Bộ trưởng Lê Minh Hoan giải đáp nhiều vấn đề “nóng” của ngành nông nghiệp

Thanh Tùng-Khương Trung| 07/06/2022 21:57

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, chiều 7/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

1(5).jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát hiện tượng khách quan, lắng nghe hơi thở của cuộc sống để có một phiên chất vấn, trả lời chất vấn sôi nổi, thực chất, mang tính xây dựng và hiệu quả cao nhất; tiết kiệm và sử dụng tối đa thời gian Kỳ họp dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan sẽ trả lời các vấn đề sau: Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản. Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

8(1).jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Giải pháp cho tình trạng nông sản "được mùa mất giá"

Trả lời đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông về điệp khúc được mùa mất giá chưa hồi kết, sản xuất nông nghiệp vẫn theo chiều rộng, tự phát, tiêu thụ phụ thuộc số ít thị trường. Giải pháp căn cơ nào cho vấn đề nêu trên?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây là quy luật kinh tế cung - cầu và phải khống chế quy luật này qua hai cách. Khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt. Do đó, giải pháp cho câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa.

Bộ Nông nghiệp nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản. Chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản, và khi đó chưa đồng nhất thương hiệu và  sẽ sớm cùng các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giải quyết việc này.

Về câu chuyện nhiều nhà vườn phải phá bỏ vườn thanh long do bí đầu ra, chi phí vật tư đầu vào tăng cao, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chỉ khoảng 1/10 sản xuất theo quy trình hợp tác xã, phần lớn là bà con trồng không theo quy chuẩn. Sự cạnh tranh giữa các nhà vườn, hợp tác xã tạo ra sự bất ổn để có danh chính ngôn thuận một vùng nguyên liệu ổn định.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, trồng trọt để giảm chi phí đầu vào. "Các nước đang hướng tới nền nông nghiệp ít hơn để được nhiều hơn. Tức là tối thiểu hóa chi phí, và tối đa hóa lợi nhuận bằng khoa học nông nghiệp. Chúng ta cũng phải phấn đấu theo hướng này", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

my-hue.jpg
Đại biểu Phạm Thị Mỹ Huệ chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phạm Thị Mỹ Huệ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đặt vấn đề, hàng Việt đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước. Có thông tin nông sản Việt Nam được xuất khẩu và có mặt tại các kệ hàng trong các hệ thống siêu thị nước ngoài với giá cao, trong khi giá bán tại các chợ truyền thống và các hệ thống siêu thị trong nước vẫn ở mức thấp. Vì thế thu nhập của người nông dân, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp chưa thực sự được cải thiện. Giải pháp của Bộ trưởng là gì?

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta hay đặt vấn đề vải thiều xuất qua Nhật  xoài xuất qua Mỹ giá cao nhưng thương lái, doanh nghiệp mua của nông dân giá lại thấp. Tuy nhiên, để đưa nông sản xuất khẩu nằm được trên kệ các siêu thị nước ngoài thì chi phí vận chuyển, logistic chiếm tỷ trọng rất cao nên nông dân không nên quá háo hức. Quan trọng là giá nông sản xuất khẩu cao như vậy có phân bổ lại cho người nông dân hay không nếu so với bán nông sản nội địa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng, Bắc Giang xuất khẩu vải thiều qua Mỹ, nếu cân đối với giá xuất khẩu và giá bán tại Hà Nội và TP. HCM thì mới rõ bức tranh. "Có hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng nói với tôi, tầng lớp trung lưu đất nước mình nhiều rồi, sẵn sàng mua nông sản giá cao. Vậy thì câu chuyện là thị trường 100 triệu dân Việt Nam nằm ở đâu. Vấn đề là phải tổ chức lại thị trường nông sản trong nước. Muốn xây dựng thương hiệu nông sản ở nước ngoài thì hãy xây dựng thương hiệu trong nước. Niềm tin tiêu dùng nông sản trong nước là bệ đỡ để xuất khẩu nông sản ra thế giới", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và nhấn mạnh, đây là câu chuyện cân đối nông sản giữa thị trường trong nước và nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đặt câu hỏi về giải pháp, chính sách để tăng tỉ lệ nông sản đưa ra thị trường đã qua chế biến, tăng tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thực tế một số ngành của nước ta chế biến rất tốt gần như 100%, thậm chí không đủ nguyên liệu trong nước để chế biến như ngành thủy sản, chế biến gỗ, cao su. Lĩnh vực khó khăn nhất và rủi ro nhất trong chế biến nông sản là trái cây. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp tham gia và thành công. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thăm và khởi động nhà máy chế biến nông sản ở Sơn La, Gia Lai và một số địa phương.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản thì chất lượng nông sản tốt và sản lượng nông sản ổn định. Do đó địa phương cần phải chủ động liên kết thu hút doanh nghiệp, tạo an tâm có đủ nguyên liệu sản xuất bởi doanh nghiệp sợ về đó mà nông dân không bán cho doanh nghiệp. Bộ trưởng cho rằng lãnh đạo địa phương cần phải sâu sát ngồi với nông dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin thị trường trước.

Xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng nông sản

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự quan tâm, đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng hàng nông sản.

luu-mai.jpg
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu câu hỏi. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào người dân có thể yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp và đến bao giờ Việt Nam có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ của thế giới?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, khi nào 100 triệu dân Việt Nam được an toàn khi sử dụng thực phẩm là câu hỏi được lặp lại rất nhiều từ trước đến nay, có khi từ khóa XI. Khẳng định không thoái thác trách nhiệm, nhưng Bộ trưởng cho rằng, ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao, có tính hệ thống trên dưới trong ngoài, vận hành theo kinh tế thị trường. Vì vậy, không thể bằng một mệnh lệnh hành chính là có thể thay đổi được.

“Ngay cả sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng phải an toàn, được kiểm chứng bởi hệ thống phân phối. Đáng tiếc chúng ta chưa có hệ thống để đánh giá chất lượng nông sản, dẫn đến nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Vấn đề này có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận.

son.jpg
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu câu hỏi. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, nông nghiệp du lịch sinh thái đang là xu hướng mới của nền nông nghiệp Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập trong tích tụ, tập trung đất đai, tiếp cận nguồn vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là quy hoạch vùng chuyên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để phát triển mạnh mô hình này trong thời gian tới?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, hiện đã có nhiều chính sách, quy hoạch vùng, khu nông nghiệp công nghiệp cao, doanh nghiệp và sản phẩm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng thực tế cho thấy nhiều chính sách không hiệu quả, khi chính sách có nhưng huy động nguồn lực không tương xứng, đảm bảo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ để rà soát lại các chính sách này.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan ví dụ khu nông nghiệp công nghệ cao tại Hậu Giang diện tích 5.000 ha, các địa phương cho rằng khi được phê duyệt thì sẽ thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhưng thực tế không thực hiện được, "chơi vơi giữa mong muốn và nguồn lực thực đầu tư". Không có khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, nhưng chúng ta vẫn có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Họ vẫn đầu tư, chọn địa điểm tối ưu để đầu tư.

Lấy dẫn chứng Grab, Uber kinh doanh vận tải nhưng không cần sở hữu chiếc xe nào, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng trong nền kinh tế kết nối, chia sẻ thì ngoài tích tụ đất đai để có khu vực sản xuất, khu nông nghiệp cao lớn hơn, thì vẫn có phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng điều kiện địa phương. Ở đây nguồn lực Nhà nước và xã hội cùng đầu tư, phát triển vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao

"Chúng ta đang sống ở thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp chưa chắc đã cần đất. Phải thay đổi tư duy nông nghiệp công nghệ cao thì mới phát triển được", Bộ trưởng nói và cho biết đồng ý với đại biểu Ngọc Sơn rằng nông nghiệp sinh thái là xu thế mới để Đồng bằng sông Cửu Long chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nền nông nhiệp xanh, sinh thái bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng kế hoạch để phát triển vùng theo hướng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Lê Minh Hoan giải đáp nhiều vấn đề “nóng” của ngành nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO