Toàn cảnh cuộc họp Giao ban công tác dự báo bão số 6 tại Trung tâm tác nghiệp khí tượng thủy văn (Tổng cục KTTV - Bộ TN&MT) lúc 21h00 tối 10/11. Ảnh: Hoàng Tuyết Chinh |
Theo Tổng cục KTTV về công tác dự báo bão nói chung, đặc biệt là dự báo cường độ bão có sai số khoảng 1-2 cấp trong 24 giờ, còn xa hơn thì sai số lớn hơn, có thể 2-3 cấp. Với các cơn bão đầu mùa hay cuối mùa thì càng khó dự báo, khi đó quỹ đạo và cường độ bão bị chi phối bởi nhiều yếu tố.
Bên cạnh đó, khu vực phía Nam có ít bão hơn so với khu vực phía Bắc nước ta. Bão cuối mùa thường vào khu vực phía Nam nơi cơ sở vật chất không kiên cố nhưng phía Bắc, kinh nghiệm phòng chống bão của người dân và địa phương không nhiều như phía Bắc, do đó mức độ rủi ro tăng cao hơn.
Luật và các văn bản pháp luật của Chính phủ cũng quy định: cùng cấp độ bão nhưng cấp độ rủi ro cho phía Nam sẽ cao hơn ở phía Bắc. Việc phòng chống thiên tai là để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định phát triển kinh tế.
Bão số 6 là cơn bão phức tạp
Tổng cục KTTV cho biết, bão số 6 ngay từ đầu đã được nhận định là cơn bão phức tạp, chịu tương tác của nhiều yếu tố, trong đó có không khí lạnh và 3 cơn bão khác trên dải hội tụ nhiệt đới cùng hoạt động trong một thời điểm.
Các dự báo của Tổng cục KTTV khá sát với diễn biến của bão số 6, cụ thể về quỹ đạo bão số 6 có giai đoạn hướng về phía Philippine, rồi quay lại, đạt cường độ mạnh nhất trên khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa và suy yếu trước khi đổ bộ.
Bão số 6 đã đạt tới cấp bão rất mạnh (cấp 12) và là cơn bão mạnh nhất trong năm 2019 tính đến thời điểm hiện tại và đã gây ra gió mạnh và sóng rất lớn trên các vùng biển nước ta.
Ngoài ra, các đánh giá về về cường độ của bão số 6 của Việt Nam cũng sát thực tế hơn so với các Trung tâm Dự báo bão trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc nhờ vào các số liệu quan trắc trực tiếp từ radar và các trạm quan trắc ven bờ.
Khi bão số 6 còn cách đất liền 410km về phía Đông, bản tin của Tổng cục KTTV đã nhận định bão sẽ ảnh hưởng và gây ra gió mạnh cấp 8-9 cho khu vực các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, trong khi các Trung tâm dự báo bão nước ngoài nhận định cao hơn Việt Nam khoảng 1 cấp (Nhật, Hồng Kong) và 2 cấp (Trung Quốc) hoặc tương đương (Hoa Kỳ).
Vào đêm ngày 10/11, khi bản tin dựa trên các số liệu quan trắc gió của Việt Nam xác định bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới thì các Trung tâm vẫn cho là bão mạnh cấp 8 (Hồng Kong, Nhật Bản) và cấp 9 (Hoa Kỳ, Trung Quốc)…
Đôi nét về việc đặt tên bão Theo Tổng cục KTTV, việc đặt tên cho bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông được Tổ chức khí tượng thế giới ủy quyền cho Trung tâm Dự báo bão khu vực Châu Á Thái Bình Dương đặt tại Tokyo, Nhật Bản. Tuy nhiên, nhận định tên bão của Việt Nam ít được lựa chọn là không chính xác vì việc đặt tên theo thứ tự, lần lượt theo tên nước, đầu tiên là Campuchia (vần C, rồi đến Trung Quốc (China - vần C) và cuối cùng là Việt Nam. Do đó số lượng bão được đặt tên theo Campuchia hay Việt Nam thì đều như nhau. Gần đây nhất tên bão của Việt Nam được dùng để đặt là siêu bão Ha Long (cơn bão thứ 23 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương năm 2019, hình thành ngay trước cơn bão Nakri – cơn bão số 6, là một tên bão của Campuchia). Trước đó, đầu tháng 8/2019, tên bão Lekima của Việt Nam cũng đã được dùng để đặt cho cơn bão đổ vào phía đông Trung Quốc. |