BRG - Sumitomo chính thức triển khai dự án thành phố thông minh hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài

Anh Việt| 09/10/2019 12:06

(TN&MT) - Một thành phố thông minh, hiện đại, với rất nhiều công trình công cộng, tiện ích nhằm phục vụ người dân, trở thành điểm đến an cư, thu hút đầu tư, hỗ trợ đắc lực cho chủ trương giãn dân nội đô của Hà Nội, là đích đến của dự án thành phố thông minh thuộc quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.

Bắt kịp xu thế thời đại

Nhu cầu đầu tư, xây dựng các thành phố thông minh tại Việt Nam đã xuất hiện trong vòng 5 năm trở lại đây với các kế hoạch được công bố của chính quyền TP. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, song chưa có nhiều động thái cụ thể.

Chỉ đến khi Dự án Thành phố thông minh của Hà Nội được cấp phép chủ trương đầu tư, người ta mới có thể phần nào định hình về diện mạo một thành phố hiện đại trong tương lai.

Mục tiêu cuối cùng của công nghệ thông minh là cải thiện cuộc sống của người dân. Đơn cử, việc sử dụng năng lượng trong thành phố thông minh sẽ được tối ưu hóa nhờ tích hợp giữa hệ thống quản lý năng lượng tòa nhà, căn hộ với hệ thống quản lý năng lượng trung tâm. Năng lượng tái tạo cũng sẽ được sử dụng.

.
Phối cảnh Dự án thành phố thông minh

Xuyên suốt toàn thành phố, hệ thống giao thông công cộng thông minh sẽ được xây dựng nhằm đảm bảo cho việc di chuyển của cư dân luôn thuận tiện và nhanh chóng. Cư dân tại thành phố thông minh sẽ giảm bớt việc sử dụng phương tiện cá nhân. Sự kết hợp liên hoàn giữa các loại hình vận tải đô thị khối lượng lớn như xe bus và tàu điện ngầm sẽ mang đến sự thuận tiện cho người dân.

Đặc biệt, thành phố thông minh và trung tâm Hà Nội sẽ được kết nối đồng bộ thông qua tuyến đường sắt đô thị số 2 với điểm đầu tuyến từ phố Trần Hưng Đạo và điểm cuối là nhà ga tại thành phố thông minh.

Cư dân sống trong khu đô thị thông minh được bảo đảm an toàn tối đa nhờ hệ thống quản lý an ninh hiện đại. Có hệ thống giám sát, cảnh báo tối tân, kiểm soát ngập úng và tái sử dụng nước mưa. Hệ thống lớp học thông minh kết nối giáo viên từ các nước trên thế giới giảng dạy qua các lớp ảo trên Internet. Thành phố cũng sẽ áp dụng đa dạng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, giúp nâng cao trải nghiệm tiêu dùng thông minh của cư dân…

Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, đầu tư xây dựng các thành phố thông minh không chỉ là một xu thế, mà còn trở thành một động lực mới cho phát triển của các đô thị. Nhìn ra khu vực, các nước ASEAN và nhiều nền kinh tế mới nổi đã công bố những kế hoạch đầy tham vọng.

Chẳng hạn, Singapore đi tiên phong trong xây dựng đô thị thông minh, Myanmar cũng đang xây dựng thành phố lớn thứ hai nước này. New Clark City của Philippines hướng tới thành phố xanh công nghệ cao với xe không người lái, robot... Còn Thái Lan đặt mục tiêu có 100 thành phố thông minh vào năm 2022, triển khai trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, năng lượng, quản lý đến con người và môi trường.

Nhiều nước đều có kế hoạch xây dựng thành phố thông minh, dù mỗi nơi có những điểm mạnh, yếu và cả định nghĩa về thành phố thông minh khác nhau.

Kích hoạt những động lực mới
Đúng theo kế hoạch, đầu tháng 10/2019 vừa qua Dự án thành phố thông minh tại phía Bắc Hà Nội được chính thức được động thổ. Sự kiện này sẽ đánh dấu bước khởi đầu trong việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh của Hà Nội.

Gần đây, TP. Hà Nội đã ưu tiên tập trung triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành tích hợp thành trung tâm dữ liệu lớn, đảm bảo kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định. Đến nay, Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu gần 8 triệu dân cư và khai thác hiệu quả phục vụ triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác quản lý điều hành của Thành phố. Xây dựng mạng WAN dùng chung toàn Thành phố; đưa vào vận hành hệ thống một cửa liên thông điện tử dùng chung toàn Thành phố, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như hành chính công, giáo dục, y tế...

“Chính phủ đang tạo điều kiện hết sức thuận lợi để Hà Nội phát triển thành một Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh và thân thiện, với các giá trị cốt lõi hướng tới là một đô thị thông minh, phương thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ mới, cơ sở hạ tầng thông minh, để phục vụ cho người dân tốt hơn và xây dựng một xã hội gắn kết rộng mở, thân thiện”, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Với dự án thành phố thông minh, những kinh nghiệm ưu tú nhất về phát triển đô thị tại Nhật Bản sẽ được áp dụng tại đây, bởi vậy, tính chất của đô thị thông minh tại Hà Nội là hoàn toàn khác biệt so với các dự án khác. Đây là dự án đem đến những giá trị về kinh tế và xã hội lâu dài cho Hà Nội, giải quyết những vấn đề bất cập của thành phố hiện nay như sự quá tải, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm.

.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Bộ, ngành Trung ương đã nhấn nút động thổ Dự án thành phố thông minh.

Khi trở thành một thành phố đáng sống, thành phố thông minh của Hà Nội sẽ góp phần phát triển mạnh khu vực Bắc sông Hồng, kéo giãn dân khu vực nội đô. Đây là chủ trương, nhiệm vụ lớn mà TP. Hà Nội đang triển khai thực hiện.

Tại nhiều cuộc họp gần đây, để giãn dân nội đô được thuận lợi, các chuyên gia quy hoạch, xây dựng đã nhấn mạnh vị trí, vai trò của khu vực Bắc sông Hồng, trong đó khu vực Ðông Anh sẽ đóng vai trò quan trọng trong công tác giãn dân, tái định cư. Thành phố cũng chủ trương di dời các bệnh viện, trường đại học, trụ sở cơ quan làm việc của các bộ, ngành ra khỏi trung tâm thành phố để thúc đẩy giãn dân.

Nói về dự án này, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ, khi hoàn thành thành phố thông minh sẽ tạo điểm nhấn cho không gian, kiến trúc khu vực cửa ngõ Thủ đô, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng, tạo ra nhiều công ăn việc làm và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Hà Nội phát triển. “Chúng tôi coi trọng giá trị kế thừa, lâu dài”, bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh.

Hội tụ tinh hoa và mang đậm ý nghĩa một đại Dự án được xem là liều thuốc giải quyết các căn bệnh đô thị trên toàn thế giới, thành phố thông minh được kỳ vọng sẽ trở thành chìa khóa mở ra những động lực phát triển mới cho tương lai.

Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BRG - Sumitomo chính thức triển khai dự án thành phố thông minh hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO