Bộ Xây dựng làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về phòng chống thiên tai

Văn Dinh| 10/07/2020 05:48

(TN&MT) - Ngày 9/7, Đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) trên địa bàn.

Bộ Xây dựng làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về phòng chống thiên tai

Thiên tai khó lường

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trước diễn biến phức tạp của thiên tai, bám sát Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về công tác PCTT phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai và thực hiện PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng phương án bảo vệ các đập đảm bảo an toàn hồ chứa nước cho 56 hồ chứa thủy lợi và 9 hồ thủy điện với tổng dung tích 2 tỷ m3, công suất lắp máy 350,7MW vận hành đảm bảo an toàn.

Thiên tai tại Thừa Thiên Huế đang diễn biến phức tạp

Cùng với sự đầu tư của nhà nước, việc tham gia của người dân trong công tác PCTT luôn được chú trọng, người dân tham gia tích cực vào công tác xây dựng nhà ở trong các chương trình hỗ trợ của Chính phủ về xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt. Tính đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 7.885 nhà của người dân được hỗ trợ xây dựng trong các chương trình xóa nhà tạm, hỗ trợ nhà cho người có công, hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt; đồng thời, kiên cố hóa 585 trường học, 187 cơ sở y tế... phát huy hiệu quả cao trong tình huống thiên tai xảy ra, là nơi trú ẩn an toàn cho người dân khi xảy ra thiên tai.

Về tình hình thiên tai 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng xuất hiện nhiều đợt thiên tai bất thường biểu hiện mức độ phức tạp và nguy hiểm như dông lốc sét, mưa lớn, không khí lạnh tăng cường, gió mạnh trên biển…Theo đó, đã có 13 đợt không khí lạnh, 8 đợt nắng nóng trên diện rộng, 3 đợt giông lốc làm thiệt hại 36 nhà tốc mái, nhiều cột điện, cây xanh gãy đổ; hơn 10.000 ha lúa vụ đông xuân và 93ha hoa màu bị ngập úng, hơn 7.800 ha lúa gãy đổ, tổng thiệt hại hơn 150 tỷ đồng; có 6 người chết do đuối nước.

Đoàn công tác kiểm tra hồ Tả Trạch

Để chủ động ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định đời sống nhân dân, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị với các Bộ, ngành Trung ương nhiều vấn đề; trong đó hỗ trợ tỉnh xây dựng kịch bản vỡ đập và bản đồ ngập lụt vùng hạ du các hồ chứa nước hệ thống lưu vực sông Hương, nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp vận hành hệ thống cảnh báo cho các hồ chứa nước tiểu vùng sông Mêkông (đối với hồ thủy điện A Lưới và Alin B2), phương án an toàn hạ du lưu vực sông A Sáp chảy qua tỉnh Sê kông và Salavan (Lào) cũng như quan tâm bố trí nguồn đầu tư công, các chương trình mục tiêu, các nguồn hỗ trợ quốc tế,ODA cho một số dự án phòng chống thiên tai của tỉnh....

Thứ trưởng Hùng chỉ đạo tại buổi làm việc

Cần nhiều giải pháp ứng phó với thiên tai

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh, năm 2020, theo dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn quốc gia nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão và áp thấp nhiệt đới trên biển; giông, sét, lốc, mưa đá vào thời kỳ chuyển mùa trên phạm vi toàn quốc; tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung bộ trong đó có Thừa Thiên Huế.

Đánh giá cao các giải pháp tương đối đồng bộ của tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác PCTT&TKCN; tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quang Hùng yêu cầu tỉnh cần tập trung nguồn lực, có giải pháp cụ thể đối với công tác ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Xây kè chống sạt lở ở Thừa Thiên Huế

Đối với các công trình hồ đập, Thứ trưởng chỉ đạo cần rà soát, kiểm tra, kiểm định an toàn hồ đập trước mùa mưa bão; kiểm tra quy trình vận hành hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho lưu vực hạ du. Tiếp tục xây dựng công trình PCTT theo kế hoạch, rà soát các công trình thiết yếu để có phương án đảm bảo an toàn, nhất là các công trình hồ đập, công trình đang thi công trong mùa mưa lũ.

“Đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở phòng tránh thiên tai hiệu quả; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai ở địa phương một cách thường xuyên để không lơ là, chủ quan với các hiện tượng thiên tai bất thường xảy ra”, Thứ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng (thứ 2 từ trái) trong chuyến khảo sát tại hồ Tả Trạch

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cùng đoàn công tác cũng đã có buổi kiểm tra kết cấu, công tác vận hành, an toàn hồ chứa tại hồ Tả Trạch (thị xã Hương Thủy).

Thứ trưởng Lê Quang Hùng yêu cầu, phía tỉnh Thừa Thiên Huế cần tiến hành kiểm tra toàn diện công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa để cập nhật, bổ sung phương án trước mùa mưa bão, đảm bảo an toàn vận hành hồ đập. Đối với hồ Tả Trạch, cùng với quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy trình vận hành hồ chứa nước Tả Trạch hiện nay là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan ban ngành của tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện công tác quản lý, vận hành hồ chứa nước Tả Trạch an toàn, phục vụ tốt yêu cầu, nhiệm vụ thiết kế đề ra...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Xây dựng làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO