Cách ly, quản lý F1 là mắt xích quan trọng để ngăn chặn dịch COVID-19

Anh Văn| 17/08/2020 11:28

(TN&MT) - Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh COVID-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch.

Cách ly, quản lý F1 là mắt xích quan trọng để ngăn chặn đường lây truyền virus SARS-CoV-2. Ảnh minh họa

Việc truy vết F1 là yếu tố then chốt, cắt đứt đường lây truyền SARS-CoV-2

Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, kiêm Đội trưởng Đội Điều tra, giám sát dịch, hiện tại COVID-19 chưa có vacine phòng bệnh, cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch COVID-19 là cắt đứt đường lây truyền, để làm được điều đó thì phải cách ly, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus lây lan ra cộng đồng.

Đó là cơ sở cho việc tổ chức cách ly đối với các trường hợp có liên quan đến ca bệnh và liên quan đến ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19. Riêng đối với các trường hợp F1, trong hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng 1 với bệnh nhân COVID-19 hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 cần có sự chú ý đặc biệt hơn.

Việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh COVID-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch. Nếu người được xác định là F1 không được phát hiện và phát hiện nhanh, kịp thời, không được tổ chức cách ly ngay, không may để lọt trong cộng đồng, nguy cơ cao trở thành người bệnh, phát tán virus.

"Chiến lược hiện nay của chúng ta trong chống dịch tại cộng đồng, đó là phát hiện, phát hiện và phát hiện. Cách ly, cách ly và cách ly. Muốn phát hiện sớm không có cách nào khác là phải giám sát và xét nghiệm. Và một trong cách quan trọng để phát hiện được F1 chính là phải truy vết", PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.

Các trường hợp F1 không được tự cách ly tại nhà

PGS.TS Trần Như Dương cho biết, Bộ Y tế yêu cầu cách ly tập trung, bắt buộc đối với F1, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà. Bởi vì, việc cách ly tại nhà là hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát. Chỉ cần người F1 đó lơ là, mất cảnh giác hoặc vi phạm quy định đi ra ngoài (mà lại là trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện) khi đó nguy cơ gieo rắc virus rất lớn, tạo thành lỗ thủng trong hệ thống phòng dịch của chúng ta, có thể lây bệnh ra bên ngoài.

Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, đối với người F1, Bộ Y tế yêu cầu phải cách ly bắt buộc, tại cơ sở cách ly tập trung có sự quản lý theo dõi giám sát của nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tập trung. Chính vì vậy, việc quản lý F1 giữ vai trò rất quan trọng.

Các trường hợp F1 cần hạn chế tối đa việc nói chuyện với người khác tại khu cách ly tập trung

Vẫn theo PGS.TS Trần Như Dương, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn cụ thể, chi tiết về hướng dẫn cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung, trong đó có đối tượng F1. Trong hướng dẫn đã có những quy định rất chi tiết cho từng đối tượng như người quản lý khu tập trung, người cách ly... Việc tổ chức cách ly phải theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng chống lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung.

Việc tuân thủ các quy định trong khu cách ly là rất cần thiết để tránh lây nhiễm chéo bệnh (nếu có) sang nhau. Bộ Y tế đã xây dựng các biện pháp rất chặt chẽ, yêu cầu các cơ sở cách ly tập trung, các nhân viên tại các cơ sở đó, người được cách ly tuân thủ nghiêm túc, sẽ tránh được lây nhiễm chéo bệnh (nếu có). Nếu tuân thủ đúng các quy định, người dân yên tâm là đã đảm bảo được việc phòng chống lây nhiễm bệnh trong khu cách ly, nếu mình thuộc đối tượng phải cách ly tập trung.

Phòng chống việc lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý hay nhân viên ở các khu cách ly đó. Một trong những việc đảm bảo cho sự an toàn tại khu cách ly chính là sự chấp hành nghiêm nội quy của người được cách ly. Đối với người bị cách ly, khi đã vào khu cách ly tập trung, phải ở trong phòng, không gặp gỡ ai, không tụ tập đông người, hạn chế đi ra ngoài, hạn chế tối đa việc nói chuyện với người khác. 

"Tôi cho rằng, trong “cuộc chiến” này cần sự chung sức, đồng lòng của toàn dân mới mong sớm đẩy lùi được dịch bệnh",  PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách ly, quản lý F1 là mắt xích quan trọng để ngăn chặn dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO