Các di sản thế giới: Chìa khóa để đạt mục tiêu ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học
(TN&MT) - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) vừa cho biết một số địa điểm tự nhiên và văn hóa mang tính biểu tượng nhất thế giới cũng là nơi trú ẩn của hàng nghìn loài có nguy cơ tuyệt chủng.
“Tuyến phòng thủ cuối cùng chống lại sự tuyệt chủng”
Theo nghiên cứu mới vừa được UNESCO và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công bố, mặc dù các tài sản được bảo vệ theo Công ước Di sản Thế giới chỉ chiếm chưa đến 1% bề mặt Trái đất nhưng chúng chứa hơn 20% số loài phong phú trên toàn cầu. UNESCO kêu gọi 195 quốc gia tham gia hiệp ước tăng cường nỗ lực bảo tồn chúng trước tình trạng biến đổi khí hậu và nguy cơ mất loài gia tăng, đồng thời đề cử tất cả các khu vực quan trọng còn lại về bảo tồn đa dạng sinh học vào danh sách Di sản Thế giới.
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết: “1.157 địa điểm này không chỉ nổi bật về mặt lịch sử và văn hóa mà còn rất quan trọng trong việc bảo tồn sự đa dạng của sự sống trên Trái đất, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”.
Những địa điểm này còn đóng vai trò là “đài quan sát tự nhiên” quan trọng để nâng cao kiến thức khoa học nhờ tập trung hơn một nửa số loài động vật có vú, chim và san hô cứng trên thế giới. Đây cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng kiến mới về bảo vệ môi trường.
Các di sản thế giới được UNESCO công nhận - từ Rạn san hô Great Barrier ở Úc đến Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc - chứa hơn 75.000 loài thực vật và cây cối, và hơn 30.000 loài động vật có vú, chim, cá, bò sát và lưỡng cư. Ước tính chúng bảo vệ hơn 20.000 loài có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm tới 1/3 tổng số voi, hổ và gấu trúc, và ít nhất 1/10 loài vượn lớn, sư tử và tê giác.
Cơ quan này cho biết đối với một số loài, chẳng hạn như Tê giác Java, Kỳ nhông hồng, Đười ươi Sumatra và Khỉ đột núi, chúng là “tuyến phòng thủ cuối cùng chống lại sự tuyệt chủng”.
Công ước Di sản Thế giới trao mức độ bảo vệ quốc tế cao nhất cho những địa điểm này, được áp dụng trên 167 quốc gia. Công ước Di sản Thế giới năm 1972 cho phép các sáng kiến phối hợp với tất cả các bên liên quan: người dân địa phương, chính quyền quốc gia và khu vực, các tổ chức quốc tế..., dẫn đến nhiều câu chuyện thành công về bảo tồn. Ví dụ, các sáng kiến được thực hiện ở Vườn Quốc gia Kaziranga (Ấn Độ) và Vườn Quốc gia Chitwan (Nepal) kể từ khi được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO vào giữa những năm 1980 đã làm tăng gấp đôi số lượng tê giác một sừng lên khoảng 4.000 con kể từ giữa những năm đó.
Nhân loại và đa dạng sinh học có mối quan hệ mật thiết với nhau
Những lợi ích do đa dạng sinh học mang lại là vô số và tạo thành nền tảng cho mối quan hệ của nhân loại với thiên nhiên. Sự đa dạng của hệ sinh thái trong các Di sản Thế giới được UNESCO công nhận duy trì các dịch vụ môi trường quan trọng cho con người, như bảo vệ tài nguyên nước, cũng như cung cấp việc làm và thu nhập thông qua các hoạt động bền vững.
Các di sản thế giới được UNESCO công nhận cũng là công cụ để tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa thiên nhiên và văn hóa, vì nhiều địa điểm văn hóa, bao gồm cả những địa điểm ở khu vực thành thị cũng có thể bảo vệ đa dạng sinh học quan trọng và là đồng minh trong nỗ lực ngăn chặn sự mất mát thiên nhiên.
Tuy nhiên, nhiệt độ toàn cầu cứ tăng thêm 1°C thì có thể làm tăng gấp đôi số lượng các loài có nguy cơ tuyệt chủng bị đe dọa bởi điều kiện khí hậu nguy hiểm. Trong bối cảnh đó, UNESCO nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng cường các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời cảnh báo không còn nhiều thời gian, cần hành động ngay lập tức. Cơ quan này cho biết: “Với vai trò là những điểm nóng đa dạng sinh học quan trọng, các Di sản Thế giới của UNESCO phải được các quốc gia thành viên của Công ước bảo vệ bằng mọi giá”.
UNESCO khuyến khích các quốc gia thành viên ưu tiên các Di sản Thế giới trong Chiến lược và Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học quốc gia (NBSAP), vì chúng là chìa khóa để đưa Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF) vào hoạt động. Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal nhằm mục đích ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất thiên nhiên thông qua các mục tiêu bao gồm bảo vệ 30% đất đai, khu vực ven biển và vùng nước nội địa của hành tinh vào cuối thập kỷ này.
Nghiên cứu của UNESCO và IUCN là một công cụ bổ sung để người quản lý địa điểm thực hiện các hành động cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu trên.
UNESCO cho biết đến năm 2025, tất cả những người quản lý Di sản Thế giới sẽ được đào tạo về chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và đến năm 2029, tất cả các địa điểm sẽ có kế hoạch thích ứng với khí hậu - như Tổng Giám đốc UNESCO đã công bố vào tháng 11/2022 tại lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước UNESCO).
UNESCO và IUCN đã phối hợp thực hiện nghiên cứu trên, với sự đóng góp của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, Tổ chức Bảo tồn Vườn Bách thảo Quốc tế (BGCI), Trung tâm Phân tích và Tổng hợp Sinh thái Quốc gia (NCEAS), Đại học Arizona và Đại học Connecticut của Mỹ.