Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tiếp thu ý kiến ĐBQH bảo vệ lợi ích cho người dân

Khương Trung | 03/11/2022 20:15

(TN&MT) - Ngày 3/11, tiếp tục kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại tổ TP HCM, có sự tham gia của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật.

Đảm bảo tính hợp pháp và hợp hiến của Luật Đất đai

chu-tich-nuoc.jpg
UỶ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự tại phiên họp Tổ

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ, khi xây dựng kế hoạch, quy hoạch đất đai tại địa phương quan trọng nhất cần phải đảm bảo được tính hợp pháp và hợp hiến, không được gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nhưng vẫn phải đảm bảo đem lại được lợi ích cho Nhà nước Việt Nam. Đại biểu đề nghị trước mắt khi xem xét xây dựng kế hoạch, quy hoạch đất đai, cần phải đánh giá liệu có phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong giai đoạn mới hay không, nhất là phải phù hợp với tính thần của Nghị quyết 30.18-NQ/TW.

Đối với nội dung miễn tiền sử dụng đất, các đại biểu cho biết, Luật Đất đai 2013 quy định việc miễn tiền thuê đất có thể là miễn một số năm hoặc miễn toàn bộ thời gian thuê đất, căn cứ danh mục địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Đại biểu đề nghị giải thích về miễn tiền sử dụng đất tại Khoản 34 Điều 3, đó là việc Nhà nước cho phép người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thị trấn sử dụng đất, cho thuê đất cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất. Nếu quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian sử dụng đất thì sẽ có 02 trường hợp xảy ra, một là các doanh nghiệp đầu tư dự án không được miễn tiền thuê đất, hai là được miễn toàn bộ thời gian thuê. Đại biểu Lệ cũng đề nghị cần bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai 2023 về mở rộng quyền được gia hạn thời gian sử dụng đất.

chu-tich-nuocws.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh

Phát biểu thảo luận sau đó, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh, những bất cập trong lĩnh vực đất đai trên thực tế đã rất rõ, việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết. Theo ông Hoàng, Cán bộ chúng ta bị xử lý kỷ luật cũng vì đất đai, người dân bất an cũng vì đất đai, điểm nghẽn không thể phát triển được cũng vì đất đai.

Về vấn đề chung của dự thảo Luật, đại biểu đoàn TP HCM cho rằng quá trình sửa đổi phải thể hiện được quyền và nghĩa vụ của công dân với đất đai, đặc biệt là quyền lợi của người dân với đất đai, cần ứng xử như thế nào trong dự thảo để phù hợp nhất.

Đối với Điều 86 quy định về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho rằng dự thảo luật chỉ mới liệt kê, mà chưa làm rõ được thế nào là vì lợi ích quốc gia, cộng đồng. Với những quy định chưa rõ ràng đó, đại biểu lo ngại khó triển khai trên thực tế, khó đảm bảo thu hồi đất đúng mục đích.

Cũng theo đại biểu Hoàng, tại dự thảo Luật có tới trên 80 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo ông Hoàng, trong dự thảo luật mà có số lượng lớn cần phải quy định chi tiết như vậy có thể dẫn đến “va chạm” quyền lợi giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. Do đó, cơ quan soạn thảo cần xem xét để quy định chi tiết hơn trong dự thảo luật.

db-ngan.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tham gia ý kiến tại phiên họp tổ sáng ngày 3/11

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) đánh giá cao ban soạn thảo thời gian qua đã tổ chức nhiều phiên thảo luận, hội thảo ở nhiều địa phương trong quá trình xây dựng dự thảo. Ông Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo cần tổ chức thêm các cuộc tiếp xúc với người dân thông mặt trận tổ quốc để ghi nhận thêm ý kiến về đất đai từ thực tiễn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ băn khoan về quy định thu hồi đất trong dự thảo luật và đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí đối với từng trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo ông Ngân, việc thu hồi đất trên thực tế vừa qua đã gây bức xúc trong người dân liên quan đến vấn đề giá bồi thường.

Góp ý về quy định hội đồng thẩm định giá đất, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho biết Điều 166 tại dự thảo luật đã quy định UBND cấp tỉnh tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất bao gồm nhiều thành phần, trong đó có tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất, chuyên gia về giá đất và các thành viên khác do UBND cấp tỉnh quyết định. Tuy nhiên cơ quan soạn thảo cần quy định rõ như thế nào là chuyên gia về giá đất, bởi không phải ai cũng làm chuyên gia được. “Cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể để xác định chuyên gia về giá đất, bảo bảo sự nghiêm minh, đúng đắn khi triển khai thẩm định giá”- bà Châu nói.

5 năm tới, Việt Nam sẽ có hệ thống định giá đất mới

Phát biểu tham gia làm rõ một số điều cùng các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ những ý kiến mà các ĐBQH tham gia đóng góp.

20221103-hop-to-luat-dd_btthh_5.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tham gia phát biểu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại cuộc họp

Làm rõ thêm một số ý kiến, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, liên quan đến nội dung thu hồi đất phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế quốc gia, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, để xây dựng dự thảo Luật, bên cạnh kế thừa Luật Đất đai 2013, ban soạn thảo đã tham vấn ý kiến của các cơ quan Chính phủ, Uỷ ban Quốc hội, hội đồng dân tộc, các chuyên gia… và đưa ra các tiêu chí cụ thể thay vì liệt kê danh mục như trước đây.

Liên quan đến nội dung miễn và giảm tiền sử dụng đất, Bộ trưởng cho biết, trước đây quy định việc miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất thì đều có quy định thời hạn (5 năm hoặc 10 năm...) cho nên khi áp dụng vào loại đất hoặc đối tượng nào thì khó phân biệt. Dự thảo Luật lần này, quy định rõ trong trường hợp miễn tiền sử dụng đất thì miễn toàn bộ. Trong trường hợp khi được miễn thì quyền sử dụng đất không được hưởng toàn bộ quyền lợi ích từ đất vì đó là đất nhà nước giao, được miễn. Đồng thời, trong trường hợp nhà nước có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch phục vụ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội thì có thể tiến hành được vì là đất giao không thu tiền.

Liên quan đến quy định thời gian sử dụng đất nông nghiệp, Bộ trưởng đồng tình với các đại biểu là vẫn quy định theo 50 năm vì trong thời gian sắp tới đất nông nghiệp rất quan trọng trong việc phát triển. Tuy nhiên, trong trường hợp đất nông nghiệp hết hạn thì áp dụng quy trình thủ tục đơn giản nhất để gia hạn sử dụng.

Về Quy hoạch sử dụng đất, Bộ trưởng cho rằng vẫn phải bám sát mục tiêu “ba ranh giới,” (ranh giới nghiêm ngặt bảo vệ, bảo tồn gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất trồng lúa, hồ, ao, di tích lịch sử; ranh giới hạn chế phát triển như diện tích rừng tự nhiên, hành lang bảo vệ nguồn nước, đất ngập nước; ranh giới khuyến khích phát triển để chuyển đổi mục đích cho phát triển kinh tế, xã hội, huy động nguồn lực theo chế thị trường); “bốn khu vực” (khu vực bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; khu vực ổn định, hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất; khu vực cho phép chuyển mục đích sử dụng đất có điều kiện; khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất) để định hướng không gian cho các quy hoạch.

20221103-hop-to-luat-dd_btthh_1.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với các đại biểu Quốc hội và phóng viên báo chí bên lề cuộc họp

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng để quy hoạch đất đai được phát triển tốt nhất cần phải gắn liền với quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông để tạo sự kết nối liên thông và tạo ra hiệu quả trong việc sử dụng đất đai.

Đối với việc phân lô, bán nền, Bộ trưởng cho biết, theo quan điểm của Ban soạn thảo thì phải có Quy hoạch đồng bộ, rõ ràng, quy hoạch 1/500 thì mới cho triển khai chuyển mục đích sử dụng. Theo Bộ trưởng, khi không có quy hoạch 1/500 thì không tính toán được đầy đủ giá trị đất đai và trách nhiệm của người sử dụng đất.

Đối với việc định giá đất đai, Bộ trưởng cho rằng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị đất. Hiện nhiều địa phương đã áp dụng phương pháp này để xác định giá đất và biến động giá đất thị trường. Ở nước ta, việc lập bản đồ giá trị đất đai phụ thuộc vào từng khu vực, nơi nào có nhiều giao dịch đất diễn ra thì sẽ sớm thu thập được cơ sở dữ liệu phục vụ định giá đất. Bộ trưởng cho rằng, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ có hệ thống định giá đất mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tiếp thu ý kiến ĐBQH bảo vệ lợi ích cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO