Sạt lở bờ biển bủa vây
Cà Mau là một tỉnh thuộc vùng ĐBSCL có 3 mặt tiếp giáp với biển, chịu tác động rất mạnh bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, dễ bị tổn thương trước diễn biến cực đoan của thời tiết. Cùng với đó, các loại thiên tai xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc hơn, diễn biến khó lường hơn. Đặc biệt, tình trạng xói lở bờ biển diễn biến rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, làm mất hàng ngàn ha đất, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có 254km bờ biển và trên 10.000km bờ sông. Qua rà soát, toàn tỉnh có tổng chiều dài sạt lở bờ biển ở mức độ nguy hiểm trở lên là 105km, trong đó, sạt lở rất nguy hiểm là 65km. Cụ thể, bờ biển Tây bị xói lở có chiều dài khoảng 57km, gồm 3 đoạn: đoạn Tiểu Dừa đến Ba Tỉnh chiều dài 25.000m; đoạn Ba Tỉnh đến Mũi Tràm chiều dài 17km; đoạn từ Sồn Đốc đến Cửa Bảy Háp chiều dài 15km.
Đặc biệt, có 3 vị trí xói lở rất nguy hiểm, với tổng chiều dài 7,8km, gồm: đoạn từ Vàm Sào Lưới đến Kênh Mới + 500, vị trí xói lở, chiều dài khoảng 3,7km; đoạn Bờ Bắc vàm Tiểu Dừa đến Hương Mai có 02 vị trí xói lở, chiều dài 3,3km; đoạn từ Vàm Cống T29 hướng về Khánh Hội, chiều dài khoảng 800m. Bên cạnh đó, dưới tác động của gió mùa hoạt động mạnh cộng với triều cường dâng cao, bờ biển Tây đang bị đe dọa trực diện, vành đai rừng phòng hộ không còn, một phần đê biển Tây với chiều dài 1,4km có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Riêng đối với bờ biển Đông, tình trạng xói lở đang diễn ra với chiều dài khoảng 48km, trong đó sạt lở rất nguy hiểm tổng chiều dài 29,5km; có nhiều đoạn xói lở ăn sâu vào phía trong, làm mất đất rừng phòng hộ từ 80 đến 100m, chiều dài 18,3km, gồm: đoạn Hố Gùi xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn (chiều dài 3km); đoạn Vàm Xoáy xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (dài 5km); đoạn thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (dài 6,3km); đoạn Hóc Năng xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (dài 4km); đoạn từ cửa biển Khai Long đến Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (dài 5km).
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn trên 37km bờ biển, trong đó, biển Đông dài hơn 15,5km, biển Tây dài 21,6km đang bị xói lở nghiêm trọng, nhưng vì tỉnh Cà Mau chưa có vốn nên chưa triển khai thực hiện các công trình phòng chống được. Tại những nơi này, rừng phòng hộ rất mỏng, có nơi chỉ còn khoảng từ 5m - 10m là tới thân đê. Nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời, một khi đê bờ Tây của Cà Mau bị vỡ, hàng nghìn hộ dân có đất sản xuất sẽ bị thiệt hại nặng nề, thậm chí, ngay cả hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chủ động phòng, chống
“Việc phòng, chống sạt lở bờ biển bảo vệ sản xuất, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, khôi phục lại vành đai rừng, hệ sinh thái vùng bờ biển là nhiệm vụ khẩn cấp được tỉnh Cà Mau quan tâm thực hiện. Đến nay, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh Cà Mau đã xử lý khắc phục xói lở tại nhiều vị trí xung yếu ven biển với tổng chiều dài 28,5km, tạo được bãi bồi phía bên trong và một phần phía bên ngoài kè, khôi phục được hàng trăm ha rừng phòng hộ bảo vệ đê biển trên địa bàn tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử thông tin.
Tại buổi khảo sát tình hình sạt lở đất bờ biển tỉnh Cà Mau mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, trước tình hình sạt lở ngày một nghiêm trọng, tỉnh Cà Mau đã chủ động nghiên cứu các giải pháp để phòng, chống sạt lở bờ biển. Cùng với các nghiên cứu khoa học của Bộ, cơ quan nghiên cứu khoa học của Bộ, đặc biệt là Viện Thủy công, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, các đơn vị, trong đó, có cả tư nhân; tỉnh Cà Mau đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để phòng, chống hiệu quả sạt lở.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, đến thời điểm này, các giải pháp phòng chống sạt lở được triển khai thực hiện ở Cà Mau đã ổn, Cà Mau cũng đã có giải pháp đảm bảo được tính vĩnh cữu của công trình; bảo vệ được bờ biển khỏi xói lở, tích tụ phù sa và khôi phục rừng phòng hộ; giá thành thi công với mức thấp nhất có thể.