Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Các gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, bảo đảm kinh tế vĩ mô

Thanh Tùng| 11/11/2021 21:26

(TN&MT) - Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, bảo đảm kinh tế vĩ mô, kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chính sách tái cơ cấu nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Chiều 11/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Theo chương trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư gồm: Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; Các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia; Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.

Năm 2022, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%

Trong báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch COVID-19 còn có thể kéo dài, thế giới có khả năng sẽ phải chấp nhận sống chung lâu dài với dịch bệnh. Quá trình phục hồi và tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo thấp hơn năm 2021.

Bên cạnh thuận lợi, đất nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Rủi ro lớn nhất vẫn là diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19; sức chống chịu và nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Việc hoàn thành bao phủ vắc-xin cuối năm 2021, hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ chậm phục hồi, tăng trưởng thấp nếu không sớm kiểm soát được dịch bệnh; trong khi đó thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ thường trực.

Trên cơ sở dự báo, đánh giá tình hình, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và báo cáo Quốc hội các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó đã đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Theo đó, tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển triển kinh tế - xã hội. Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19. Tiếp tục tiêm chủng vắc-xin cho Nhân dân. Phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở, các đội phản ứng nhanh, tổ hỗ trợ điều trị COVID-19, tổ COVID-19 cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh.

Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm 2022.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thương mại và hạ tầng văn hóa, xã hội. Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch. Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam; chú trọng thực hiện chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao năng lực hệ thống y tế. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thuý chất vấn. Ảnh: Phương Hoa

Triển khai các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy, (Đoàn Tuyên Quang) về đánh giá kinh nghiệm quốc tế từ các gói hỗ trợ vừa qua và quan điểm về mục tiêu, phạm vi và đối tượng của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội Việt Nam đang xây dựng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đại dịch COVID-19 là đại dịch chưa từng có tiền lệ, tác động nặng nề đến nhiều mặt kinh tế xã hội ở cả thế giới và Việt Nam.

Trên thế giới, các nước có quyết sách và quyết sách nhanh với gói hỗ trợ nhanh chưa từng có tiền lệ, bất chấp kỷ cương về tài chính. Tiếp nữa là chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ và bội chi ngân sách. Thứ 3, họ thống nhất và quyết định nhanh và làm ngay cho thấy tình hình các nước sau khi tiêm phủ vaccine và gói hỗ trợ phục hồi kinh tế nhanh thì kinh tế phục hồi nhanh.

Theo đó, vừa qua Mỹ đã bỏ tất cả 27,9% GDP và chấp nhận tăng nợ công thêm 21 điểm phần %, đẩy nợ công của Mỹ lên 133% GDP; Trung Quốc tăng 6,1% và tăng nợ công là 9,7% điểm, tổng nợ công đến nay 66,8%; Thái Lan tương ứng tăng 15,6% và nợ công tăng 9,4%, tổng nợ công đến nay 50,5%; Malaysia 8,8% GDP và nợ công tăng thêm 8,2 điểm %, tổng nợ công 52,5%...

Đối với Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng, các gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, bảo đảm kinh tế vĩ mô, kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chính sách tái cơ cấu nền kinh tế; tính toán đến cả những tác động trong ngắn hạn, dài hạn; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, hiệu quả... để nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2025 đã đề ra.

Bộ trưởng cho biết, các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch, những ngành có tiềm năng phục hồi nhanh, đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Cũng quan tâm về các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) nêu trong các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2022 mà Chính phủ trình Quốc hội, chỉ tiêu tốc độ tăng GDP đạt 6-6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân 4%, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết khi xây dựng những chỉ tiêu này đã dự báo hết nguy cơ gia tăng tỷ lệ lạm phát chưa, nhất là hậu quả nặng nề do dịch COVID-19 gây ra. Đồng thời, trong tỷ lệ bội chi nêu trên, đã bao gồm các gói phục hồi kinh tế mà Chính phủ trình Quốc hội trong thời gian tới chưa?

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định cơ sở để xác định các mục tiêu trên đều dựa trên tình hình thực tiễn, có tính đến khả năng chúng ta kiểm soát được dịch bệnh vào quý IV và khả năng phục hồi của nền kinh tế khi chúng ta mở cửa trở lại. Đồng thời cũng chưa tính các gói phục hồi kinh tế vào tỷ lệ bội chi đề ra. Nếu được Quốc hội thông qua, Bộ Kế hoạch và Đàu tư sẽ tính toán điều này làm tăng thêm bội chi khoảng 1% và chúng ta có thể kiểm soát được.

Theo Bộ trưởng, khi kinh tế phát triển và quy mô của nền kinh tế tăng lên sẽ giải quyết được rất nhiều mục tiêu: Giải quyết được việc làm, tận dụng các cơ hội, các chỉ số về nợ công và bội chi cũng sẽ giảm đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Các gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, bảo đảm kinh tế vĩ mô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO