Biển đảo

Các huyện đảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý rác thải nhựa đại dương

Minh Thư 15/09/2023 08:21

Chiều 14/9, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương cho các huyện đảo” tại thành phố Đà Nẵng.

Hội thảo dưới sự chủ trì của bà Phạm Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm nhựa WWF Việt Nam cùng đại diện 4 địa phương có biển và 8 huyện đảo. Đây là hoạt động triển khai Dự án do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức thông qua WWF - Việt Nam tài trợ cho Việt Nam với các hoạt động như: Tài trợ hướng dẫn quản lý hiệu quả và giảm lượng tồn đọng rác thải nhựa tại ba khu bảo tồn biển quan trọng Phú Quốc, Cù Lao Chàm và Côn Đảo…tạo động lực, lan tỏa tinh thần, quyết tâm giảm rác thải nhựa đại dương trên toàn bộ các đảo lớn, nhỏ của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Phạm Thu Hằng cho biết “Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được Bộ TN&MT giao cho Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì thực hiện.

anh-2.jpg
Bà Phạm Thu Hằng, Phó Cục Trưởng Cục Biển và Hải đảo phát biểu tại Hội thảo

Mục tiêu của Dự án là góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua các hợp phần quan trọng liên quan đến chính sách, truyền thông, mô hình đô thị giảm nhựa và bảo tồn các khu vực đảo và huyện đảo. Dự án đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm quản lý chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng tại 3 huyện đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm. Qua hơn 2 năm thực hiện, bước đầu ghi nhận một số kết quả tích cực tại các địa bàn. Chính vì vậy, tại Hội thảo này, bà mong muốn các huyện đảo đã làm tốt việc quản lý chất thải rắn nói chung, chất thải nhựa nói riêng chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp cũng như thảo luận về vấn đề quản lý rác thải nhựa đại dương tại các địa bàn của Dự án với các huyện đảo trên cả nước; từ đó đưa ra các sáng kiến để thực hành huyện đảo giảm nhựa trên cả nước, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Tại Hội thảo, đại diện 3 khu bảo tồn biển đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý để có thể hạn chế rác thải nhựa trên đảo, xung quanh đảo; trong đó ý kiến thống nhất là cần phải có quyết tâm chính trị, sự đồng thuận của người dân và có nguồn lực cần thiết để xử lý rác thải, chất thải. Đồng thời, các huyện đảo cũng đề xuất, kiến nghị các giải pháp cơ bản về chính sách, nguồn lực, cách thức truyền thông và các biện pháp xử lý rác thải nhựa nói riêng và chất thải rắn nói chung tại các huyện đảo. Các huyện đảo cũng nhất trí cho rằng, đi đôi với vận động, truyền thông cần có chính sách cứng rắn, có tính chất bắt buộc trong việc hạn chế sử dụng nhựa dùng 1 lần; phân loại tại nguồn; gắn việc hạn chế dùng nhựa một lần với lợi ích trong đời sống, môi trường sinh thái của họ.

anh-3.jpg
Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm nhựa WWF Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Đến với Hội thảo lần này, có một huyện đảo không trong Dự án nhưng cũng đã thực hiện triển khai huyện đảo không rác thải nhựa, đó là huyện đảo Cô Tô. Ông Đặng Quang Ngạn, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ : Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc, lấy cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị làm nòng cốt trong tuyên truyền để Nhân dân biết tác hại của rác thải nhựa, gắn với lợi ích của người dân với du lịch (nghề cho họ thu nhập), từng bước thay đổi hành vi, thói quen trong việc xả thải rác nhựa ra môi trường; từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Qua việc thực hiện các giải pháp để Cô Tô không rác thải nhựa, ông cũng kêu gọi các huyện đảo hãy cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, cùng có tiếng nói chung đề xuất với nhà nước quan tâm hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ môi trường biển, đảo, bảo tồn biển và phát triển đi lên từ biển, đồng thời thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm của địa phương để cùng nhau áp dụng.

anh-1.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết, Dự án đã triển khai được 4 năm với nhiều hiệu quả thiết thực, nhiều kinh nghiệm đã được chia sẻ cho các huyện để kiểm soát các loại rác, bảo tồn đa dạng sinh học biển, hải đảo. Bà cũng thực sự tâm đắc với những huyện đảo quyết tâm thực hiện chương trình đảo không rác thải nhựa từ khi chưa có dự án tài trợ và thực hành từ những việc nhỏ nhất. Tuy nhiên, hiện thực cho thấy, rác đại dương mang về không dễ xử lý, không phải rác thải nào cũng tái chế được, không phải rác thải nhựa nào cũng có thể xử lý bằng đốt nhiệt bởi đã nhiễm mặn. Một khi rác nhựa đã thải ra môi trường, công việc xử lý quá phức tạp, khó khăn. Chính vì vậy, thông qua chương trình này cho thấy, chúng ta phải tính toán đến khả năng tái sử dụng, tuần hoàn nhựa ngay từ khi chọn vật liệu sản xuất, tiêu dùng. Và tốt nhất là giảm đầu vào, giảm thói quen sử dụng nhựa một lần, tiến tới tìm vật liệu thay thế. Đây chính là định hướng lâu dài cho tất cả các huyện đảo trong tương lai, để bảo vệ môi trường sống cho con người và các loài sinh vật biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các huyện đảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý rác thải nhựa đại dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO