Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
(TN&MT) - Chiều 20/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã làm rõ những nội dung mà đại biểu quốc hội quan tâm để xây dựng dự án Luật bảo đảm sự thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan, đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các địa phương, các vị Đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để cơ quan soạn thảo tổng hợp, tiếp thu những nội dung chiến lược, vĩ mô, sâu sát với thực tiễn đời sống từ đó hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đồng tình với các ĐBQH về việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước và đặc biệt là đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia trước bối cảnh BĐKH đã và đang gây ra hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặt ở nước ta.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến các đại biểu nêu để rà soát dự thảo Luật chặt chẽ hơn để kiểm soát vấn đề sử dụng nước hiệu quả, sử dụng tuần hoàn nước, có các chính sách điều tiết nguồn nước để giải quyết vấn đề thiếu nước ở mùa khô và giữ nước mùa mưa đảm bảo hiệu quả quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Đối với nhóm nội dung về “nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa” ,”nước khoáng, nước nóng thiên nhiên”… cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu các chuyên gia, cơ quan thẩm định… để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan.
Đối với những quy định về quản lý, sử dụng tài nguyên nước thì bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế, do đó Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết trong Luật sẽ thể chế hóa những nội dung này để tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước. Cũng như quy định rõ hơn về các giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; rà soát, bổ sung điều chỉnh một số thuật ngữ chuyên ngành đảm bảo đầy đủ, thống nhất, dễ hiểu; nghiên cứu bổ sung các chức năng về phòng chống lũ, điều hòa chống úng chống ngập đô thị; trách nhiệm quản lý, phân cấp phân quyền, tách bạch quản lý nhà nước giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương…
Ngoài ra, tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện các quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước đảm bảo hiệu quả nhất, “đặc biệt từ việc chúng ta căn cứ vào quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội quốc gia, quy hoạch các vùng, quy hoạch tỉnh chúng ta sẽ thực hiện quy hoạch tài nguyên nước có chiến lược và đảm bảo hiệu quả nhất” – Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay.
Về nội dung liên quan đến phục hồi tài nguyên nước, đặc biệt là nhiệm vụ khôi phục được những “dòng sông chết” mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu khoa học công nghệ về phòng, chống, thoát lũ thì các bộ ngành, địa phương phải cần có cơ chế phối hợp để phục hồi và bảo vệ các dòng chảy. Đồng thời phải gắn trách nhiệm trong việc quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường. Cũng liên quan đến vấn đề phối hợp giữa các địa phương về quản lý nguồn nước ở lưu vực sông, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết thêm, hơn 60% nguồn nước của Việt Nam là từ nước ngoài chảy vào do đó dự thảo Luật sẽ đưa ra quy định về những nội dung này để từ đó có sự phối tốt giữa các địa phương và cơ quan trung ương.
Về nội dung lấy ý kiến dân cư liên quan đến quy hoạch cũng như các dự án liên quan đến nguồn nước, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần hạn chế việc lấy ý kiến nhiều lần, đảm bảo sự ổn định cuộc sống của nhân dân, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết cơ quan soạn thảo sẽ đưa ra những quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn và sẽ có hướng dẫn trong việc lấy ý kiến của người dân để việc lấy ý kiến được khách quan, dân chủ nhất, đảm bảo người dân sẽ vừa tham gia vừa lấy ý kiến nhưng cũng tham gia kiểm tra, giám sát để tránh việc các dự án gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới đời sống.
Với tất cả những ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến trên tinh thần cầu thị, sẽ cố gắng tối đa nhất, tổng hợp nhất những nội dung mang tính phổ quát nhất và chiến lược nhất, định hướng nhất để hoàn thiện dự án Luật.