Môi trường

Bộ TN&MT phản hồi kiến nghị của 14 hiệp hội về định mức chi phí tái chế với sản phẩm, bao bì (Fs)

Phạm Oanh (thực hiện) 25/08/2023 - 22:47

(TN&MT) - Bộ TN&MT đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (Fs), đây là cơ sở cho nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì từ ngày 01/01/2024. Mới đây, 14 hiệp hội đã có kiến nghị gửi Bộ TN&MT và các cơ quan có liên quan về dự thảo Fs. Báo TN&MT đã phỏng vấn TS. Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia, Tổ trưởng Tổ soạn thảo về các kiến nghị của 14 hiệp hội liên quan đến dự thảo Fs.

a4634d9cb16f63313a7e.jpg
TS. Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia

PV: Thưa ông, được biết 14 hiệp hội có gửi kiến nghị về dự thảo Fs do Bộ TN&MT đề xuất. Xin ông cho biết Bộ TN&MT đã nghiên cứu, tiếp thu và phản hồi kiến nghị của các hiệp hội như thế nào?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Chúng tôi đã nhận được kiến nghị của 14 hiệp hội sản xuất, nhập khẩu liên quan đến dự thảo Fs. Thay mặt Tổ soạn thảo, chúng tôi hoan nghênh và cảm ơn các ý kiến kiến nghị của các hiệp hội đối với dự thảo Fs đang đề xuất và đang tham vấn rộng rãi tổ chức, cá nhân có liên quan.

Kiến nghị của 14 hiệp hội chủ yếu có 4 nội dung gồm: kiến nghị giảm Fs vì cho rằng Fs đang được đề xuất cao và điều này làm tăng giá sản phẩm, hàng hóa, gây khó khăn cho doanh nghiệp; kiến nghị tính Fs bằng 0 cho các vật liệu có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế; cho rằng Fs chưa trừ giá trị vật liệu thu hồi được và không đáp ứng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn và cho rằng chi phí quản lý hành chính hỗ trợ tái chế ở mức 3% là cao.

Với tinh thần cởi mở, cầu thị cũng như bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên có liên quan, chúng tôi đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến hợp lý từ các cơ quan, tổ chức và từ phía các hiệp hội trong việc hoàn thiện dự thảo Fs; tuy nhiên, chúng tôi cho rằng không phải tất cả kiến nghị của hiệp hội đều chính xác và phù hợp, một số kiến nghị đang có sự nhầm lẫn và cần có sự phản hồi rõ ràng để có nhận thức chung về vấn đề này.

PV: Thưa ông, các hiệp hội cho rằng Fs được đề xuất cao hơn trung bình của các nước Tây Âu, không phù hợp với thực tế tái chế tại Việt Nam. Xin ông cho biết quan điểm của ông về kiến nghị này?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Mức phí tái chế ở các nước rất khác nhau do khác biệt về cách tiếp cận, cơ cấu phí, công nghệ, giá, chi phí nhân công và cách tính các chi phí liên quan cũng như yêu cầu về tỷ lệ tái chế bắt buộc nên rất khó và không phù hợp để so sánh. Ngay tại Liên minh Châu Âu, mức phí tái chế cho bao bì giữa các nước thành viên cũng có thể chênh lệch rất nhiều lần: chẳng hạn với bao bì nhôm, phí tái chế ở Áo là 8.584 đồng/kg, ở Bỉ là 579 đồng/kg, ở Thụy Điển lại lên tới 13.013 đồng/kg. Thực tế kết quả so sánh mức Fs đề xuất của Việt Nam so với phí tái chế ở một số quốc gia khác do công ty TBC-Ball thực hiện cho thấy hiện mức Fs của Việt Nam cũng chỉ nằm ở mức trung bình so với các nước. Do đó, ý kiến của các hiệp hội cho rằng Fs trong dự thảo cao hơn mức trung bình của các nước là không có cơ sở.

Chúng tôi cho rằng việc so sánh hay đối chiếu Fs với mức phí tái chế ở các quốc gia khác chỉ có ý nghĩa tham khảo, đặc biệt phần lớn các nước thì phí tái chế là do các tổ chức nhận ủy quyền từ nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là các PRO) đưa ra trên cơ chế thỏa thuận thị trường; chỉ có ở vài nơi mức phí tái chế do cơ quan quản lý ấn định hoặc chỉ định tương tự như Fs của chúng ta (tiêu biểu như Đài Loan (Trung Quốc), Singapore) thì mới có giá trị tham khảo trong một số trường hợp.

Các chuyên gia EPR quốc tế khi tư vấn cho chúng tôi cho rằng không nên so sánh mức phí tái chế với các nước khác bởi mức phí rất khác nhau mà thay cho việc đó nên bảo đảm Fs của Việt Nam phải sát và phù hợp thực tế tái chế của Việt Nam. Về nguyên lý, Fs phải cao hơn chi phí tái chế trong trường hợp doanh nghiệp tự tổ chức thực hiện; không khuyến khích doanh nghiệp nộp tiền để thực hiện trách nhiệm tái chế của mình, việc đóng tiền nên là sự lựa chọn cuối cùng.

Trên quan điểm Fs phải sát và phù hợp thực tế tái chế của Việt Nam, Bộ TN&MT tổ chức một nhóm tư vấn tiến hành điều tra, khảo sát thực tế chi phí tái chế tại gần 70 cơ sở tái chế lớn trên toàn quốc với sự tham gia bởi các chuyên gia của Viện Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) và các nhà tài chế của Hiệp hội Tái chế Việt Nam; có tham khảo, đối chiếu với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quy định đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế tương tự như Đài Loan, Singapore.

Tuy nhiên, để bảo đảm hài hòa và phù hợp với giai đoạn đầu, chúng tôi đã đề xuất điều chỉnh giảm Fs xuống khoảng 10 đến 15% so với chi phí thực tế được khảo sát; mặc dù theo các chuyên gia và các cơ sở tái chế thì mức Fs này chưa thể hiện được chi phí tái chế thực tế tại Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, chúng tôi đã đề xuất áp dụng hệ số điều chỉnh để giảm định mức chi phí tái chế, theo đó Fs được áp dụng hệ số điều chỉnh nhằm phản ánh khả năng thu gom và hiệu quả tái chế đối với từng loại sản phẩm, bao bì và mức độ khuyến khích phát triển công nghệ tái chế đối với từng loại sản phẩm, bao bì đó: khả năng thu gom và hiệu quả tái chế càng thấp thì hệ số điều chỉnh càng cao và ngược lại để một mặt khuyến khích sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì dễ thu gom, tái chế; mặt khác, hệ số cao để khuyến khích việc đầu tư tái chế đối với các sản phẩm, bao bì đang chưa được tái chế chính thức hoặc ít được tái chế do chi phí tái chế cao, lợi nhuận thấp. Do đó, với các loại sản phẩm/bao bì dễ tái chế, Fs có thể giảm tới 80% so với so với chi phí tái chế thực tế mà các cơ sở tái chế ở Việt Nam đang thực hiện.

Theo đó, chúng tôi khẳng định Fs được đề xuất đã cơ bản phản ảnh được các chi phí thực tế của các hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý các sản phẩm, bao bì, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, có sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong một số trường hợp. Mặc dù các doanh nghiệp tái chế cũng có ý kiến cho rằng Fs là thấp, chưa phản ánh đầy đủ các chi phí tái chế thực tế hiện nay.

PV: Theo các hiệp hội, việc ban hành Fs sẽ làm tăng giá các hàng hóa và gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xin ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Chúng tôi cho rằng cần phân biệt rõ giữa chi phí tuân thủ quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là EPR) với quy định Fs, các hiệp hội đang có sự hiểu nhầm giữa EPR và Fs. Rõ ràng, để thực hiện EPR thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải có chi phí tuân thủ. Theo quy định của pháp luật, nhà sản xuất, nhập khẩu có nhiều sự lựa chọn để thực hiện EPR, một trong những sự lựa chọn đó là đóng tiền trên cơ sở Fs và tôi muốn nhấn mạnh rằng Fs không mang tính bắt buộc, Fs là một trong các sự lựa chọn và nên là sự lựa chọn cuối cùng để nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện EPR.

anh-minh-hoa-bai-phong-van.jpg
Fs là công cụ định hướng sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, bao bì thân thiện môi trường

Vì vậy, ý kiến cho rằng Fs làm tăng chi phí tuân thủ hay tăng giá hàng hóa là không có cơ sở, trừ trường hợp các sản phẩm, bao bì chưa có cơ sở tái chế để thực hiện tái chế thì mới phải lựa chọn hình thức đóng tiền để thực hiện trách nhiệm.

Xin lưu ý thêm rằng tỷ lệ tái chế bắt buộc ở Việt Nam hiện nay đang ở mức rất thấp so với trung bình của các nước, thậm chí là thấp hơn rất nhiều so với năng lực thực tế tái chế tại Việt Nam, nên mức đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu trong trường hợp lựa chọn đóng tiền sẽ thấp hơn đáng kể so với ở các nước khác tính trên cùng lượng sản phẩm, bao bì. Hơn nữa, trường hợp đóng tiền để thực hiện EPR thì nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ đóng tiền theo khối lượng sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường (theo doanh thu) chứ không phải đóng tiền cho tất cả các sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp khó khăn, không bán được hàng hóa thì cũng không phải thực hiện EPR cho khối lượng hàng hóa tồn kho.

Bên cạnh đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã có quy định miễn trừ EPR cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; theo đó, các nhà sản xuất, nhập khẩu có doanh thu từ sản xuất dưới 30 tỷ đồng/năm hoặc giá trị nhập khẩu dưới 20 tỷ đồng/năm nên EPR hay Fs sẽ không tác động đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ như một số tổ chức, cá nhân lo ngại.

PV: Các hiệp hội kiến nghị tính Fs = 0 cho các vật liệu có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế như bao bì giấy, bao bì nhựa cứng, bao bì kim loại, thiết bị điện - điện tử… theo thông lệ quốc tế. Xin ông cho biết ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Chúng tôi thấy bất ngờ khi nhận được kiến nghị này và xin khẳng định rằng kiến nghị này là không phù hợp quy định pháp luật, không có cơ sở và không phù hợp thông lệ quốc tế. Chúng tôi đã có ý kiến phản hồi về kiến nghị này tại một số hội thảo tham vấn Fs gần đây.

Luật Bảo vệ môi trường quy định rõ nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì thuộc đối tượng EPR phải thực hiện trách nhiệm của mình thông hình thức tự tổ chức tái chế hoặc đóng tiền vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Đề xuất Fs = 0 đồng nghĩa nhà sản xuất, nhập khẩu không phải thực hiện EPR theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; điều này là trái với quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, kiến nghị này không phù hợp với thông lệ quốc tế. Tất cả các quốc gia đang áp dụng EPR thì các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng hoặc là tự thực hiện việc tái chế hoặc phải trả phí ủy quyền cho tổ chức nhận ủy quyền để tổ chức tái chế, không có chuyện không phải trả chi phí nào.

PV: Xin ông cho biết quan điểm của ông về ý kiến của các hiệp hội cho rằng Fs không đáp ứng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ giá trị vật liệu thu hồi được, cụ thể vấn đề này như thế nào?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Theo Điều 81 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, việc tính Fs căn cứ theo chi phí thu gom, phân loại, vận chuyển, tái chế và chi phí quản lý hành chính, do đó Fs không bao gồm chi phí thu mua phế liệu và khấu trừ lại giá trị vật liệu thu hồi được. Nên ý kiến cho rằng Fs chưa trừ đi giá vật liệu thu hồi là không chính xác.

Ý kiến cho rằng Fs chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn cũng không chính xác vì Fs được áp dụng hệ số điều chỉnh để phản ánh khả năng và giá trị thu gom, tái chế với từng loại sản phẩm, bao bì; theo đó sản phẩm, bao bì có khả năng, giá trị thu gom, tái chế cao thì mức Fs càng thấp và ngược lại. Như tôi đã nói, với các loại sản phẩm/bao bì dễ tái chế, có giá trị tái chế cao, Fs có thể giảm tới 80% so với so với chi phí tái chế thực tế mà các cơ sở tái chế ở Việt Nam đang thực hiện.

Tôi cho rằng Fs không chỉ là một sự lựa chọn khi thực hiện EPR mà Fs còn là công cụ định hướng, điều chỉnh thiết kế, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, bao bì theo hướng thân thiện môi trường và tuần hoàn tài nguyên.

PV: Thưa ông, các hiệp hội cho rằng mức 3% cho chi phí quản lý hành chính là cao và chưa hợp lý. Xin ông cho biết phản hồi của ông về vấn đề này?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Trước đây, chúng tôi đề xuất mức chi phí quản lý hành chính trong Fs là 3%, tương tự mức trung bình chi phí quản lý hành chính của các quỹ tương tự khác do doanh nghiệp đóng góp đang thực hiện như Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (3%), Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam (5%), Quỹ Phòng chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả (5%), Quỹ Phòng chống thiên tai (3%).v.v…

Bên cạnh đó, tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì mức chi phí quản lý hành chính được đề xuất 3% là rất thấp so với thông lệ quốc tế, thường chiếm từ 10 – 25 % (xem bảng kèm theo); riêng Đài Loan có cơ chế đóng tiền thực hiện EPR tương tự như Việt Nam thì mức chi phí quản lý hành chính là 30%.

Tuy nhiên, để bảo đảm hài hòa và tiếp thu ý kiến này chúng tôi đã đề xuất giảm chi phí quản lý hành chính xuống còn 2%. Cá nhân tôi cho rằng chi phí này rất khiêm tốn và mức chi phí sẽ là thách thức lớn cho cơ quan quản lý nhà nước khi vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát việc tuân thủ EPR lại vừa quản lý, giám sát việc sử dụng tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu trong hỗ trợ tái chế đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT phản hồi kiến nghị của 14 hiệp hội về định mức chi phí tái chế với sản phẩm, bao bì (Fs)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO