 và phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm), quan trắc 6 thông số ô nhiễm là PM10, PM2.5, NO2/NO/NOx, CO, SO2 và O3.

9 trạm còn lại lắp đặt tại khu vực Hàng Đậu, Hoàn Kiếm, Kim Liên, Mỹ Đình, Phạm Văn Đồng, Thành Công, Tân Mai, Tây Mỗ và Đại sứ quán Pháp, quan trắc 4 thông số ô nhiễm PM10, PM2.5, CO, NO2 và thông số khí tượng. Đây chủ yếu là các trạm quan trắc nhỏ (sensor), sử dụng pin năng lượng mặt trời.

Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hà Nội

Ngoài ra, ứng dụng đo chất lượng không khí AirVisual cũng thông tin về chỉ số môi trường Hà Nội, với dữ liệu được đơn vị này công bố là “thu thập từ 14 trạm kiểm soát không khí”, gồm 10 trạm thuộc chính phủ. Đó là mạng lưới quản lý chất lượng không khí Hà Nội, Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Các tổ chức phi chính phủ gồm ba đối tác của AirVisual (AirVisual Contributors) trong đó có một tổ đối tác do Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) vận hành.

Trước những thông tin khác nhau về tình hình ô nhiễm không khí trên địa bàn Thủ đô, ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (BVMT) Hà Nội cho biết, Chi cục là đơn vị duy nhất ở thủ đô vận hành 10 trạm quan trắc không khí đã hoạt động ổn định từ năm 2017, trong đó có 2 trạm cố định đạt quy chuẩn chất lượng.

Giải thích lý do vì sao có sự chênh lệch trong việc đánh giá tình hình ô nhiễm không khí giữa Đại sứ quán Mỹ và cơ quan môi trường của Thành phố, ông Thái cho rằng, cấu hình trạm quan trắc của họ là cảm biến, độ phản ánh trung thực không thể như trạm cố định. Chưa kể, trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ luôn đặt ở vị trí điểm ngầm, nơi tập trung các công trình xây dựng và giao thông.

Hơn nữa, chỉ số chất lượng không khí của họ áp dụng theo tiêu chuẩn AQI của Mỹ nên rất cao. Trong khi, chúng ta đang áp dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam. Do vậy luôn có sự chênh lệch trong chỉ số chất lượng không khí.

“Cùng một thông tin về chỉ số chất lượng không khí, QCVN chỉ ra là chất lượng ở mức trung bình nhưng AQI của Mỹ lại cho thấy ở mức xấu, điều này sẽ gây nhũng nhiễu thông tin”, ông Thái nói và khẳng định, cơ quan phát ngôn về chỉ số chất lượng không khí ở Việt Nam chỉ có Tổng cục Môi trường và sở TN&MT ở các tỉnh, thành phố.

Các tỉnh thành sau đó được đầu tư theo dự án để lắp đặt các trạm quan trắc mới có được số liệu phản ánh trung thực hàng ngày, hàng giờ. Đến nay, trên các tỉnh thành chưa có trạm quan trắc tự động nên họ lại lấy thụ động.

Những ngày trời nhiều sương mù, nồm ẩm, chỉ số chất lượng không khí Hà Nội luôn ở mức cao. Ảnh minh họa

Theo Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hà Nội, chất lượng không khí phản ánh qua hệ thống quan trắc phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến chất lượng không khí. “Những ngày trời nhiều sương mù, nồm ẩm, chất thải không khuếch tán được chỉ số chất lượng không khí quan trắc luôn ở mức cao. Nhưng nếu hôm sau trời nắng, không khí khuếch tán được thì chỉ số về mức trung bình ngay”, ông Thái dẫn chứng.

Giải quyết bài bản, tận gốc từng “căn nguyên”

Hiện nay, TP Hà Nội đã tổng hợp tất cả các nguồn thải để đưa ra những giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng ô nhiễm từ hoạt động sinh hoạt con người, giao thông, kinh doanh sản xuất… Cụ thể, thành phố thực hiện xóa bỏ bếp than tổ ong vì đây là bếp cấp thấp, tạo ra khí thải CO; hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường; tất cả công trình xây dựng, công trình lát đá vỉa hè sinh ra bụi đều phải đảm bảo được che chắn, tưới nước; nâng cấp tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phương tiện giao thông…

Theo ông Thái, nếu như châu Âu đang áp dụng tiêu chuẩn EURO 5, EURO 6 đối với khí thải phương tiện giao thông, thì ít nhất chúng ta cũng phải áp dụng EURO 4 mới cải thiện được chất lượng không khí. Đó là lý do vì sao Hà Nội phải đưa ra quyết sách giảm thiểu phương tiện cá nhân và tăng cường sử dụng phương tiện công cộng khi các phương tiện này đều là những xe đã đạt tiêu chuẩn nhiên liệu sạch, không còn chuyện phát thải gây ô nhiễm.

Ông Thái khẳng định, Hà Nội đang làm đồng bộ các giải pháp để khắc phục tất cả vấn đề từ xử lý chất thải, đốt rác thải đến kiểm soát chất thải khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề… để cải thiện chất lượng không khí. Chẳng hạn như, sau khi sử dụng tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm cho thấy, chỉ số chất lượng các ngày giao thông hoạt động đều cao hơn, ô nhiễm hơn so với cuối tuần dành cho phố đi bộ.

Rõ ràng, giữa vấn đề đánh giá chất lượng môi trường không khí và để giải quyết một cách bài bản, tận gốc các vấn đề thì chúng ta phải xác định đối với từng vấn đề. Với những vấn đề khách quan, chúng ta cố gắng hạn chế từ các nguyên nhân chủ quan do tác động sinh hoạt của con người gây ra. Nếu hạn chế được, khi có diễn biến xấu do thời tiết, khí hậu thì chất lượng không khí cũng sẽ dần được nâng lên.

Với tất cả nguồn đang phát thải phải yêu cầu cải thiện về công nghệ và xử lý, nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Đơn cử, chúng ta đốt rác thải bằng công nghệ hiện đại tiên tiến sẽ không phát thải ô nhiễm môi trường.

“Tất cả bộ máy quản lý của nhà nước, chính quyền vào cuộc; các tổ chức, mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ, đoàn thanh niên vào cuộc, đồng bộ, nâng cao nhận thức cho người dân. Không ai khác chính người dân phải có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cuộc sống của bản thân mình”, ông Thái nhấn mạnh.

Hệ thống quan trắc của Hà Nội thu mẫu khí, phân tích chỉ số, định kỳ 5 phút một lần gửi dữ liệu về trung tâm điều hành của Sở Tài nguyên Môi trường và công khai trên cổng thông tin có tên miền moitruongthudo.vn.
Hệ thống quan trắc đã cập nhật cho chúng ta biết là tại sao ô nhiễm, ô nhiễm từ cái gì, phân tích sâu từng chỉ tiêu ô nhiễm từ những thông số cơ bản như PM10, PM2.5, CO, SO2… trên cơ sở đó mới đưa ra được những giải pháp cụ thể và giải quyết được tình trạng ô nhiễm không khí.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện chất lượng không khí Hà Nội: Giải quyết bài bản, tận gốc từng “căn nguyên”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO