Bộ TN&MT thẩm định đề án thăm dò khoáng sản tại Tuyên Quang, Bình Thuận và Điện Biên

Mai Đan| 12/03/2021 21:37

(TN&MT) - Chiều 12/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Cuộc họp nhằm thẩm định 3 đề án thăm dò khoáng sản tại Tuyên Quang, Bình Thuận và Điện Biên. Ông Lê Văn Tường - Đoàn trưởng Đoàn Địa chất 154 thuộc Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm cho biết: Đề án “Thăm dò xác định trữ lượng nước khoáng tại lỗ khoan LK2, DT3, mỏ nước khoáng Mỹ Lâm, phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang" do tập thể tác giả thuộc Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm kết hợp với các chuyên gia trường Đại học Mỏ Địa chất, các chuyên gia Công ty Cổ phần Phú Lâm GLOBAI thành lập theo đúng các quy định hiện hành. Trên cơ sở các tài liệu hiện có lưu trữ tại Công ty, tài liệu thực tế tại mỏ, các tài liệu khác có liên quan đến khu vực thăm dò, tập thể tác giả nhận thấy có đủ cơ sở khoa học để xây dựng để án.

Ngoài ra, việc lựa chọn tổ hợp các phương pháp kỹ thuật để thi công để án là hợp lý, khối lượng thiết kế đủ để đánh giá trữ lượng nước khoáng tại lỗ khoan LK2 và DT3 đạt cấp trữ lượng B theo đúng quy định; phù hợp với loại hình mỏ và Quy định về phân cấp trữ lượng về tài nguyên khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo thông tư 52/2014/TT- BTNMT.

“Đề án đặt mục tiêu là kết thúc công tác thăm dò sẽ làm sáng tỏ hơn về chất lượng, trữ lượng nước khoáng và các đặc điểm Địa chất, Địa chất thủy văn mỏ nước khoáng Phú Lâm và sẽ đạt được trữ lượng cấp B là 700m³/ng theo yêu cầu của chủ đầu tư”, ông Lê Văn Tường cho biết thêm.

Góp ý cho đề án trên, ông Nguyễn Trường Giang - Chánh Văn phòng Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết, đề án được lập trên cơ sở thu thập các tài liệu địa chất, địa chất thủy văn - địa chất công trình trong khu vực, kết quả nghiên cứu trước đây về LK13, LK2, DT3 và dự kiến được khối lượng, phương pháp để thực hiện. Đề án cơ bản đã tiếp thu các ý kiến phản biện để hoàn thiện đề án theo quy định tại Thông tư 52/2008/TT-BTNMT về phân cấp trữ lượng tài nguyên nước khoáng - nước nóng.

Ông Nguyễn Trường Giang cho rằng, Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm cần xác định rõ mục tiêu thăm dò nước khoáng để ngâm tắm hay đóng chai và rà soát lại dự toán kinh phí thăm dò.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên - Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề án Thăm dò khoáng sản yêu cầu Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng Thẩm định đề án Thăm dò khoáng sản, đặc biệt rà soát lại chi phí lỗ khoan, trên cơ sở đó, sớm hoàn chỉnh, trình lại đề án để Hội đồng xem xét cấp giấy phép thăm dò.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên trao đổi với các thành viên Hội đồng

Cũng tại cuộc họp, Hội đồng đã thẩm định đề án thăm dò khoáng sản cát trắng tại khu vực Bình Tân – sông Lũy thuộc xã Bình Tân và xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Đề án nhằm đánh giá chất lượng, trữ lượng để tiến tới khai thác, chế biến cát trắng phục vụ trong ngành công nghiệp thủy tinh phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, vừa góp phần tạo thể chủ động về nguyên liệu các ngành xây dựng trong nước vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng – đại diện Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Đầu Tư Khoáng Sản Việt, đơn vị lập báo cáo, trên cơ sở tài liệu thu thập được, đề án phần nào đã đánh giá được đặc điểm hình thái thân khoáng, đặc điểm chất lượng và tính chất công nghệ của cát trắng có trong khu vực thăm dò phục vụ mục đích định hướng cho công tác thăm dò về sau, giảm thiểu rủi ro và tránh lãng phí. Mục tiêu về trữ lượng cát trắng của Đề án là 5.930.751 (tấn), trong đó, trữ lượng cấp 121 là 1.870.777 (tấn) và cấp 122 là 4.059.974 (tấn).

Đánh giá đề án trên, ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, Đề án đã cơ bản thu thập đủ tài liệu địa chất, khoáng sản; đề án được lập theo quy định và phương pháp thăm dò phù hợp. Tuy vậy, đơn vị lập báo cáo cần chú ý lớp sét, bột màu xám có thể là thành phần của hệ tầng pha trong; xem xét lấy cả sản phẩm san lấp; thiết kế trình tự, phương pháp địa chất khoanh định diện phân bố của cát, từ đó điều chỉnh mạng lưới, chính xác lỗ khoan tay (theo kỹ thuật các Liên đoàn đang làm) và xem xét không cần giếng.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên yêu cầu đơn vị lập báo cáo chính xác về mặt khoa học, trình tự hợp lý, đảm bảo tính thống nhất để sau này còn xem xét phê duyệt, tính tiền cấp quyền...

Quang cảnh cuộc họp

Đề án thứ 3 được thẩm định là đề án thăm dò khoáng sản quặng chì - kẽm khu vực Háng Trở, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Ông Trần Văn Quý thuộc Liên đoàn Địa chất Đông Bắc, đơn vị lập báo cáo cho hay, mục tiêu của đề án là thăm dò đánh giá chất lượng, trữ lượng quặng chì kẽm cấp 122 dự kiến đạt được 25.000 tấn kim loại Pb+Zn, mục tiêu này có đủ cơ sở khoa học và hoàn toàn có tính khả thi.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, đề án đã thu thập tổng hợp tài liệu đo vẽ, tìm kiếm khoáng sản, các tài liệu điều tra đánh giá Pb-Zn, cơ bản đáp ứng việc lựa chọn diện tích, đối tượng thăm dò, lựa chọn hệ phương pháp thăm dò. Đề án thiết kế thi công 2 giai đoạn là phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, hệ phương pháp lựa chọn cơ bản hợp lý, phù hợp với đối tượng thăm dò.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên chỉ đạo Liên đoàn Địa chất Đông Bắc tiến hành công tác tuần tự từng bước, từ diện đến điểm, từ khái quát đến chi tiết. Bên cạnh đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tăng cường công tác giám sát đề án này và các đề án tương tự, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia để đảm bảo chất lượng, độ tin cậy của báo cáo điều tra, đánh giá tổng hợp tài liệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT thẩm định đề án thăm dò khoáng sản tại Tuyên Quang, Bình Thuận và Điện Biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO