Trong nước

Các giải pháp hữu hiệu giảm tải ô nhiễm môi trường lưu vực sông và tại các làng nghề

Theo Quochoi.vn 09/10/2023 17:54

Đóng góp vào Báo cáo thực hiện nhiệm vụ, ngân sách nhà nước về bảo vệ môi trường năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Tạ Đình Thi cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành hữu quan cần quan tâm hơn đến các giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông và tại các làng nghề...

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2023 và dự kiến hiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024.

Đề cập về việc thực hiện nhiệm vụ, ngân sách nhà nước về bảo vệ môi trường năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, trong năm 2023, Bộ đã nghiên cứu, triển khai xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và tổ chức phổ biến, hướng dẫn cho các địa phương. Tổ chức đánh giá sức chịu tải của môi trường nước mặt và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với một số lưu vực sông liên tỉnh; trước mắt tập trung cho 04 lưu vực sông hiện đang là điểm nóng ô nhiễm môi trường nước là Cầu, Nhuệ - Đáy, Vu Gia - Thu Bồn, Đồng Nai. Tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện nhiều giải pháp để xử lý dứt điểm các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường từ làng nghề, cụm công nghiệp; trong năm 2023 tập trung vào xử lý điểm nóng ô nhiễm tại sông Ngũ Huyện Khê, Bắc Hưng Hải.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.

Về quản lý chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là tại các thành phố lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí với nhiều giải pháp cấp bách, quan trọng.

Trong năm 2023, đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Trong đó, Bộ đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Chỉ thị và Quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ; yêu cầu các thành phố có nguy cơ cao ô nhiễm không khí, đặc biệt là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các hoạt động đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp đốt chất thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường; hướng dẫn các hộ dân sử dụng hiệu quả, tận thu tái sử dụng rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thay cho việc đốt ngoài đồng ruộng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Bộ đã có văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải. Ngoài ra, Bộ đã chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn (khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ lớn,…). Duy trì phương thức phối kết hợp giữa Trung ương, địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh.

Hình ảnh ô nhiễm không khí tại một làng nghề (ảnh: báo Tài nguyên và Môi trường).

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hình thành được một phương thức, tư duy quản lý mới các vấn đề môi trường, chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm. Nhiều dự án lớn đã được kiểm soát chặt chẽ về bảo vệ môi trường để đi vào vận hành chính thức, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của địa phương. Hoạt động đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục truyền số liệu trực tiếp về cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã được các địa phương, tổ chức quan tâm, đầu tư mạnh mẽ. Đã xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất sinh thái, thân thiện với môi trường.

Ô nhiễm môi trường lưu vực sông và tại các làng nghề còn là vấn đề nan giải

Đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ, ngân sách nhà nước về bảo vệ môi trường năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản, triển khai nhiều hoạt động để xử lý rác thải nhựa. Tuy nhiên, trong Báo cáo của Chính phủ, chưa có báo cáo đánh giá về việc làm này. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các đơn vị hữu quan cần tiếp tục có sự đánh giá về tình trạng xử lý rác thải nhựa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi.

Ngoài ra, tình hình ô nhiễm môi trường lưu vực sông là vấn đề vẫn còn nan giải. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm mưu trường lưu vực sông lại trở thành vấn đề bức xúc và các giải pháp tháo gỡ còn nhiều bất cập, hạn chế. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri ở một số tỉnh, thành phía Bắc, Nhân dân vẫn còn bức xúc với tình trạng ô nhiễm môi trường sông Nhuệ.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, trong những năm qua, chúng ta đã có những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường lưu vực sông. Ví dụ Thủ tướng Chính phủ đã có những đề án, các Bộ ngành cũng có nhiều việc làm cụ thể.

Thế nhưng, việc chuyển biến thực sự còn rất khó khăn và cần phải có những giải pháp tổng thể nên đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành hữu quan cần có sự bổ sung các giải pháp, đặc biệt là liên quan đến 3 lưu vực sông: sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy và sông Sài Gòn-Đồng Nai.

Đối với ô nhiễm môi trường làng nghề, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nêu quan điểm: Trong lần sửa đổi Luật Thủ đô, nếu chúng ta không có những chính sách đặc thù hay tạo ra sự khác biệt thì việc giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề rất khó khăn. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thủ đô cần chú trọng đến nội dung này.

Ngoài ra, những giải pháp để bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh học, xử lý tồn đọng 1.456 container phế liệu tại cảng biển còn rất khó khăn nên cần có hướng giải quyết sớm./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các giải pháp hữu hiệu giảm tải ô nhiễm môi trường lưu vực sông và tại các làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO