Cá thể gấu hiện nặng khoảng 100kg do gia đình ông Ngô Thành Quí mua về nuôi từ khi còn nhỏ. Năm 2005, gấu đã được gắn chíp và đăng ký quản lý với cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình khảo sát để tiếp nhận, cá thể gấu được nhận định là trông khá khỏe mạnh và không có dấu hiệu của việc bị trích hút mật trong những năm gần đây. Do không có thời gian chăm sóc, gia đình ông Quí có nguyện vọng chuyển giao gấu đến một trung tâm cứu hộ có điều kiện tốt để chăm sóc cá thể gấu đến hết đời.
Anh Ngô Thanh Tuấn, con trai ông Quí cho biết: “Gia đình ban đầu nuôi là để lấy mật vì cũng nghe người ta đồn mật gấu tốt. Nhưng sau đó gia đình cũng tìm hiểu thì thấy mật gấu cũng không thực sự tốt như thế nên chỉ nuôi vậy thôi. Giờ thấy gấu cứ đi ra đi vào như vậy tội nghiệp quá nên muốn chuyển giao để nó có môi trường sống tốt hơn.”
“Đây là cá thể gấu thứ tư trung tâm tiếp nhận sau khi đi vào hoạt động từ tháng 11/2017”. Bà Ngô Thị Mai Hương- Giám đốcTrung tâm Four Paws Viet, cho biết thêm: “Việc chuyển giao gấu lần này diễn ra tương đối thuận lợi vì gia đình chủ động bày tỏ nguyện vọng chuyển giao gấu đến Trung tâm. Cá thể gấu có sức khoẻ khá tốt, vẫn còn lanh lợi. Theo quy trình, sắp tới cá thể gấu sẽ được chăm sóc trong khu cách ly, và sau khi đảm bảo các yếu tố về sức khoẻ thì sẽ được thả ra khu bán hoang dã”.
Bà Bùi Thị Hà- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vui mừng chia sẻ: “ENV hoan nghênh hành động tự nguyện chuyển giao gấu của các chủ nuôi nhốt gấu. Chúng tôi mong rằng trong năm 2018, những tấm gương như ông Quí sẽ ngàycàng được nhân rộng để Việt Nam tiến gần hơn đến đích của chặng đường không còn gấu nuôi nhốt”.
Đây là trường hợp tự nguyện chuyển giao gấu đầu tiên trong năm 2018. Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong năm 2017, tổng cộng có 33 cá thể gấu đã được tịch thu hoặc tự nguyện chuyển giao đến các trung tâm cứu hộ trong cả nước.