Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu - Bộ TN&MT cho biết: “BĐKH đang tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới, làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu về lương thực, nước, năng lượng, các vấn đề về an toàn xã hội, văn hóa, ngoại giao và thương mại. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH.
Thực tế những năm qua cho thấy, BĐKH không còn là nguy cơ mà đã, đang diễn ra một cách nghiêm trọng, nhanh hơn dự báo, tác động toàn diện, rộng khắp ở các vùng miền, thể hiện qua sự gia tăng về tần xuất và cường độ thiên tai dưới động của các hiện tượng El Nino, La-Nina, điển hình là hạn hán ở các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên; lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng Tây Bắc gia tăng. Hằng năm có từ 12 đến 16 cơn bão ở biển Đông, trong đó có 7 - 8 cơn bảo tác động trực tiến đến nước ta và bão đang có xu thế dịch chuyển về các tỉnh phía Nam”.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Quang, đối với khu vực ĐBSCL, đây được xem là khu vực đặc biệt nhạy cảm và dể bị tổn thương trước tác động của BĐKH, nước biển dâng cùng với tác động do khai thác sử dụng nước ở các nước thượng nguồn sông MeKong. Thực tế đó đã đặt ra những thách thức rất nghiêm trọng đối với nước ta nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng. Để vượt qua những khó khăn, chuyển hóa được những thách thức do BĐKH gây ra thành cơ hội phát triển, trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn về ứng phó với BĐKH.
Trong đó, phải kể đến Nghị quyết số 24 của Ban chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược quốc gia về BĐKH; đặc biệt, cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg.
"Nhằm góp phần triển khai có hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ứng phó với BĐKH, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị tập huấn này cho các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Mục tiêu của Hội nghị là cập nhật, trao đổi, thảo luận về các kiến thức, kỹ năng ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các cán bộ tại các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội vùng ĐBSCL" - ông Nguyễn Tuấn Quang nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Chí Kiên cho biết: TP.Cần Thơ cũng như các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang đối mặt với những tác động tiêu cực của BĐKH. Trong thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các giải pháp để thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, việc triển khai các công tác nhìn chung còn bị động, rời rạc và mang tính đơn lẻ và ngắn hạn.
Bên cạnh đó, việc ứng phó với BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch còn lúng túng, chưa đi vào thực chất, nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, nhất là sự phối hợp tham gia của cộng đồng. Do vậy, "Hội nghị này là cơ hội để cùng thảo luận, chia sẽ những thông tin, kinh nghiệm, từ đó có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc cùng tham gia hành động thích ứng với BĐKH" - ông Nguyễn Chí Kiên mong muốn.
Tại Hội nghị này, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ giới thiệu những thông tin cập nhật mới nhất về BĐKH cũng như các hướng dẫn kỹ thuật để cán bộ làm công tác ứng phó với BĐKH tại địa phương từng bước đánh giá thực trạng, đề xuất xây dựng các hoạt động ứng phó BĐKH cho địa phương mình; tích hợp vấn đề BĐKH vào các kế hoạch phát triển; thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái.
Đồng thời, các đại biểu cũng sẽ trình bày các chuyên đề về cơ sở khoa học của BĐKH; những thách thức và giải pháp thích ứng với BĐKH ở vùng ĐBSCL; BĐKH ở Việt Nam và kịch bản BĐKH cho Việt Nam; xác định các nguồn phát thải khí nhà kính và khả năng giảm phát thải; tác động của BĐKH và đánh giá tác động của BĐKH đến các ngành, lĩnh vực, giải pháp ứng phó theo ngành…