Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thực hiện quyết liệt các giải pháp đề kiểm soát lạm phát

Thanh Tùng - Khương Trung| 02/06/2022 16:03

Báo cáo giải trình tại phiên thảo luận của Quốc hội về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ngày 2/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, quyết liệt thực hiện các biện pháp, công cụ thuộc thẩm quyền để bảo đảm cung cầu, kiểm soát lạm phát.

1(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo giải trình trước Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Báo cáo giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung các đại biểu đều thống nhất với Báo cáo của Chính phủ, đánh giá năm 2021 là năm rất khó khăn khi đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ tới mọi mặt, từ phát triển kinh tế - xã hội đến sức khỏe, tinh thần và tính mạng của nhân dân. Nhưng với với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, tạo điều kiện cho nền kinh tế thích nghi nhanh chóng chuyển sang giai đoạn phục hồi và phát triển.

Về bối cảnh năm 2022, đa số các đại biểu đều đánh giá đây là năm đặc biệt khó khăn, thách thức và cơ hội đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tuy nhiên, nhờ các quyết sách đúng đắn, chính xác và kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, triển kinh tế - xã hội của 4 tháng đầu năm đạt được kết quả khá tích cực và toàn diện. Đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, nền kinh tế trên đà phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng. Kinh tế của quý I/2022 đã tiệm cận với các kỳ của các năm trước dịch, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, củng cố niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp...

Đối với vấn đề điều hành kinh tế vi mô, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến hết tháng 5/2022, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, tích cực, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về cung cầu năng lượng, lương thực, cán cân thanh toán ngân sách Nhà nước được bảo đảm, hàng hóa, năng lượng không bị thiếu hụt, đáp ứng được nhu cầu phát triển. Riêng đối với lạm phát của tháng 5 và 5 tháng cơ bản được kiểm soát. CPI của tháng 5 tăng 2,86% so với cùng kỳ năm 2021, tính chung của 5 tháng là tăng 2,25%, tương đương với cùng kỳ các năm 2018 đến 2021.

Tuy nhiên, áp lực điều hành và thực hiện mục tiêu lạm phát của cả năm dưới 4% là rất lớn do các yếu tố từ cả bên trong và bên ngoài của nền kinh tế. Đó là giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm, dầu thô, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; rủi ro, gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu dùng do xung đột Nga và Ukraine.

Theo Bộ trưởng, ở trong nước, lạm phát liên quan đến từ 4 yếu tố. Đó là giá xăng, dầu, nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải tăng cao; sức mua tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh mẽ; tăng học phí năm học 2022-2023; giá đầu vào và mặt bằng lãi suất cho vay dự báo tiếp tục tăng, làm áp lực lên chi phí vốn vay và chi phí sản xuất, tạo sức ép cho tăng giá bán đầu ra. “Qua theo dõi, chỉ số giá CPI của 5 tháng năm 2022 so với cuối năm 2021 đã tăng 2,48%, tức là gấp khoảng 1,5 lần cùng kỳ của năm trước dịch và đây là mức tăng cao phản ánh khá rõ xu thế tăng giá của các mặt hàng trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về vấn đề này, Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, quyết liệt thực hiện các biện pháp, công cụ thuộc thẩm quyền để bảo đảm cung cầu, kiểm soát lạm phát, đồng thời cũng nghiên cứu các giải pháp về giảm thuế, phí báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định để giảm áp lực tăng giá xăng dầu, tránh tác động tăng giá dây chuyền, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc tăng giá.

88.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là vấn đề mà các đại biểu nêu rất nhiều. Trong nhiều năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách và quy định liên quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Chúng ta cũng có nhiều đổi mới quan trọng căn bản như phân cấp, phân quyền mạnh mẽ gắn liền với thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp. Đổi mới tư duy, phương pháp, kế hoạch từ ngắn hạn hàng năm sang trung hạn 5 năm và từ quản lý bằng văn bản dưới luật đến bằng Luật Đầu tư công.

Đầu tư công không những bị chi phối bởi Luật Đầu tư công mà còn bị chi phối bởi rất nhiều các luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Khoáng sản. “Trong cùng một lúc, chúng ta phải tuân thủ thực hiện tất cả các luật đó, mà các khâu trong một quy trình đó không được làm trước, phải xong cái này mới được làm cái kia, thế nên mỗi một khâu theo từng luật đó phải trải qua các công đoạn và mất rất nhiều thời gian. Trong thời gian tới, giải pháp căn cơ là chúng ta phải rà soát lại quy định của Luật Đầu tư công cũng như các quy định của các pháp luật khác liên quan, chứ không phải là chỉ Luật Đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện Chính phủ đang rất quyết liệt chỉ đạo điều hành với rất nhiều các giải pháp đã trình bày ở trong báo cáo. Hy vọng chúng ta sẽ đạt được các kết quả cao hơn và tích cực hơn trong thời gian tới và cũng mong các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát ở các Bộ, các ngành cũng như ở các địa phương của mình, để làm sao cùng Chính phủ trong việc đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy giải ngân ở các bộ, ngành và địa phương.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của 3 chương trình mục tiêu quốc gia thì Chính phủ cũng đã ban hành các quyết định phê duyệt đầu tư của từng chương trình cũng như các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ, danh sách các đối tượng phân bổ vốn, phê duyệt các nội dung, đề án, chương trình. Vấn đề này Thủ tướng đã có các quyết định và cũng đã giao cho các Bộ, ngành, cơ quan chủ quản các chương trình.

“Chính phủ xác định, vấn đề về đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng trong điều hành của Chính phủ và sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh hiệu quả triển khai các chương trình này theo Nghị quyết của Quốc hội và theo mong muốn của cử tri”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thực hiện quyết liệt các giải pháp đề kiểm soát lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO