PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013 ở tỉnh Nghệ An?
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu:
Từ khi Luật Đất đai 2013 ban hành và có hiệu lực, tỉnh Nghệ An đã chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến Luật và hướng dẫn thi hành Luật sâu rộng, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân trên địa bàn tỉnh về chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai; tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng đất.
Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được đánh giá là công cụ quan trọng trong quản lý Nhà nước về đất đai. Do đó, tỉnh Nghệ An luôn tập trung chỉ đạo thực hiện để từng bước đi vào nền nếp, tạo sự chủ động và giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai và quyền sử dụng đất của người dân.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. |
PV: Việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai được địa phương quán triệt thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu:
Ở thời kỳ nào, Luật Đất đai cũng luôn có tác động lớn đến đời sống của người dân. Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đất đai, tỉnh Nghệ An đã phân cấp thực hiện các quy định trình tự, thủ tục hành chính về đất đai gắn với trách nhiệm giải quyết của từng cấp chính quyền địa phương. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính được đơn giản hóa nhưng nằm trong khuôn khổ của pháp luật, đảm bảo khoa học, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục phù hợp, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Về công tác cấp đất, tỉnh thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai muộn nhất cả nước. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và cách làm khoa học nên vấn đề cấp đất của tỉnh nhà đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, có một điểm mới trong công tác cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tập trung vào một mối là Văn phòng Đăng ký đất đai - nơi tập trung các cán bộ có chuyên môn tốt, sâu về lĩnh vực này. Hiện nay, tỉnh Nghệ An đã và đang tiến tới cải cách thêm một bước nữa là ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện, thành, thị trong công tác cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tất nhiên, bước này phải hết sức thận trọng, chặt chẽ.
Qua hơn 7 năm thực hiện các quy định của Luật Đất đai 2013 và các chỉ đạo của tỉnh Nghệ An, các địa phương của tỉnh đã chủ động thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đất đai. Chính sách, pháp luật về đất đai đã tác động tích cực đến phát kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Một góc TP. Vinh (Nghệ An). Ảnh: Hoàng Minh. |
Xin nhấn mạnh lại rằng, các chính sách thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về đất đai đã giúp nông nghiệp, nông thôn được nâng cấp hiện đại; kết cấu đô thị, dịch vụ được mở rộng; thị trường bất động sản phát triển, thu hút nhiều dự án lớn tạo điểm nhấn, góp phần thay đổi bộ mặt của địa phương, tạo việc làm, ổn định đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
PV: Vấn đề thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng luôn rất khó khăn, phức tạp, tỉnh có những tồn tại, vướng mắc và kiến nghị gì, thưa ông?
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu:
Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, các quy định về thu hồi đất đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An. Tuy nhiên, qua một thời gian áp dụng các quy định nêu trên vào thực tế cho thấy, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn phát sinh những vướng mắc trên thực tế, cụ thể như sau: Việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số địa phương còn chậm, nhất là các dự án thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng trong giai đoạn thay đổi cơ chế, chính sách.
Giai đoạn 2014 - 2020, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 1.136 dự án với tổng diện tích 11.477,5ha đất đã giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Cụ thể: Các trường hợp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất: Tổng diện tích là 1.531,5ha; Các trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất: Tổng diện tích là 735,9ha; Các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất: Tổng diện tích là 9.704ha.
Việc thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai rất khó khăn, nhất là các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, trong đó các dự án đã nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, nhất là các dự án kinh doanh bất động sản đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Chủ đầu tư, có nhiều trường hợp đủ điều kiện đã chuyển nhượng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân với thời hạn sử dụng đất lâu dài (Luật Đất đai không có quy định đất ở của hộ gia đình, cá nhân phải thu hồi do chậm tiến độ). Mặt khác, một số dự án đã xây dựng được nhiều hạng mục theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, còn một số hạng mục chưa xây dựng trong khi khái niệm chưa đưa đất vào sử dụng không nêu cụ thể thế nào là dự án chưa đưa đất vào sử dụng nên rất khó thu hồi đất các dự án chậm tiến độ thuộc nhóm này.
Trên thực tế, cơ chế thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch để đấu giá, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thông qua hoạt động của Tổ chức Phát triển quỹ đất chưa được tổ chức thực hiện tốt. Một mặt là do các địa phương chưa thực sự quan tâm, mặt khác, quy định của Luật Đất đai về cơ chế này chưa đủ rõ, khó thực hiện vì các trường hợp thu hồi đất tại Điều 62 hầu hết là dự án lớn, trong khi những quỹ đất nhỏ lẻ, xen kẹt trong đô thị, các khu vực lợi thế thương mại lại không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất theo quy định để có thể khai thác được.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!