(TN&MT) - Với sự mở rộng của mạng xã hội, thị trường buôn bán các loại mặt hàng từ động vật hoang dã (ĐVHD) diễn ra rất sôi động.
Ngày 26/5, thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên - ENV cho thấy, chỉ trong năm 2019, Phòng Bảo vệ động vật hoang dã của Trung tâm đã ghi nhận hơn 2.400 trường hợp quảng cáo động vật hoang dã trên Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok và các trang mạng điện tử khác. Con số này vẫn không có dấu hiệu giảm xuống trong những tháng đầu năm 2020, với 424 vụ vi phạm tính đến hết ngày 30/4.
Theo ENV, lợi dụng khả năng dễ dàng tiếp cận người mua và che giấu danh tính qua các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng thường xuyên rao bán các sản phẩm như: Ngà voi, sừng tê giác, móng gấu, da hổ... Tuy vậy, “vải thưa” khó che được pháp luật khi hiện nay, cơ quan chức năng tại nhiều địa phương đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng trong hành vi vi phạm của các đối tượng buôn bán trên Internet và đang dần quen với việc xử lý các vụ việc này.
Điển hình tại, tại TP. Đà Nẵng, các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra bắt giữ nhiều vụ nuôi nhốt, buôn bán ĐVHD. Cụ thể, ngày 5/5/2020, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP. Đà Nẵng phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng (thuộc Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng) đã phát hiện và tịch thu 12 cá thể chim săn mồi, chim cắt lưng hung (thuộc Nhóm IIB - Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm ban hành theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ) tại nhà Hoàng Văn Ph. (SN 1998, quê quán Quảng Trị), sau khi đối tượng rao bán các cá thể ĐVHD này trên mạng xã hội Facebook. Đối tượng Ph. đã bị cơ quan chức năng xử phạt hơn 11,2 triệu đồng, buộc tháo gỡ toàn bộ quảng cáo rao bán trái phép các cá thể ĐVHD trên mạng xã hội.
Cũng trong tháng 5/2020, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR rừng phối hợp với Công an phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) phát hiện, xử lý đối tượng Phạm N. (SN 1990, trú tại tổ 2, thôn Tây An, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) chuyên dùng “lưới tàng hình” tự chế bẫy chim hoang dã để rao bán cho khách hàng.
Theo ENV, trước đó ngày 29/2/2020, TAND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức T (trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) 36 tháng tù giam về hành vi vận chuyển trái phép 1 bình rượu ngâm 2 chi gấu ngựa (Ursus thi betanus). Cơ quan chức năng đã lần theo thông tin rao bán rượu ngâm chi gấu trên tài khoản Facebook của vợ bị cáo, tiến hành theo dõi và bắt giữ đối tượng khi đang vận chuyển bình rượu này đi bán cho khách hàng.
Một đối tượng khác ở Hà Nội là Phạm Thị V cũng đã bị tuyên phạt 12 tháng tù về hành vi buôn bán trái phép một bình rượu ngâm một cá thể gấu ngựa con. Đối tượng khai nhận đã mua bình rượu ngâm 1 cá thể gấu con từ một đối tượng buôn bán khác với giá 10,5 triệu đồng và đăng bán lại trên mạng Internet, với giá chênh lệch 500 nghìn đồng…
Buôn bán công khai sản phẩm mỹ nghệ từ ngà voi trên mạng Facebook |
Mặc dù, pháp luật cấm mọi hành vi tàng trữ, mua bán các sản phẩm làm từ động vật hoang dã, nhưng không khó để có thể nhận thấy những trang sức từ loài quý hiếm này vẫn được bày bán tràn lan trong các tiệm vàng bạc, nữ trang, đồ phong thủy... Buôn bán ngà voi là một trong những ví dụ điển hình.
Năm 1994, Việt Nam gia nhập CITES - Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp - được các quốc gia trên thế giới đồng thuận nhằm ngăn chặn việc khai thác quá mức các loài động, thực vật hoang dã. Có ba mức độ bảo vệ được liệt kê dưới Phụ lục I, II và III. Đặc biệt, Phụ lục I bao gồm các loài động, thực vật hoang dã đang nguy cấp nhất và vì thế, CITES cấm hoàn toàn việc buôn bán, trao đổi trên thị trường quốc tế, với một số ngoại lệ (ví dụ như vận chuyển cho mục đích khoa học). Ngà voi Châu Á và Châu Phi đều nằm trong phụ lục I CITES.
Ở Việt Nam, voi được bảo vệ theo mục IB của Nghị định 32 NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, ban hành ngày 30/3/2006 nhằm quản lý tình trạng buôn bán và sử dụng sản phẩm từ ĐVHD trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc buôn bán các sản phẩm trên mạng Internet tại Việt Nam được quản lý theo Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và Nghị định 52/2013/ND-CP về thương mại điện tử. Theo đó, những mặt hàng cấm buôn bán trên mạng bao gồm động, thực vật hoang dã nguy cấp được pháp luật bảo vệ. Những người vi phạm điều luật trên sẽ bị xử phạt theo quy định áp dụng với hành vi buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép tại cửa hàng, cửa hiệu.
Mặc dù, trong vòng 10 năm qua, đã có rất nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng, buôn bán và trao đổi các sản phẩm từ ĐVHD ở Việt Nam, nhưng kết quả khảo sát trên mạng cho thấy, ngà voi vẫn được rao bán một cách rất công khai. Với nền tảng kinh doanh trên mạng “miễn phí”, dễ dàng liên lạc và có thể duy trì độ bảo mật danh tính, Facebook đã trở thành một thị trường mở và linh hoạt, ở đó, người mua chỉ cần đặt yêu cầu, chuyển tiền vào tài khoản của kẻ bán và kẻ bán có thể vận chuyển những sản phẩm này qua đường bưu điện, hoặc thậm chí, sử dụng dịch vụ vận chuyển nhanh EMS và FedEx.
Hiện nay, ngoài Facebook, còn có rất nhiều phần mềm mạng xã hội khác và các website cũng như các diễn đàn điện tử đều có thể quảng cáo và buôn bán các sản phẩm từ ĐVHD. Đây là một trong những thách thức đối với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn và kiểm soát nạn buôn bán ĐVHD.
Trong tháng 5/2020, từ thông tin ENV cung cấp, Facebook đã gỡ bỏ hoàn toàn 277 bài viết quảng cáo buôn bán ĐVHD trên nhóm “Hội Anh Em Ba Miền” ở Việt Nam và cảnh báo sẽ vô hiệu hóa nhóm này nếu tiếp tục ghi nhận các bài viết vi phạm. Đây là một nhóm Facebook đã hoạt động từ lâu, thường xuyên có các thành viên rao bán ĐVHD hay các sản phẩm từ ĐVHD như ngà voi, da hổ, vảy tê tê, móng gấu...