Nhiều chuyển biến
Quán triệt theo phương châm hành động của Chính phủ năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, ngay từ đầu năm, Bộ TN&MT đặt quyết tâm cao trong CCHC, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, tháo gỡ rào cản để đưa nguồn lực tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Bộ TN&MT đã xây dựng Chương trình hành động của ngành TN&MT thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Bộ đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ ngành TN&MT đề ra trong năm 2021. Bộ TN&MT đã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác CCHC theo các kế hoạch, nhiệm vụ đã đề ra. Lãnh đạo Bộ đã tổ chức làm việc với từng lĩnh vực, từng đơn vị để chỉ đạo việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cho giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, trong đó có các nhiệm vụ về CCHC.
Trên cơ sở đó, quý I/2021, Bộ đã tập trung xây dựng Dự thảo các Văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tổ chức tổng kết việc thi hành Luật Đất đai năm 2013; phối hợp thực hiện tổng kết các Nghị quyết của Trung ương: Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 19-TW ngày 31/12/2012 Hội nghị Trung ương 6 khóa 11 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 20 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Bộ đã tiến hành rà soát, công bố Danh mục Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần từ năm 2020 thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ, trong đó, 83 Văn bản quy phạm pháp luật ngưng hiệu lực toàn bộ, 4 Văn bản quy phạm pháp luật ngưng hiệu lực một phần. Đồng thời, Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật về TN&MT năm 2021.
Tiếp nhận hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai. Ảnh: MH |
Hiện đại hóa nền hành chính
Bộ TN&MT cũng như toàn ngành TN&MT được Nhà nước giao quản lý nhiều lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm là đất đai; tài nguyên nước; địa chất khoáng sản; môi trường; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo. Khối lượng thông tin, dữ liệu của ngành quản lý rất lớn, đa dạng và phức tạp. Đa số các lĩnh vực quản lý của ngành đều liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.
Bộ xác định xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông vừa là mục tiêu vừa là phương tiện đáp ứng thách thức và nhu cầu phát triển của ngành TN&MT. Nhờ đó, hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT của ngành TN&MT từng bước đi vào hoạt động bài bản, có lộ trình định hướng phát triển thống nhất trong toàn ngành.
Thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, Bộ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số của ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển Chính phủ số năm 2021 và Danh mục mã định danh điện tử các đơn vị thuộc Bộ phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương và hệ thống thông tin nội bộ.
Triển khai 11 thủ tục thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, tiếp tục kết nối, vận hành chính thức 3 thủ tục mới bổ sung năm 2020 liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Nâng cấp Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ (https://dichvucong.monre.gov.vn), triển khai 54 dịch vụ công mức độ 4, đạt tỷ lệ 50,5%.
Tổng số hồ sơ TTHC Bộ đã tiếp nhận là 1.252 hồ sơ (trực tuyến 474 hồ sơ, trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính 778 hồ sơ); hồ sơ từ kỳ trước chuyển qua 1.434 hồ sơ. Số lượng hồ sơ đã giải quyết là 1.633 hồ sơ. Số lượng hồ sơ đang giải quyết là 1.053 hồ sơ.
Cùng với đó, Bộ nhận được 784 lượt đơn thư (tương ứng với 388 vụ việc), trong đó: 745 đơn thuộc lĩnh vực đất đai, 16 đơn thuộc lĩnh vực môi trường và 13 đơn thuộc lĩnh vực khoáng sản. Trong 784 đơn Bộ nhận được có 396 đơn trùng, không đủ điều kiện; số đơn thư phải xử lý là 388 vụ việc, có 3 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao; 6 vụ việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của Bộ; 5 vụ việc địa phương đã giải quyết hết thẩm quyền; 374 vụ việc đang thuộc thẩm quyền.
Quý I/2021, đường dây nóng của Bộ quản lý đã tiếp nhận 45 thông tin của người dân, đã phát hành 4 công văn yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định; đối với 41 thông tin có nội dung liên quan đến khiếu nại, kiến nghị, hỏi đáp đã được cán bộ tiếp nhận, hướng dẫn trực tiếp cho công dân.