Các địa phương góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT

Tống Minh| 07/07/2021 19:40

(TN&MT) - “Bộ TN&MT cam kết sẽ lắng nghe, cầu thị để nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các địa phương trong quá trình hoàn thiện, trình ban hành dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020”.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khi chủ trì Hội thảo trực tuyến tham vấn các các địa phương khu vực phía Bắc về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), được tổ chức ngày 7/7.

Tại điểm cầu chính của Bộ TN&MT, có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định. Tại 25 điểm cầu khác được đặt tại 25 tỉnh, thành khu vực phía Bắc, có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở TN&MT và các đơn vị liên quan.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Đột phá từ Luật đến Nghị định

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Luật BVMT năm 2020 đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với nhiều nội dung mới, mang tính đột phá. Xuyên suốt nội dung của Luật là các quan điểm bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành; dựa trên cơ sở phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể hóa những điểm mới được đặt ra trong Luật, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT đã được xây dựng với sự nỗ lực của Bộ TN&MT phối hợp với các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học. Đến nay, dự thảo Nghị định gồm 13 Chương, 197 Điều đã được gửi đăng lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ, đồng thời gửi lấy ý kiến chính thức của các Bộ, ngành và địa phương.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại Hội thảo

Giới thiệu về một số nội dung chính của dự thảo Nghị định này, ông Nguyễn Hưng Thịnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, dự thảo Nghị định đã bám sát một số quan điểm, đó là: Bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và Luật BVMT 2020, các văn bản Luật khác có liên quan; thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Dự thảo Nghị định cũng bảo đảm phù hợp với thực tế, tính hợp lý, nâng cao tính minh bạch, tính khả thi và chủ trương cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành. Kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của pháp luật về BVMT hiện hành; bổ sung những quy định mới để khắc phục một cách cơ bản các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế của pháp luật về BVMT hiện hành.

Theo đó, Ban soạn thảo, Tổ biên tập tập trung xây dựng các quy định bảo đảm tính đầy đủ, chi tiết, có tính khả thi để triển khai thi hành Luật BVMT, bảo đảm sự phù hợp và thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan như pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, tài nguyên nước, khoáng sản, đất đai, thuế, phí… góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Dự thảo Nghị định cũng làm rõ các nội dung quản lý, xác định rõ vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT; bảo đảm sự phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý nhà nước về BVMT; tăng cường phân cấp cho địa phương.

Điểm cầu tại tỉnh Hà Nam 

Đưa “hơi thở” của thực tiễn đời sống vào Nghị định

Góp ý vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, đại diện các địa phương chia sẻ, dự thảo Nghị định đã được soạn thảo công phu, chi tiết, bám sát với tinh thần của Luật BVMT 2020. Với việc ban hành Nghị định cùng Thông tư đi kèm, sẽ tạo thuận lợi cho các địa phương khi thi hành Luật BVMT mới.

Các địa phương cũng đồng quan điểm nhất trí về bố cục và các quy định đặt ra trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, để một số quy định sát hơn với tình hình thực tế tại địa phương, các đại biểu từ Hà Nội, Lào Cai, Lạng Sơn, Nam Định…có đề xuất cụ thể về việc làm rõ nội dung các từ ngữ, rà soát, chỉnh sửa các quy định liên quan đến đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, bảo vệ môi trường làng nghề, ứng phó sự cố môi trường, quan trắc môi trường, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí,…

Các địa phương tham gia đóng góp ý kiến tại các điểm cầu

Trân trọng ghi nhận ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá, đây là những góp ý sâu sắc, sát thưc tiễn, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng với tinh thần của Luật BVMT 2020.

“Với khối lượng được hướng dẫn, quy định chi tiết trong Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) rất lớn, nhiều nội dung mới, thay đổi căn bản so với các quy định hiện hành, những ý kiến đóng góp mang hơi thở của thực tiễn cuộc sống từ các địa phương sẽ giúp bảo đảm tính khả thi của các quy định này” – Thứ trưởng bày tỏ.

Với mong muốn như vậy, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị, các địa phương góp ý cả về những vấn đề chung có tính bao quát của một bản Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đến những vấn đề cụ thể, được quy định trong từng điều, khoản của dự thảo Nghị định.

Các địa phương có thể nghiên cứu, góp ý về sự phù hợp, thống nhất, khả thi của các quy định tại dự thảo Nghị định với các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản có liên quan, trong đó tập trung làm rõ các vấn đề như: dự thảo quy định đã đầy đủ căn cứ pháp lý, đã thể hiện được hết nội dung, tinh thần của Luật BVMT 2020 hay chưa? Các nội dung, quy định mới có tính tiên tiến, đột phá của Luật BVMT năm 2020 đã định hình rõ nét trong Nghị định hay chưa, đồng thời có bảo đảm tính khả thi hay không?

Cũng có thể, địa phương tập trung góp ý kỹ hơn đối với các nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương sẽ phải thực hiện sau khi Nghị định được ban hành và có hiệu lực như: đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, phân vùng môi trường, quản lý chất thải, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm quản lý nhà nước…

“Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là phải quy định rõ trách nhiệm của từng nơi, từng cấp; chú trọng đẩy việc phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò quản lý của chính quyền địa phương, cơ sở” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo ở đầu cầu Bộ TN&MT

Đề cập đến việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan ở địa phương để bảo đảm điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật BVMT một cách hiệu quả, Thứ trưởng lưu ý quan điểm lấy vai trò của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường; đưa môi trường thực sự trở thành một trong 3 trụ cột của phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trong ngày 7/7, Bộ TN&MT đã ghi nhận ý kiến của 24/25 địa phương góp ý trực tiếp tại Hội thảo. Bộ TN&MT sẽ tổng hợp để trao đổi, thảo luận, tiếp tục hoàn thiện các quy định của dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, bảo đảm sớm đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống, phù hợp với tâm tư nguyện vọng và lợi ích của quần chúng nhân dân.

Trong 3 ngày (7/7 - 10/7), Bộ TN&MT tổ chức 3 Hội thảo trực tuyến tham vấn các địa phương ở 3 miền Bắc – Trung – Nam về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các đại biểu trao đổi, góp ý một cách tích cực, thẳng thắn, đồng thời đề xuất chỉnh sửa để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các địa phương góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO