Bộ Xây dựng cho biết Bộ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, tích hợp cung cấp trên Cổng dịch vụ quốc gia đối với dịch vụ công về thủ tục hành chính "Thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua".
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát và thực hiện nghiêm quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, nghị định số 99/2015, Nghị định 76/2015 của Chính phủ về trình tự, thủ tục, điều kiện đối với các giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn.
Một số nội dung quy định được Bộ Xây dựng lưu ý bao gồm: Điều kiện khi đưa bất động sản hình thành trong tương lai vào kinh doanh theo quy định tại điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản; Thực hiện thủ tục thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê, mua; Việc bảo lãnh, thanh toán trong bán, cho thuê bất động sản; Việc thế chấp, điều kiện thế chấp...
Dự án khu nhà ở Túc Duyên, Thái Nguyên được đấu giá và cấp sổ đỏ khi chưa giải phóng hết mặt bằng, chưa làm hạ tầng. Ảnh Thùy Linh |
Ngoài ra, giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch đối với trường hợp không bắt buộc phải có giấy chứng nhận theo Điều 72 Nghị định số 99 cũng là nội dung được Bộ Xây dựng lưu ý.
Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tổng hợp báo cáo về kết quả và tình hình thực hiện quy định về thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua trước ngày 15/6. Trong đó nêu cụ thể về trình tự thủ tục, hồ sơ yêu cầu, việc công khai thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Theo Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014, một dự án chỉ được phép đưa vào kinh doanh khi có giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án. Nếu nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng.
Bất động sản hình thành trong tương lai là công trình đang trong quá trình xây dựng, chưa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Vì vậy, tính pháp lý của dự án là một trong những lưu ý quan trọng khi khách hàng mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy, tại nhiều địa phương cũng xảy ra tình trạng nhiều dự án bán “chui” nhà trên giấy, “bán lúa non” khi dự án chưa đủ các điều kiện pháp lý. Có dự án chưa xây dựng hạ tầng vẫn chỉ là đồng ruộng mênh mông cũng được rao bán, môi giới hoạt động rầm rộ ngay tại dự án.
Đơn cử như: Dự án khu dân cư tổ 14 Túc Duyên (Thái Nguyên) có diện tích hơn 19 ha. Dự án này đã được UBND TP Thái Nguyên rốt ráo đem ra bán đấu giá vào cuối năm 2020 trong khi làm bất cứ một hạng mục nào về hạ tầng thậm chí còn chưa hoàn thành xong việc giải phóng mặt bằng.
Dự án này trước đây có tên dự án khu nhà ở Thăng Long, được UBND tỉnh Thái Nguyên giao cho công ty CP đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long. Lấy lý do dự án bị chậm triển khai nên ngày 10/8/2020, UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định thu hồi dự án. Và chỉ sau 2 tháng, ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã cấp tốc ký văn bản giao cho UBND thành phố Thái Nguyên tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại Dự án Khu dân cư tổ 14, phường Túc Duyên (Khu nhà ở Thăng Long).
Ngay sau đó, TP Thái Nguyên đã tổ chức bán đấu giá hàng trăm lô đất “trên giấy” – khu đất hiện vẫn đang là đất nông nghiệp, người dân vẫn đang trồng cấy. Đấu giá xong, để tạo điều kiện cho người trúng đấu giá có thể vay vốn ngân hàng, TP Thái Nguyên đã cấp hàng chục quyển sổ đỏ cho người mua.
Thực tế việc đấu giá bán đất tại Dự án Khu dân cư tổ 14, phường Túc Duyên (Khu nhà ở Thăng Long) đã thực hiện khi hạ tầng chưa hoàn thành. Có nghĩa quyết định đưa ra đấu giá đất trong dự án là có dấu hiệu chưa đúng quy định pháp luật.