Bộ trưởng Trần Hồng Hà giữ chức Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhiệm kỳ 2022

Phương Anh | 25/11/2021 18:30

(TN&MT) - Ngày 25/11/2021, Phiên họp lần thứ 28 Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) kết hợp với Phiên họp lần thứ 26 với các Đối tác Phát triển của Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tại Phiên họp lần này, chức Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhiệm kỳ 2022, đã được bàn giao cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam.

Phiên họp do Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan, Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế năm 2021 chủ trì. Tham dự phiên họp có các Ủy viên Hội đồng của 4 quốc gia thành viên, gồm: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia và đại diện các Đối tác Phát triển của Ủy hội.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Lê Công Thành, Ủy viên thay thế Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam làm Trưởng đoàn

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Lê Công Thành, Ủy viên thay thế Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam làm Trưởng đoàn. Cùng dự phiên họp lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Ngoại giao, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.

Tại Phiên họp lần này, Hội đồng Ủy hội đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng, đồng thời, thảo luận với các Đối tác Phát triển về tình hình hợp tác, diễn biến tài nguyên nước trong lưu vực, Chương trình Giám sát môi trường chung cho các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công và giải pháp ứng phó trong điều kiện thời tiết cực đoan năm nay và còn có thể tiếp tục xảy ra trong năm tới…

Đoàn Việt Nam ký cam kết với các phái đoàn MRC

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Lê Công Thành nhấn mạnh, Phiên họp hôm nay diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt khi hợp tác Mê Công đang phải đối mặt không chỉ với những khó khăn thách thức đối với tài nguyên nước trong lưu vực mà còn phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều đó đã không thể ngăn cản được tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm của tất cả chúng ta trong thúc đẩy thực hiện các hoạt động của hợp tác Mê Công. Trong điều kiện khó khăn, Việt Nam vui mừng nhận thấy, trong năm 2021, nhiều hoạt động hợp tác đã được triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nổi bật, đó là Ủy hội tiếp tục cụ thể hóa các cam kết của Lãnh đạo cấp cao các nước thông qua việc đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực và các Thủ tục sử dụng nước.

Cũng như nhiều nơi trên thế giới, tài nguyên nước sông Mê Công là hữu hạn và hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi dân số tăng nhanh, nhu cầu sử dụng ngày càng lớn cho phát triển kinh tế và tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, do nằm ở cuối nguồn sông Mê Công, đã và đang phải chịu tác động mạnh mẽ từ các thách thức này. Bên cạnh việc phải đối mặt thường xuyên với tình trạng thiếu nước vào mùa khô, xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn và với phạm vi sâu hơn, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún có diễn biến ngày càng phức tạp cả về phạm vi và mức độ, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân vùng đồng bằng.

Đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự 

Để đối phó với những khó khăn thách thức đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch để khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ nguồn tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nghị quyết 120 của Chính phủ Việt Nam về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu mà các quý vị đã biết là một minh chứng và đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển của Việt Nam theo hướng tích hợp, thích ứng nhằm mục tiêu phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nói riêng và của toàn lưu vực Mê Công nói chung.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã lựa chọn cách tiếp cận phát triển bền vững theo hướng chuyển đổi mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, qua đó cũng góp phần vào nỗ lực bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của Đồng bằng sông Cửu Long. Với việc thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được xây dựng trên cơ sở cách tiếp cận này và việc thực hiện hiệu quả Luật Tài nguyên nước và các Luật liên quan, Việt Nam đang tạo ra những thay đổi cơ bản từ nhận thức, tư duy đến hành động trong mối quan hệ với tự  nhiên, xác định nền tảng phát triển bền vững phải dựa trên sự tôn trọng các quy luật tự nhiên.

Ở cấp độ quốc tế và khu vực, Việt Nam đã thể hiện là một quốc gia trách nhiệm, chủ động, tích cực trong đối phó với biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã bày tỏ quyết tâm, nỗ lực và cam kết chính trị của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu bằng việc cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu và Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

Cụ thể, đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực và các chiến lược ngành nhằm sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước, đồng thời tập trung vào các hoạt động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, các tác động xuyên biên giới nhằm góp phần vào việc, đảm bảo an ninh tài nguyên nước, năng lượng, lương thực, môi trường và sinh kế của người dân. Tăng cường tự chủ, năng lực của các quốc gia trong toàn bộ các hoạt động của Ủy hội.Trên cơ sở các kết quả của năm 2021, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị trong năm 2022, Ủy hội sông Mê Công quốc tế cần tập trung các nguồn lực cần thiết để triển khai các hoạt động ưu tiên.

Tăng cường tham vấn vùng đối với các đề xuất sử dụng nước trên sông Mê Công; đẩy mạnh thực hiện cam kết về kết quả tham vấn đối với các Dự án thủy điện dòng chính và đúc rút các bài học kinh nghiệm. Tiếp tục tăng cường mạng lưới quan trắc toàn lưu vực và chia sẻ các thông tin số liệu cho các quốc gia thành viên. Tăng cường trợ giúp các quốc gia phát triển năng lượng bền vững, đẩy mạnh phát triển năng lương tái tạo nhằm giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm nhẹ tác động đến môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giữ chức Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhiệm kỳ 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO