Xã hội

Buồn vui bên tiếng chổi tre

Lan Anh 17/07/2024 - 17:16

Mỗi người có một lý do để chọn nghề, nhưng với những công nhân môi trường thì bên cạnh hai chữ mưu sinh còn là tình yêu với môi trường. Với các công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi, tình yêu này đã trở thành động lực để họ chăm chỉ, nỗ lực hàng ngày làm đẹp từng nẻo đường, góc phố. Để rồi có những công nhân mà đại gia đình mấy thế hệ cùng gắn bó với nghề rác.

Muôn nhọc nhằn, hiểm nguy

0h sáng, đường phố Quảng Ngãi dần trôi vào sự tĩnh lặng, các gia đình đã chìm trong giấc ngủ say nồng sau một ngày vất vả thì chị Nguyễn Thị Nhỏ (Đội sản xuất số 3 Xí nghiệp vệ sinh môi trường - Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi) và đồng nghiệp đang miệt mài quét từng mảnh rác bên đường. Dưới ánh đèn đường vàng quạnh quẽ, dáng chị Nhỏ vốn đã mảnh khảnh càng thêm nhỏ bé trong màn đêm tĩnh lặng.

laocong4.jpg
Chị Nguyễn Thị Nhỏ, công nhân vệ sinh Công ty Môi trường đô thị Quảng Ngãi trong một ca làm đêm

Thấy tôi, chị Nhỏ nghỉ tay đẩy xe rác lên mép đường và nói: Tránh xa một chút, ở đây các em không chịu được mùi hôi thối của rác bốc lên đâu. Tìm tới một gốc cây, chị mở khẩu trang đã thấm mồ hôi giãi bày: “Mọi người đi ngang xe rác đã vội bịt mũi khó chịu, còn chúng tôi thì kè kè với rác, với mùi hôi thối ít nhất 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Làm miết thành quen, không nghe thấy mùi hôi nữa”

Chị Nhỏ gắn bó với nghề làm sạch đẹp cho phố phường đã ngót nghét gần 25 năm. Những năm gần đây, chị được công ty bố trí công việc vào ca đêm (thời gian từ 22h giờ đêm đến rạng sáng hôm sau). Nói là vậy nhưng công việc của chị không có thời gian, hôm nhiều rác thì công việc kéo dài đến tận 5-6h sáng hôm sau, đến khi rác được xe thu gom sạch sẽ thì công việc mới kết thúc và trở về nhà.

laocong2.jpg
Công việc vất vả, độc hại, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng nhưng chị Nhỏ đã gắn bó với nghề gần 25 năm

“Nghề nào cũng có vất vả riêng. Công việc của chúng tôi hầu như không có ngày nghỉ, chỉ cần nghỉ một buổi thôi, rác sẽ ùn ứ lại ngay. Khi mình xác định chọn công việc này rồi thì mình phải yêu nghề, có trách nhiệm làm cho tốt nhiệm vụ được lãnh đạo phân công. Mỗi khi làm xong việc, ngó đường phố sạch – đẹp, trong lòng mình nhẹ nhõm và phấn khởi lắm vì đã được góp một phần làm phố phường sạch đẹp hơn mỗi ngày”- chị Nhỏ tâm sự.

Chọn gắn bó với công việc này đồng nghĩa với thời gian làm việc “khác người”, bất kể ngày lễ, Tết, những công nhân vệ sinh môi trường còn phải chấp nhận đối mặt với những nguy hiểm nghề nghiệp như tai nạn giao thông khi lao động ngoài đường phố, nguy cơ bệnh tật khi tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, rác thải độc hại mỗi ngày… đòi hỏi sự chịu khó, lòng dũng cảm và sự hy sinh.

laocong.jpg
Trong không gian tĩnh lặng của đêm tối, chị Nhỏ và đồng nghiệp vẫn lạc quan, vui vẻ với công việc của mình

Chị Nhỏ kể lại, trong một vụ tai nạn bất ngờ ập đến cách đây hơn 1 năm ngay trong đêm đi quét rác trên tuyến đường Nguyễn Nghiêm. Đêm ấy thật khủng khiếp, trong khi chị đang quét rác thì có 2 thanh niên phóng xe máy lao lên lề đường, tông thẳng vào người làm chị bất tỉnh. May là Công ty đã kịp thời đưa chị đi Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng để cấp cứu; đồng thời ngoài sự động viên, giúp đỡ gia đình, Công ty còn hỗ trợ tiền để lo thuốc men, chi phí điều trị vết thương. Sau mấy tháng nằm tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng chữa trị 7 xương sườn bị gãy, vỡ gan độ 4 và mất gần 1 năm luyện tập vật lý trị liệu mới hồi phục được sức khỏe. Sau vụ tai nạn đó, chị dường như mất hết niềm hy vọng về cái nghề mà mình đã từng gắn bó đi lên lâu nay.

Tuy nhiên, trong “cái rủi, có cái may”, sau khi sức khỏe ổn định chị đã được Công ty giúp đỡ, bố trí làm những công việc nhẹ nhàng hơn. Và sau một thời gian được anh, chị em trong đơn vị dìu dắt, hỗ trợ thường xuyên, giờ đây chị đã đủ nghị lực vượt lên số phận, trở lại nghề quét rác trong tiếng chổi tre xào xạc thâu đêm trên đường phố.

Cô - cháu cùng vào ca

Cực khổ, nguy hiểm là vậy nên tôi không khỏi bất ngờ khi được biết đại gia đình chị Nhỏ có đến 4 người làm nghề này, trong đó chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (Đội sản xuất số 1 Xí nghiệp vệ sinh môi trường) – cháu của chị Nhỏ mới vào nghề được 1 năm.

laocong3.jpg
Dáng vẻ lặng thầm, lẻ loi của những người làm đẹp phố phường giữa đêm khuya

Trong bộ đồng phục của công nhân vệ sinh, chị Thủy (37 tuổi) trông trắng trẻo và xinh đẹp, nếu không được giới thiệu ít ai biết là người làm trong môi trường công việc khắc nghiệt.

Chị Thủy kể, cả nhà làm rác nên giờ cũng muốn làm rác giống cô, chú. Tâm sự của chị Thủy rất mộc mạc: nhờ rác mà các cô, chú nuôi các em lớn khôn, còn mua được căn nhà nhỏ để cả nhà có một mái ấm sau những giờ cặm cụi với rác.

“Trước đây tôi cũng làm công nhân ở khu công nghiệp nhưng lương không ổn định còn làm nghề này tuy vất vả nhưng ổn định. Mình thấy các cô, các chú trong gia đình đều nhờ nghề này mà nuôi con cái lớn khôn nên mình chọn. Làm miết rồi cũng yêu thích công việc luôn chị à” - chị Thủy bảo.

img_9962.jpg
Chị Nhỏ và cháu của mình - chị Thanh Thủy trong một ca quét rác vào ban ngày

Ngày mới vào về, chị Thủy cũng từng bị sốc tâm lý bởi không phải ai cũng thông cảm cho cái nghề vất vả này. Một hôm đang thu gom rác dưới lòng đường, một cô đứng ở trong nhà gọi “ê rác” và vứt ngay bịch rác xuống lòng đường, cái túi ni lông bị vỡ, rác vương vãi khắp nơi.

“Gặp những trường hợp như vậy tôi thấy buồn lắm. Có nhiều người mình chỉ nhắc họ bỏ rác đúng giờ, đúng điểm quy định nhưng họ cũng tỏ thái độ khó chịu. Nghề nào cũng là nghề miễn lao động chân chính, làm ra đồng tiền lương thiện. Chúng em rất mong mọi người thấu hiểu và sẻ chia để cuộc sống này thêm tươi đẹp hơn.” - chị Thủy tâm sự.

laocong5.jpg
Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của các công nhân môi trường

Cũng theo chị Thủy, một vấn đề nhức nhối về rác thải hiện nay là một số tuyến đường trong thành phố có kinh doanh đồ ăn, rác xả nhiều, nhưng lại không mấy người có thói quen quét dọn rác thải ở khu vực mình buôn bán. Vì vậy, nhiều đoạn đường, công nhân môi trường mới quét dọn sạch sẽ lúc đêm, nửa buổi sáng hôm sau đã ngập rác. Các chị luôn tự hỏi, có khó khăn gì đâu khi để rác đúng nơi quy định mà nhiều người không làm được? Sao người này bỏ rác đúng nơi quy định mà người kia lại không? Giá như ai cũng biết tự vấn lòng mình. Giá như mỗi nhà mỗi người có ý thức hơn một chút, để rác gọn gàng, vứt rác vào nơi quy định thì tình hình có thể cải thiện hơn, đỡ vất vả hơn cho những người quản lý, quét dọn, thu gom.

Nguồn động viên lớn nhất để những công nhân môi trường như chị Nhỏ, chị Thủy vững tâm theo nghề chính là gia đình và sự quan tâm, động viên từ lãnh đạo đơn vị. Bên cạnh lương, bảo hiểm,... được chi trả đầy đủ thì việc thường xuyên được trang bị thêm đồ bảo hộ lao động cũng là một trong những động lực giúp mọi người gắn bó với công việc, san sẻ để cùng nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Mỗi ngày, bình quân thành phố Quảng Ngãi phát sinh khoảng 200 tấn rác các loại, điều gì sẽ xảy ra nếu trong vài ngày lượng rác khổng lồ này không được thu gom và xử lý? Điều đó cho thấy, công việc thu gom rác thải hàng ngày của những người công nhân vệ sinh môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường thành phố.

Trời càng về khuya, phố xá ngủ yên, tiếng chổi tre xào xạc lặng lẽ cùng chị Nhỏ vẫn tiếp tục len lỏi khắp các khu dân cư giữa màn đêm tĩnh lặng. Chia tay chị Nhỏ trên con đường sạch sẽ, tinh tươm, dù rằng chiều tối qua trời có mưa giông, gió quật ào ào trên những tán cây, tôi hiểu rằng, trên mỗi con đường mình qua, mỗi đoạn đường mình tới đều mang dấu ấn của những con người lao công đáng trân quý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buồn vui bên tiếng chổi tre
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO