Thứ Trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo tại cuộc họp |
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thạc Cường – Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN cho biết, với mục đích lồng ghép, tích hợp các chủ đề, vấn đề nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành về tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã phê duyệt 6 Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể 6 chương trình gồm: Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021-2025; Nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ mới, tiên tiến trong công tác điều tra cơ bản về tài nguyên thiên nhiên, quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021-2025; Nghiên cứu đổi mới sáng tạo, thiết kế và chế tạo thiết bị chuyên dùng phục vụ điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường, xử lý chất thải giai đoạn 2021-2025; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong xây dựng, phát triển Chính phủ số và Chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021 - 2025”; Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ sử dụng hợp lý tài nguyên tái tạo; tái chế, tái sử dụng hiệu quả chất thải, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025”; Dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn phục vụ công tác phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, ông Nguyễn Thạc Cường cũng cho biết, để triển khai thực hiện có hiệu quả, và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ của Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số số 355/QĐ-BTNMT về việc thành lập Ban chủ nhiệm các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp bộ giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, chương trình cũng quy định rõ nguyên tắc, điều kiện làm việc và nhiệm vụ của Ban chủ nhiệm bao gồm: tư vấn, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ TN&MT phù hợp với mục tiêu, nội dung Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp bộ giai đoạn 2021-2025; cho ý kiến đánh giá đối với danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ do lãnh đạo Bộ đặt hàng, các tổ chức, cá nhân đề xuất, đặt hàng thuộc Chương trình; tư vấn khoa học và công nghệ trong hoạt động kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu và chuyển giao kết quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp với nội dung của Chương trình.
Ông Nguyễn Thạc Cường - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN báo cáo tại cuộc họp |
Chủ nhiệm Chương trình sẽ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ TN&MT về toàn bộ hoạt động của Ban chủ nhiệm; phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chủ nhiệm theo quy định và chỉ đạo phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các thành viên Ban chủ nhiệm. Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các thành viên Ban chủ nhiệm và chỉ đạo xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Ban chủ nhiệm. Quyết định triệu tập, chủ trì và kết luận các cuộc họp của Ban Chủ nhiệm.
Đối với ủy viên Ban chủ nhiệm Chương trình sẽ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ TN&MT, chủ nhiệm Chương trình về các nhiệm vụ được phân công; Tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban chủ nhiệm; tham gia ý kiến và cùng tập thể Ban chủ nhiệm xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động của Chương trình. Trong trường hợp không thể tham gia hoặc vắng mặt, báo cáo Chủ nhiệm và tuân thủ đầy đủ các kết luận của Chủ nhiệm; Phối hợp chặt chẽ với các ủy viên trong Ban chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ chung.
Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ KH&CN Trần Bình Trọng cho biết, đây là lần đầu thành lập và ra mắt Ban chủ nhiệm sẽ còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, cần sự đóng góp ý kiến của các đơn vị để từ đó rút kinh nghiệm và việc thành lập Ban chủ nhiệm cũng được hoàn thiện hơn.
Quan điểm về vấn đề này, ông Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho rằng: Việc thành lập ban chủ nhiệm cho 6 chương trình là cần thiết nhưng chúng ta chưa có hành làng pháp lý để thực hiện. Do đó, cần rà soát, sửa đổi một số nội dung trong Thông tư 26/2018/TT-BTNMT quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo ông Trần Hồng Thái, Ban chủ nhiệm không nên chỉ có ý kiến với Vụ KHCN khi mà cần có đơn đặt hàng của Bộ. Ban chủ nhiệm cần căn cứ từ các đề xuất đơn vị chức năng liên quan, các nhà nghiên cứu đặt hàng của Bộ, đề ra danh mục đặt hàng, căn cứ vào tình tiết xin các ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị liên quan rồi ý kiến với Vụ KH&CN trình lên Bộ, như vậy quy trình sẽ toàn diện hơn.
Toàn cảnh cuộc họp |
Bên cạnh đó, cần phân biệt rõ ràng những mối quan hệ giữa Ban chủ nhiệm và Vụ KHCN dưới sự chỉ đạo Bộ, và môi quan hệ giữa ban chủ nhiệm với cơ quan quản lý cần nhà nước. Đồng thời, cần phải có văn bản chính thức từ khâu đặt hàng để rõ ràng hơn trong quá trình thực hiện chương trình.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Phú Hà - Cục trưởng Cục CNTT&DLTNMT cho biết, cần phải có sự rõ ràng trong việc nhiệm vụ của Ban chủ nhiệm và hành lang pháp lý rõ. Đặc biệt chương trình vè Công tác chuyển đổi số, Tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh, nôi dung rất quan trọng, đổi mới rất lớn trong hoạt động chung của chính phủ, được Bộ quan tâm rất nhiều, chính vì vậy cần có sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn để tránh nhiều nội dung chồng lấn lẫn nhau.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhận định: Việc thành lập Ban chủ nhiệm 6 chương trình là điều rất cần thiết giúp cho việc quản lý tài nguyên môi trường tốt hơn. Do đó, Ban chủ nhiệm cần xác định rõ trách nhiệm, tư vấn xác định danh mục nghiên cứu, đánh giá nghiệm thu chuyển giao kết quả. Vụ KH&CN cần tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, tiếp thu các ý kiến để chương trình được hoàn thiện hơn.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng nhấn mạnh cần nghiên cứu, tiên phong trong việc ứng dụng cơ sở dữ liệu vào ngành tài nguyên và môi trường.