Xã hội

Bồi hồi Thiệu Toán

Bài và ảnh: Thanh Tâm 30/08/2024 - 09:49

(TN&MT) - Trong những ngày tháng 8 lịch sử, tôi về quê hương Thiệu Toán với tâm thế bồi hồi, nơi được xem là “địa chỉ đỏ” của phong trào cách mạng tỉnh Thanh Hóa, hiếm có nơi nào của xứ Thanh có hai Bí thư Tỉnh ủy thời kỳ tiền khởi nghĩa như ở đây.

Men theo con sông Chu chảy dài, trở về quê hương Thiệu Toán (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) trong những ngày tháng 8 lịch sử, nơi ghi đậm dấu ấn phong trào cách mạng tiền khởi nghĩa. Đây cũng là nơi có hai Bí thư Tỉnh ủy, hai nhà hoạt động cách mạng sôi nổi có nhiều đóng góp cho quá trình đấu tranh, giải phóng dành độc lập dân tộc.

Nơi có hai Bí thư Tỉnh ủy tiền khởi nghĩa

Con sông Chu vẫn miệt mài chở nặng phù sa, đã tám thập kỷ trôi qua kể từ ngày cụ Toán hi sinh, nhưng mỗi lần ôn lại lịch sử Đảng bộ xã, những người con của quê hương Thiệu Toán vẫn luôn nhắc nhớ cụ Lê Huy Toán, người đã dành trọn cuộc đời kiên trung với Đảng, hi sinh tính mạng của mình để góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cụ Lê Huy Toán sinh năm 1890 tại làng Mao Xá, tổng Xuân Lai, phủ Thiệu Hóa (nay là thôn Toán Tỵ, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Sinh ra trong gia đình nhà nho yêu nước, từ rất sớm cụ Toán đã giác ngộ cách mạng, tham gia các phong trào thanh thiếu niên yêu nước ở địa phương.

19d.jpg

Cụ xông xáo tham gia các phong trào Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, làm Bí thư Chi bộ Mao Xá, vận động quần chúng học chữ quốc ngữ; kiến nghị lên Viện dân biểu Trung Kỳ bãi bỏ dự án tăng thuế thân, thuế điều thổ; phong trào cải lương hương chính đưa người của cách mạng ứng cử vào các chức sắc của hội đồng ngũ hương làm tổng…

Đến tháng 4/1940, cụ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa kiêm Bí thư Chi bộ Mao Xá. Sau khi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, cụ và gia đình nằm trong tầm ngắm của địch. Đến tháng 9/1941, cụ bị địch bắt giam tại nhà tù Thanh Hóa và kết án 20 năm tù khổ sai, đi đày biệt xứ tại Trường Xanh (nơi giam giữ những người đã thành án). Sau một thời gian ở tù bị tra tấn, ngày 5/4/1942, cụ hi sinh tại nhà tù Thanh Hóa, đúng vào thời điểm kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn ác liệt.

Tháng 12/1954 chính quyền cách mạng bố trí lại đơn vị hành chính đã đổi phủ Thiệu Hóa thành huyện Thiệu Hóa, thành lập nên 12 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có xã Huy Toán. Việc đặt tên xã Huy Toán có ý nghĩa lịch sử to lớn, tôn vinh những đóng góp lớn lao của liệt sỹ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lê Huy Toán. Tháng 3/1953, 12 đơn vị hành chính của huyện Thiệu Hóa được chia tách thành 31 xã. Xã Huy Toán được chia tách làm 2 xã là Thiệu Chính và Thiệu Toán ngày nay.

Năm 1994, Chính phủ đã cấp bằng công nhận di lích lịch sử văn hóa “Cơ sở cách mạng của xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 1930 - 1945” cho 3 gia đình gồm: Lê Huy Toán, Lê Công Thanh và Tô Đình Bảng.

Làng Mao Xá còn có một nhà hoạt động cách mạng sôi nổi là cụ Lê Công Thanh. Cụ Lê Công Thanh sinh ngày 15 tháng 1 năm 1900 tại làng Mao Xá, tổng Xuân Lai, phủ Thiệu Hóa (nay là xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa)

Trong giai đoạn 1924 - 1932 cụ Lê Công Thanh hoạt động cách mạng ở nhiều cương vị khác nhau. Cụ là người thành lập Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội tại Thanh Hóa cùng với Lê Hữu Lập và Nguyễn Chi Hiền. Cụ Lê Công Thanh đã biên soạn nhiều tài liệu phổ thông để tuyên truyền trong quần chúng công nhân lao động (bao gồm Duy vật biện chứng, Duy vật lịch sử, Chủ nghĩa tư bản, Thặng dư giá trị, Cách mạng Nga, Công hội đỏ và biên tập báo Búa liềm).

Tháng 10 năm 1930, cụ Lê Công Thanh đi dự cuộc họp Xứ ủy Bắc Kỳ và được cử làm Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách Hà Nam và Thái Bình, kiêm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Đến tháng 2 năm 1932, cụ bị bắt tại Nam Định, bị kết án 15 năm tù, giam tại Hỏa Lò (Hà Nội) và Lao Bảo (Quảng Trị). Sau khi được trả về trước thời hạn và quản thúc tại địa phương, cụ vẫn âm thầm hoạt động cách mạng, dạy chữ cho người dân. Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, cụ giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền trước khi về nghỉ hưu.

19b.jpg

Đặc biệt, tại làng Mao Xá, căn nhà của đồng chí Tô Đình Bảng là nơi hội nghị Tỉnh ủy Thanh Hóa họp ngày 15 - 17/8/1945 triển khai lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa và căn nhà của đồng chí Lê Huy Toán suốt những năm 1930 - 1945 cũng là nơi hội họp, đi lại, hoạt động của nhiều cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ, Trung kỳ và hầu hết các đồng chí cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Thanh Hóa và các huyện hoạt động.

Mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, đảng viên và nhân dân xã Thiệu Toán lại cùng nhau ôn lại lịch sử, nhắc nhớ những đóng góp, công lao của hai cụ đối với phong trào cách mạng của địa phương và cả nước. Hai cụ là những nhân chứng sống, những bài học lịch sử giáo dục truyền thống cách mạng cho các em học sinh tại địa phương.

Ngôi nhà truyền thống cách mạng được xây dựng tại thôn Mao Xá nay là Toán Tỵ nằm yên bình giữa hồ sen thơ mộng. Nơi đây ghi nhớ công ơn những nhà hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa và trong Cách mạng Tháng 8, những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã có những đứa con máu thịt ngã xuống nơi chiến trường khói lửa để có một đất nước hòa bình như hôm nay. Nỗi đau chiến tranh đã qua đi, Thiệu Toán hôm nay đã khoác lên mình màu áo mới, khí thế mới để xây dựng quê hương.

Đổi thay trên quê hương cách mạng

Những ngày này trên toàn xã Thiệu Toán đang nhộn nhịp khí thế mới. Chính quyền và nhân dân Thiệu Toán đang khẩn trương xây dựng nông thôn mới nâng cao. Người dân hồ hởi đóng góp sức người, sức của, hiến đất mở rộng đường làng, thôn xóm.

Con đường bê tông khang trang, rộng rãi với những bức tranh bích họa sống động dẫn vào thôn Toán Tỵ. Người dân đã tự nguyện hiến đất, phá dỡ tường rào mở rộng đường trong thôn, chỉnh trang lại khuôn viên nhà cửa. Toán Tỵ - vùng đất có truyền thống cách mạng, bề dày lịch sử đã khoác lên mình màu áo mới.

19a.jpg
Đổi thay trên quê hương cách mạng.

Ngôi nhà của cụ Lê Huy Toán ở thôn Toán Tỵ vẫn còn giữ nguyên nếp nhà truyền thống của đồng bằng Bắc Bộ, với cây đa, giếng nước. Mái nhà ngói cổ kính nằm ẩn nấp sau rặng cây, ở đó vẫn còn lưu giữ những kỷ vật hoạt động cách mạng của cụ. Nơi đây là địa chỉ giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Cũng tương tự, nếp nhà của cụ Lê Công Thanh cũng còn vẹn nguyên qua tháng năm.

Tại thôn Toán Tỵ có con đường mang tên Lê Huy Toán và Lê Công Thanh để nhắc nhở thế hệ mai sau ghi nhớ công ơn, những đóng góp của hai cụ cho cách mạng.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, trên toàn xã Thiệu Toán đã có 125 hộ hiến đất mở rộng đường giao thông, tổng diện tích 1.346m2, xây dựng tường rào mẫu xây mới là 3.730m. Xã Thiệu Toán đang phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024.

Phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, nhiều đảng viên trẻ hăng hái tham gia phát triển kinh tế tại địa phương như anh Lê Văn Tiến, sinh năm 1993 thôn Toán Tỵ đã nhận khoán với UBND xã 12ha cải tạo đất trồng các loại cây cho năng suất cao như: khoai lang, dưa chuột, mía đường kết hợp chăn nuôi tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Như bác Phạm Xuân Thượng, 60 tuổi, thôn Toán Thắng là bộ đội xuất ngũ về hưu cũng là đảng viên gương mẫu, đi đầu trong phong trào hiến đất tại địa phương để mở rộng đường giao thông. Tấm gương như bác Thượng đã giúp người dân nhận ra lợi ích của việc mở rộng đường, lan tỏa rộng rãi phong trào trong quần chúng nhân dân.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thiệu Toán cho biết: Làng Mao Xá nay là thôn Toán Tỵ là cái nôi của truyền thống cách mạng tại địa phương. Nơi đây đã ghi dấu ấn những nhà hoạt động cách mạng sôi nổi thời kỳ tiền khởi nghĩa. Phát huy truyền thống đó, đảng viên và nhân dân trong xã luôn nỗ lực hoàn thành các mục tiêu trong phát triển kinh tế và bảo tồn nét văn hóa cũng như các địa chỉ ghi dấu ấn cách mạng đã được Nhà nước công nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bồi hồi Thiệu Toán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO