Cá chết trên sông Bồ là do ô nhiễm nguồn nước

12/07/2017 00:00

(TN&MT) - Người dân nuôi cá lồng trên sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã thiệt hại hàng trăm triệu đồng, khi cá chết hoàng loạt do mật độ nuôi quá dày, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước....

Cá chết trên sông Bồ, tỉnh Thừa Thiên Huế
Cá chết trên sông Bồ, tỉnh Thừa Thiên Huế

Nguồn nước ô nhiễm

Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã thông tin, cá bỗng dưng chết hàng loạt, nổi trắng lồng nhiều ngày qua trên sông Bồ (đoạn đi qua phường Hương Xuân thuộc thị xã Hương Trà và xã Quảng Thọ thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) khiến người dân nơi đây vô cùng lo lắng, đứng ngồi không yên.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do người dân thả cá nuôi với mật độ quá dày; thiếu quy hoạch, sắp xếp lồng nuôi không hợp lý; công tác vệ sinh lồng nuôi của người dân không hiệu quả dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND phường Hương Xuân, hiện đã có hơn 4 tấn (khoảng 1.000 con) cá trắm nuôi lồng trọng lượng từ 3- 7kg/con của 30 hộ dân (trên tổng số 400 lồng nuôi của 200 hộ dân trên địa bàn phường) bị chết, gây thiệt hại khoảng hơn 300 triệu đồng.

Nhìn ra những lồng cá, ông Nguyễn Công (thôn Thanh Lương 3, phường Hương Xuân) thẩn thờ nói: “Nhà tôi nuôi 2 lồng, mỗi lồng khoảng 200- 300 con cá. Cá đã nuôi được nuôi hơn 1 năm, hiện số cá chết cũng gần 6 tạ...”.

Nguyên nhân cá chết là do ô nhiễm nguồn nước,  nuôi cá quá dày
Nguyên nhân cá chết là do ô nhiễm nguồn nước, mật độ nuôi cá quá dày

“Khi tôi phát hiện cá chết thì đã có hơn 30 con khoảng 5- 6kg nằm phơi bụng. Tôi đã cùng người nhà ra vớt lên đem đi bán, bán được chút nào hay chút đó...”- chị Nguyễn Thị Thu Hà (phường Hương Xuân) cho hay.

Tại xã Quảng Thọ, trong nhiều ngày qua cũng diễn ra hiện tượng cá chết cục bộ tại một số lồng nuôi trong tổng số 600 lồng trên khu vực sông Bồ đoạn qua thôn La Vân Hạ và Phước Yên của hàng trăm hộ dân.

Theo các hộ dân nơi đây, trung bình mỗi hộ thả nuôi với quy mô từ 1 đến 3 lồng cá. Chi phí đầu tư cho một lồng nuôi là 7-10 triệu đồng cho lồng sắt và 30 triệu đồng cho lồng nhôm. Bình quân mỗi lồng khi thu hoạch cho trên dưới 1 tấn cá, trị giá khoảng 50 triệu đồng. Hiện nay, cá lồng nuôi ở khu vực này đang chết dần khiến nhiều hộ dân rất lo.

Do cá chết nên giá cá rớt giá nghiêm trọng, thương lái hạn chế thu mua và người dân phải vớt cá lên đưa đi các chợ để bán. Ông Huỳnh Hưng Lớn (trú thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ) buồn bã nói: “Trước đây giá cá khoảng 70.000 đồng/kg nhưng nay chúng tôi đã hạ giá bán còn 10.000- 20.000 đồng/kg nhưng việc mua bán cũng khó khăn”.

Dùng máy bơm nước tạo oxy xuống các lồng còn cá để hạn chế tình trạng cá chết
Dùng máy bơm nước tạo oxy xuống các lồng còn cá để hạn chế tình trạng cá chết

Sớm khắc phục

“Hiện nay ban ngày trời nắng, chiều tối lại mưa giông nên dễ xảy ra hiện tượng cá bị ngột, thiếu ô xy dẫn đến chết hàng loạt. Ngoài ra, hiện vùng hạ nguồn sông Bồ thường có mưa, nước đẩy về yếu nên nguồn nước không lưu thông, ô nhiễm cục bộ dẫn đến cá chết. Người dân cần tuân thủ các quy định nuôi để tránh thiệt hại lớn...”- ông Ngô Quang Thảo, Chủ tịch UBND phường Hương Xuân nhận định.

Theo ông Hoàng Công Phong - Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, hiện địa phương đã cho kiểm tra hiện tượng cá chết cục bộ tại một số hộ nuôi cá lồng trên sông Bồ. Cá chết cũng do thời tiết thay đổi, bà con thường vứt rêu rác ra giữa sông dẫn đến nguồn nước ô nhiễm và mật độ nuôi quá dày không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đã về hiện trường kiểm tra để đưa ra các giải pháp khắc phục cho người dân bị thiệt hại. Cụ thể, Chi cục Thủy sản khuyến cáo, hướng dẫn người dân tăng cường các máy sục khí đối với các lồng cá nuôi còn lại; thực hiện công tác vệ sinh môi trường lồng nuôi, không vứt rác bừa bãi trên sông tránh tình trạng ô nhiễm; đối với những lồng nuôi không cố định thì cần linh động di chuyển lồng để tránh hiện tượng ngột, ô nhiễm nguồn nước.

Cá chết đã khiến người dân vô cùng lo lắng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Cá chết đã khiến người dân vô cùng lo lắng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng

Trong một diễn biến liên quan, nhằm góp phần cải thiện môi trường nước, điều hòa dòng chảy, tạo điều kiện phục vụ nuôi trồng thủy sản cho người dân hạ lưu sông Bồ; ông Phan Thanh Hùng- Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản đề nghị nhà máy thủy điện Hương Điền (thị xã Hương Trà) làm việc với Trung tâm Điều độ hệ thống điện lưới Quốc gia để tăng lưu lượng phát điện qua các tổ máy.

Cụ thể, thời gian tăng lưu lượng qua các tổ máy bắt đầu từ ngày 11/7, lưu lượng từ 40-50 m3/s. Văn phòng yêu cầu UBND thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền chỉ đạo các địa phương thông báo cho người dân tranh thủ nguồn nước tăng cường từ hồ Hương Điền, kết hợp hướng dẫn kỹ thuật xử lý môi trường lồng nuôi, vận động nhân dân tìm đầu ra sớm thu hoạch, hạn chế rủi ro sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Bài & ảnh:Thế Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cá chết trên sông Bồ là do ô nhiễm nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO