Môi trường

Bước chuyển trong công tác bảo vệ môi trường ở Điện Biên

Hoàng Châu 13/12/2023 - 10:08

(TN&MT) - Những năm qua, Sở TN&MT Điện Biên đã thực hiện tốt trách nhiệm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành, chỉ đạo, triển khai nhiều chính sách quan trọng về lĩnh vực môi trường. Đến nay, công tác bảo môi trường tỉnh Điện Biên đã và đang được kiểm soát tốt, không phát sinh cơ sở mới gây ô nhiễm môi trường trong vài năm trở lại đây.

Không để phát sinh cơ sở ô nhiễm môi trường

Theo thông tin của Sở TN&MT tỉnh Điện Biên, từ năm 2022 đến nay, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành xử lý triệt để 4/4 cơ sở gây ô nhiễm thuộc đối tượng phải xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định 64, trước đây, Điện Biên có 4 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gồm: Bãi rác Noong Bua; hệ thống thoát nước, thu gom xử lý nước thải TP. Điện Biên Phủ; Hệ thống xử lý chất thải Bệnh viên Đa khoa tỉnh Điện Biên và Hệ thống xử lý chất thải Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Điện Biên…

Trong đó, bãi rác Noong Bua tồn tại hơn 20 năm, diện tích nhỏ hẹp, gần khu dân cư. Công nghệ xử lý lúc bấy giờ chưa có gì ngoài việc áp dụng thủ công chôn lấp, quá trình vận chuyển rác, tuyến vận chuyển cũng đi qua khu dân cư. Đặc biệt, nước rỉ thải từ bãi rác… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước của các hộ dân sống gần bãi rác.

Dự án đóng cửa bãi rác Noong Bua được triển khai, song song với đó là Nhà máy xử lý rác thải ở xã Pom Lót, huyện Điện Biên đồng thời được triển khai với công nghệ tiên tiến. Tổng số vốn 70 tỷ đồng, diện tích nhà máy 10,5ha. Hiện đại nhất khu vực.

Đến nay, bãi rác Noong Bua đã được đóng cửa hoàn toàn, Nhà máy xử lý rác thải Pom Lót đã đi vào hoạt động. Toàn bộ rác thải của TP. Điện Biên Phủ đã được thu gom xử lý triệt để. Cùng với bãi rác Noong Bua, 3 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Điện Biên cũng đã được xử lý triệt để và đưa ra khỏi Quyết định 64 của Thủ tướng…

Có thể nói, thành quả của việc đưa 4 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Điện Biên ra khỏi Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ là công sức to lớn của Sở TN&MT, trong đó, phải kể đến sự đóng góp tích cực của đơn vị chuyên môn – trực tiếp là Chi cục Bảo vệ môi trường (nay là Phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu) trong việc đề xuất kế hoạch triển khai kiểm soát môi trường trên địa bàn tỉnh.

a1.jpg
Một góc TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên

Bà Đặng Thị Hồng Loan – Trưởng phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên, chia sẻ: “Nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Điện Biên không phát sinh mới cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Để làm được, chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá chất lượng, tiến độ, hiện trạng các dự án. Đồng thời, chỉ ra thực trạng và giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn các địa phương xây dựng bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; giải pháp giảm thiểu phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020…; Giải pháp giảm thiểu lượng rác thải y tế phát sinh trong khu cách ly, khu chữa bệnh Covid-19”.

Những kết quả đạt được trong quản lý bảo vệ môi trường của ngành Tài nguyên & Môi trường Điện Biên đã góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà ngành đã đặt ra, đưa Điện Biên trở thành địa phương kiểm soát ô nhiễm môi trường tốt nhất trong khu vực. Nhìn nhận về những kết quả đó, ông Nguyễn Đăng Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên cho biết: Để việc quản lý bảo vệ môi trường tốt hơn thời gian tới, Sở sẽ ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật; đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chẩt thải; tăng dần nguồn thu phí vệ sinh môi trường, từng bước giảm dần hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải; đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình điểm về thu gom, xử lý chất thải phù hợp để nhân rộng nhất là các mô hình điểm ở khu vực nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Quản lý công tác xử lý rác thải rắn hiệu quả

Với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội đã tác động không nhỏ đến chất lượng môi trường sống. Các chất thải rắn phát sinh ngày càng đa dạng, phức tạp cả về chủng loại và số lượng, trong khi việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt công tác lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt do liên quan đến nguồn vốn đầu tư, cũng như hiệu quả xử lý còn gặp nhiều khó khăn...

Xác định được những thực trạng trên, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên đã tham mưu cho UBND tỉnh một số giải pháp xử lý chất thải rắn theo điều kiện kinh tế của địa phương như: Bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh; nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị; kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức cho cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tham mưu cho UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đổi mới đến các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, có hành động thiết thực về công tác bảo vệ môi trường. Đây là một trong những biện pháp mang tính lâu dài, xây dựng trên nền tảng nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, tập thể, tổ chức góp phần bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, bộ phận chuyên môn nêu cao tinh thần trách nhiệm bằng giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định, yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển của địa phương. Nhất là khi thẩm định các dự án đầu tư xây dựng phải xem xét đến tất cả các yếu tố tác động đến môi trường. Khuyến khích các chương trình, dự án thân thiện với môi trường bằng giải pháp sử dụng công nghệ tiên tiến. Kiên quyết không đưa vào vận hành, khai thác các công trình chưa đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, nhất là đối với các dự án thu gom xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt. Ngoài ra, về chiến lược dài hơi Sở đã có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường các cấp; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; bố trí và quản lý sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường đúng mục đích; đa dạng hóa các nguồn đầu tư; tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

a2.jpg
Công nhân Nhà máy Xử lý rác thải Ðiện Biên (bản Púng Min, xã Pom Lót, huyện Ðiện Biên) xử lý rác tại khu tập kết

Song song với đó là kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về môi trường từ tỉnh đến cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường một cách thường xuyên có hiệu quả, bằng nhiều hình thức, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, tới toàn thể công đồng dân cư, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của toàn cộng đồng ngày càng được nâng cao.

Ngoài địa bàn trung tâm tỉnh ra Sở còn hướng dẫn cho các cấp chính quyền huyện, thị… phối hợp cùng đội ngũ chuyên môn từng bước triển khai nhiệm vụ xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác. Quy hoạch bãi rác và đặc biệt việc xử lí các chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là quan tâm đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 3 bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Nhé và huyện Tuần Giáo. Cải tạo xử lý 11 bãi chôn lấp rác thải thành phố Điện Biên Phủ; 3 cơ sở xử lý rác thải bằng hình thức đốt kết hợp bãi chôn lấp trên địa bàn huyện Điện Biên, thị xã Mường Lay và huyện Mường Ảng.

Từ những kết quả đó đã nâng chỉ tiêu môi trường và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên lên mức đáng nể, cụ thể: Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt 96% (tăng 5% so với năm 2013); Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý đạt 93,74% (tăng 18,74% so với năm 2017); Tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom đạt 23 % (tăng 10% so với năm 2013).

Tham mưu đúng và trúng

Sở TN&MT đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường bằng nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường và quy chế bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Trong công tác thẩm định, cấp phép, Sở đã tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung của của 164 dự án, 08 Giấy phép môi trường cấp tỉnh; 01 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, 10 đề án bảo vệ môi trường chi tiết, 27 dự án cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; 03 đề án bảo vệ môi trường; trình Lãnh đạo Sở xác nhận 74 Kế hoạch bảo vệ môi trường; 126 Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Hướng dẫn Phòng Tài nguyên môi trường cấp huyện công tác thẩm định và xác nhận: gần 1.300 bản cam kết bảo vệ môi trường; gần 200 đề án bảo vệ môi trường; 87 Dự án cải tạo phục hồi môi trường; 15 giấy phép môi trường và hơn 250 bản kế hoạch bảo vệ môi trường.

a3.jpg
Rác thải được thu gom, xử lý tại Nhà máy xử lý rác thải Púng Min, xã Pom Lót, huyện Điện Biên.

Đối với việc kiểm soát ô nhiễm môi trường, Sở đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt mạng lưới điểm quan trắc môi trường tỉnh Điện Biên các giai đoạn 2011 – 2015; 2016 – 2020; 2021 – 2025. Đồng thời tổ chức thực hiện quan trắc chất lượng môi trường hàng năm; lập báo cáo môi trường chuyên đề nhằm cập nhật chuỗi số liệu môi trường các năm, để kịp thời dự báo, cảnh báo các vấn đề môi trường nói chung trên địa bàn tỉnh.

Sở đã chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thu gom, vận chuyển, tiêu hủy 12.2995 kg thuốc bảo vệ thực vật tồn dư và vỏ bao bì đựng thuốc. Tổ chức ký kết Nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp hành động bảo vệ môi trường với 09 đơn vị, tổ chức đoàn thể tỉnh. Công tác phối hợp đã đem lại hiệu quả tích cực trong triển khai tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển trong công tác bảo vệ môi trường ở Điện Biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO