Kinh tế

Bước chạy đà xây dựng hệ thống điện gió ngoài khơi của Việt Nam

Kông Nguyên 23/11/2023 - 12:51

Sự kiện Chính phủ Singapore trao Giấy phép nhập khẩu điện có điều kiện cho Dự án Điện gió ngoài khơi của Việt Nam xuất khẩu điện sang Singapore có thể xem như một khởi đầu tốt đẹp cho lộ trình hiện thức hóa tầm nhìn Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng xanh của khu vực Đông Nam Á.

5.jpg

Bằng năng lực và kinh nghiệm vượt trội, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) - một trong 2 công ty liên danh đại diện Việt Nam tham gia Dự án này đã chứng minh Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ xây dựng và phát triển điện gió ngoài khơi.

6.jpg

Chủ động nắm bắt cơ hội

Dự án Điện gió ngoài khơi của Việt Nam xuất khẩu điện sang Singapore dự kiến có công suất khoảng 2,3 GW, cùng với hệ thống pin lưu trữ năng lượng để xuất khẩu khoảng 1,2 GW năng lượng sạch sang Singapore thông qua tuyến cáp ngầm cao áp dưới biển dài khoảng 1.000km. Trong bối cảnh trong nước chưa có bất kì công trình điện gió ngoài khơi đúng nghĩa nào, PTSC đã được giao trọng trách tham gia dự án quan trọng này dưới sự chỉ đạo của Petrovienam.

Việc PTSC có thể tham gia dự án là nhờ Công ty đã sớm bổ sung lĩnh vực điện gió vào ngành nghề kinh doanh của mình và chủ động tăng cường năng lực, với kỳ vọng trở thành mắt xích trong ngành công nghiệp tiềm năng toàn cầu này.

ptsc-va-sembcorp-utilities-pte.-ltd-scu-ky-va-trao-thoa-thuan-phat-trien-chung-ve-viec-hop-tac-dau-tu-xuat-khau-dien-sang-singapore..jpg
PTSC và đối tác SCU công bố bản Thỏa thuận phát triển chung (JDA) giữa hai công ty trong việc hợp tác đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam để xuất khẩu sang Singapore.
1-copy-4.jpg
Liên danh PTSC-Sembcorp được cấp phép khảo sát biển cho dự án điện gió ngoài khơi
duan-2.jpeg
Dự án Gallaf 1 do PTSC thực hiện thiết kế, mua sắm, thi công, vận hành, chạy thử 3 giàn đầu giếng & 1 cầu dẫn.

Hiện nay, PTSC là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), đồng thời là Tổng công ty hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí, công nghiệp, dịch vụ cơ khí dầu khí cho các công trình ngoài khơi thuộc các dự án khai thác và phát triển mỏ tại Việt Nam.

3.jpg
Một góc cảng Dịch vụ Dầu khí PTSC, nơi đang chế tạo các cấu kiện chân đế điện gió ngoài khơi theo hợp đồng ký kết với đối tác Đài Loan (Trung Quốc)

Bên cạnh đó, PTSC là nhà thầu xây lắp dầu khí hàng đầu tại Việt Nam và có uy tín trong khu vực, cung cấp các dịch vụ thiết kế, mua sắm, chế tạo, thi công, vận chuyển, lắp đặt, đấu nối và chạy thử (EPC/EPCIC) cho các công trình ngoài khơi. Đặc biệt, PTSC hiện tại đã có khả năng thực hiện thiết kế chi tiết bởi 100% các kỹ sư Việt Nam cho các công trình dầu khí biển trong và ngoài nước.

dji_0506-1-.jpg
Dự án Gallaf 3 do PTSC thiết kế, mua sắm, thi công, vận hành, chạy thử 2 giàn đầu giếng và thi công 1 chân đế cho giàn công nghệ trung tâm.

Dự án điện gió ngoài khơi có sự tương đồng với các dự án dầu khí ngoài khơi, và đây là lợi thế của PTSC do công ty đã khẳng định được năng lực, kinh nghiệm triển khai thành công rất nhiều dự án. Thời gian qua, PTSC đã tham gia vào hầu hết các công đoạn ở nhiều dự án điện gió trên đất liền và gần bờ tại khu vực Tây Nam Bộ như vận chuyển, lắp đặt tháp, tua-bin gió, rải cáp ngầm; Cung cấp dài hạn tàu chuyên dụng phục vụ công tác vận chuyển nhân sự, thiết bị vận hành và bảo dưỡng tại dự án điện gió Bình Đại - Bến Tre và dự án điện gió tại Trà Vinh.

09hikw_iuyp.jpg
Dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long

PTSC cũng đang thực hiện hợp đồng cung cấp, lắp đặt và vận hành phao nổi FLIDAR đo gió, thủy văn cho dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long của khách hàng Enterprize Energy tại khu vực biển Bình Thuận;...

Tại thị trường nước ngoài, PTSC đã thắng thầu quốc tế gói thầu thiết kế, mua sắm và chế tạo 2 trạm biến áp ngoài khơi (offshore substation - OSS) cho dự án điện gió ngoài khơi Hai Long 2 và 3 tại Đài Loan (Trung Quốc)… PTSC cũng đang tích cực làm việc với các tỉnh thành có tiềm năng điện gió như Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu… để tìm kiếm cơ hội đầu tư, cung cấp dịch vụ cho các dự án điện gió.

8.jpg
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng thị sát khu vực thi công chế tạo của PTSC

Theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, PTSC là công ty tiên phong của Petrovietnam trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Tập đoàn cam kết sẽ cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết để PTSC phát triển và duy trì vị thế tiên phong trong lĩnh vực này. Tổng Giám đốc Petrovietnam bày tỏ tin tưởng PTSC và Sembcorp có thể kết hợp sức mạnh của cả hai để mang lại hiệu quả tổng hợp.

dien-gio-160.jpg

Petrovietnam đã điều chỉnh chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu nâng tổng công suất đặt đạt 8.000 - 14.000 MW và tỷ trọng nguồn điện tái tạo chiếm 5 - 10% tổng công suất đặt của Petrovietnam. Đến 2045, Petrovietnam phấn đấu nâng công suất đặt chiếm từ 8 - 10% tổng công suất Hệ thống điện Việt Nam và tỷ trong nguồn năng lượng tái tạo chiếm 10 - 20% trong tổng công suất nguồn điện Petrovietnam. Và Dự án Điện gió ngoài khơi của Việt Nam xuất khẩu điện sang Singapore có sự tham gia của PTSC chính là “dấu ấn” tiên phong để Petrovietnam phát triển lĩnh vực này trong tương lai.

5.jpg

Đưa doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc PTSC nhận định, một trong những đặc trưng của điện gió ngoài khơi là quy mô lớn và sử dụng nhiều công nghệ kỹ thuật hiện đại, phức tạp.

ptsc-dhdcd-4(1).jpg
Ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc PTSC

Việt Nam đã có thể làm gần như hoàn toàn mọi thứ, trừ cánh quạt và tuabin điện gió cần nhà cung ứng quốc tế. PTSC hiện đã có thể chế tạo chân để, chế tạo trạm biến áp, sơn phun. PTSC cũng đã có hệ thống cảng phù hợp tham gia vào lĩnh vực này. Trong thời gian tới, công ty sẽ bổ sung phương tiện, trang thiết bị; đồng thời, xây dựng nhà xưởng sơn lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á nhằm đáp ứng khả năng về điều hòa độ ẩm và đạt tiêu chuẩn cao nhất về chống ăn mòn ở ngoài khơi.

Với dự án xuất khẩu điện sang Singapore, Chính phủ 2 quốc gia dành rất nhiều sự quan tâm và ưu tiên do giá trị, ý nghĩa lớn to lớn về giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh năng lượng. Nguồn điện xuất khẩu theo kế hoạch dự kiến chiếm khoảng 30% tổng công suất điện tái tạo tại Singapore.

Riêng trong dự án điện gió ngoài khơi này, 131 nhà cung ứng nằm trong chuỗi cưng ứng là doanh nghiệp trong nước, đến từ 12 tỉnh, thành phố. Năng lượng tái tạo ngoài khơi là lĩnh vực mới, cung không đủ cầu, nên việc triển khai dự án sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tốt và cho thấy năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.

2.jpg
Công trường chế tạo chân đế điện gió tại cảng PTSC

PTSC có thể kết hợp với các doanh nghiệp thì có thể tạo ra một trung tâm về chuỗi cung ứng, không chỉ làm cho mình mà còn làm cho những quốc gia khác. Nếu các cơ quan quản lý xây dựng cơ chế rõ ràng, đáp ứng của nền kinh tế thì đó là lợi thế để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi nội địa. Nếu thực hiện được các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam còn có thể góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo ngoài khơi, gắn kết các quốc gia trong khu vực tốt hơn.

Ông Lê Mạnh Cường cho biết, các khách hàng tìm nhà thầu có năng lực nhất định để cùng nhau xây dựng phương án. Đây là gói thầu đầu tiên PTSC tham gia với quy mô lớn, và PTSC không đạt điểm cao nhất khi đấu thầu. Về thương mại, PTSC cũng không rẻ hơn. Quan trọng là phía Singapore đã nhìn thấy khát vọng chuyển đổi năng lượng của PTSC, quyết tâm phát triển những điều mới, những điều chưa làm bao giờ nhằm tạo ra bước ngoặt phục vụ quốc gia.

Sớm ban hành quy hoạch điện gió ngoài khơi

và hoàn thiện đòn bẩy chính sách

Phương án phát triển Điện lực quốc gia trong Quy hoạch Điện VIII nêu rõ: Đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 phải đạt từ 5 - 10 GW năng lượng tái tạo xuất khẩu ra nước ngoài.

Mặc dù đã có dự án tiên phong, nhưng theo Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường, hiện các cơ chế, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi vẫn chưa rõ ràng, các quy định chưa đầy đủ, chưa có chính sách, cơ chế giá cho các dự án điện gió ngoài khơi. Mặt khác, việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi phải gắn liền với Quy hoạch không gian biển quốc gia để đảm bảo tận dụng tốt được nguồn năng lượng, tránh mâu thuẫn lợi ích với các ngành kinh tế khác như đánh bắt thủy hải sản, điện gió ngoài khơi, thăm dò khai thác dầu khí hay hàng hải, nhưng Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, nên việc lựa chọn các vị trí điện gió ngoài khơi phục vụ cho hoạt động xuất khẩu điện gặp nhiều khó khăn khiến nhiều nhà đầu tư còn e ngại đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này.

anh-2.jpg
Hiện vẫn chưa có chính sách, cơ chế giá cho các dự án điện gió ngoài khơi

Các luật pháp hiện hành là Luật Đầu tư cũng chưa quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nằm ngoài khu vực biển 6 hải lý như dự án điện gió ngoài khơi; chưa quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án cáp ngầm vượt biển đi qua các nước Việt Nam, Malaysia, Singapore... Ngoài ra, Luật Điện lực và luật liên quan cũng chưa quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện nói chung, trong đó có điện gió ngoài khơi.

Lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi là một lĩnh vực mới mẻ với nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Thực tế hiện nay triển khai dự án điện gió ngoài khơi ở các nước thường mất khoảng 9 năm chuẩn bị và thực hiện đầu tư trước khi đi vào vận hành. Để triển khai các dự án này bên cạnh việc có kinh nghiệm, năng lực trong việc thiết kế, thi công các công trình trên biển còn cần một yếu tố nữa đó là tiềm lực tài chính.

4545.png
PTSC thực hiện công tác lắp đặt cáp ngầm cho dự án điện gió Tân Thuận

Đại diện PTSC nhận định, việc sớm có các cơ chế, chính sách phù để huy động nguồn tài chính, rút ngắn đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư là thực sự cần thiết để hiện thực hoá mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung. Sự hỗ trợ của Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương dành cho PTSC là rất nhiều. PTSC mong muốn sau dự án “tiên phong”, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư tham giá phát triển lĩnh vực này, PTSC có thể kết hợp với các doanh nghiệp, tạo ra một trung tâm về chuỗi cung ứng năng lượng điện sạch mới, góp phần chung tay cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo đúng cam kết của Chính phủ tại COP26.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước chạy đà xây dựng hệ thống điện gió ngoài khơi của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO