Cá ở Gia Lai chết bất thường nghi do nhà máy mỳ ở Kon Tum gây ra

12/04/2019 18:23

(TN&MT) - Theo phản ánh của người dân xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai), từ sau Tết Nguyên đán, sông Sa Thầy đoạn qua gần Đồn Biên phòng 713 cũ, cách Công ty TNHH MTV nông nghiệp Ia H'Drai (đóng tại xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum, doanh nghiệp chuyên chế biến tinh bột mì) khoảng 3km có nhiều cá chết, nước bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối, làm dân rất bức xúc.

Ảnh cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đến hiện trường lấy mẫu nước đi kiểm tra (1)
Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đến hiện trường lấy mẫu nước đi kiểm tra

Một trong những người từng phát hiện đoạn sông bị ô nhiễm, ông Ksor Phụ - cán bộ địa chính xã Ia O cho rằng, từ sau tết, ông đến đây đánh cá thì phát hiện nước bị đục, bốc mùi hôi thối nồng nặc, trong khi trước đó, lúc nhà máy chưa hoạt động thì không thấy tình trạng này. Cũng chính vì mùi hôi thối làm cá giữa dòng phải dạt vào bờ để thở. Người dân thấy thế liền vào bờ bắt cá rất dễ dàng. Ngoài ra, khi lặn xuống sông, mùi hôi càng nặng nên không ai dám uống, vả lại khi tắm, chất nhờn trong nước bám đầy người, thậm chí còn ngửi được mùi mì. "Tôi cho rằng ở thượng nguồn chỉ có một nhà máy chế biến mì nên tin rằng nguyên nhân ô nhiễm là do nước thải của nó", ông Phụ nói.

Ngày 3/4/2019, Cơ quan chức năng huyện Ia Grai đã sang đoạn sông Sa Thầy thuộc xã Ia Tơi, nằm dưới hạ du Công ty TNHH MTV nông nghiệp Ia Hdrai khoảng 3km để lấy mẫu nước kiểm tra. Tại đây, cơ quan chức năng đã lấy các mẫu nước ngay sát đập tràn để mang đi giám định.

Ảnh cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đến hiện trường lấy mẫu nước đi kiểm tra (2)
Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đến hiện trường lấy mẫu nước đi kiểm tra

Theo ông Phan Trung Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, sông Sa Thầy, sẽ đổ về sông Sê San và chảy qua làng Bi (xã Ia O) nên nếu nó ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân hạ du. “Bằng mắt thường chưa thể đánh giá được mức độ ô nhiễm nên phải lấy mẫu nước gửi lên Sở KH&CN để giám định 12 chỉ tiêu nhằm xác định mức độ ô nhiễm, sau đó khi có kết quả sẽ có hướng xử lý tiếp theo. Nếu đúng nhà máy này gây ô nhiễm thì chính quyền sẽ có văn bản đề nghị đình chỉ hoạt động nhà máy. Ngoài ra, huyện cũng sẽ đề nghị tỉnh bạn khi cấp phép những dự án đầu tư cần xem xét thận trọng để đánh mức độ gây ô nhiễm cho dòng sông cũng như khu vực hạ du”, ông Tường nói.

Còn theo ông Dương Mah Tiệp - Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, lòng hồ Sê San 3A và Sê San 4 nếu ô nhiễm thì ảnh hưởng đến cả 2 huyện Ia H'drai và Ia Grai vì nó chảy qua 2 địa phương này. Riêng huyện Ia Grai, ở 2 lòng hồ này, huyện đang kêu gọi thu hút du lịch và phát triển kinh tế, an sinh cho khu vực. Hiện nơi đây đã có dự án cấp tỉnh về triển khai du lịch. Trên địa bàn, từng có một số đơn vị xin mua đất cà phê cạnh sông suối để triển khai dự án làm cồn Etanol từ mì nhưng huyện thận trọng từ chối vì lo sợ công nghệ không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Ngày 5/4/2019, Chánh văn phòng UBND tỉnh Kon Tum Đặng Quang Hà ký công văn khẩn số 736/UBND-NNTN gửi Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Y tế yêu cầu kiểm tra thông tin phản ánh ô nhiễm môi trường. Theo công văn này, trên địa bàn huyện Ia H'Drai, sau khi nhà máy chế biến tinh bột mì đi vào hoạt động sản xuất thì xuất hiện tình trạng cá chết, nước đục, bốc mùi trên sông Sa Thầy thuộc xã Ia Tơi, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng hạ du.

Ảnh Công văn khẩn của UBND tỉnh Kon Tum
Công văn khẩn của UBND tỉnh Kon Tum

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Y tế và các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin phản ánh; xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên nước... gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Các cơ quan trên cần có giải pháp, biện pháp khắc phục, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường (nếu có), phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe đời sống cộng đồng dân cư trong khu vực. Báo để các đơn vị, địa phương biết, thực hiện; báo cáo kết quả về UBND tỉnh Kon Tum trước ngày 15/4/2019.

Trước thông tin trên, một cán bộ huyện Ia Grai cho rằng đây là một động thái hết sức “tích cực”. Theo vị này, việc cấp phép xả thải của nhà máy này là do UBND tỉnh Kon Tum ký, số liệu cũng do UBND tỉnh kiểm tra định kỳ. Vì thế, để đảm bảo khách quan thì quá trình kiểm tra nên có sự phối hợp với cả ngành tài nguyên môi trường tỉnh Gia Lai để 2 bên cùng phối hợp lấy 2 mẫu khác nhau rồi mang đi phân tích 2 nơi cho khách quan. Hiện, Phòng TN&MT huyện Ia Grai cũng đang tổng hợp để làm báo cáo thông tin kiểm tra ban đầu về nhà máy mì đóng ở xã Ia Tơi bị tố gây ô nhiễm làm cá chết lên cơ quan chức năng tỉnh.
 

Cũng tại công văn số 736, người dân xã Măng Cành và xã Đak Long (huyện Kon Plông) phản ánh về tình trạng ruồi xuất hiện dày đặc khắp nhà nhất là tại khu vực thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành). Người dân cho rằng mùi hôi và nhiều ruồi là do ảnh hưởng từ trang trại nuôi dê trên địa bàn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cá ở Gia Lai chết bất thường nghi do nhà máy mỳ ở Kon Tum gây ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO